Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Thị trường bay 28 điểm, giá dầu có là nguyên nhân?

(VNF) - Thị trường đã chứng kiến một phiên đảo chiều dữ dội hôm nay khi VN-Index bốc hơi 28,13 điểm tương đương 3,54%.

Góc nhìn chứng khoán: Thị trường bay 28 điểm, giá dầu có là nguyên nhân?

VN-Index quay đầu giảm mạnh hôm nay với thanh khoản rất cao khi nhà đầu tư đổ xô bán ra.

Mức giảm của thị trường Việt Nam mạnh thứ 2 trên toàn châu Á, chỉ sau chứng khoán Ấn Độ giảm 3,59%. Các thị trường thế giới nhìn chung đều giảm mạnh và nguyên nhân được cho là do biến động bất ngờ của giá dầu thế giới đêm qua.

Lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu ở ngày đáo hạn đã rơi xuống mức âm và diễn biến này cũng được xem là nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ lao dốc hơn 2% đêm qua (chỉ số DJA). Điều này tất yếu có ảnh hưởng đến các thị trường khác.

Tuy nhiên mức giảm ở nhiều thị trường không quá lớn như Việt Nam. Ngay cả thị trường tương lai chứng khoán Mỹ trong lúc thị trường Việt Nam còn giao dịch cũng chỉ giảm nhẹ. Mức độ giảm của thị trường trong nước chịu tác động của chính diễn biến của cổ phiếu đã tăng nhiều trước đó, trong khi phần lớn nhà đầu tư đều chỉ coi nhịp phục hồi hiện tại như một cơ hội để kiếm tiền nhanh.

Mức tăng gần 20% của VN-Index chỉ từ đầu tháng 4 trở lại đây khiến không ít nhà đầu tư cảm thấy khó hiểu vì các yếu tố vĩ mô rất kém. Điều duy nhất có thể trả lời thuyết phục cho hiện tượng này là “dòng tiền mới” của các nhà đầu tư mới mở tài khoản. Các nhà đầu tư kỳ cựu gọi đây là “dòng tiền điên” vì không biết sợ là gì, vừa mua xong đã có lời. Không ít cổ phiếu được lực mua mới này đẩy giá tăng hàng chục phần trăm, thậm chí tăng gấp đôi trong thời gian ngắn.

Biến động đột ngột của giá dầu và thị trường chứng khoán quốc tế quay đầu giảm chỉ là các yếu tố bên ngoài, đánh thức suy nghĩ rằng giá tăng mãi rồi cũng có lúc giảm và mức tăng không thể đi quá xa yếu tố cơ bản. Kết quả kinh doanh tệ hại của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 1/2020 bắt đầu xuất hiện tạo điều kiện để các nhà đầu tư định giá lại cổ phiếu. Hoạt động kinh tế có thể sẽ tiếp tục khó khăn trong quý 2, nghĩa là lợi nhuận doanh nghiệp có thể sẽ còn xấu đi hoặc chưa tốt lên được.

Trong khi đó đa số cổ phiếu đã có lãi tương đối nhiều. Trong điều kiện thị trường bình thường, mức tăng 10-15% của VN-Index đã là sóng lớn. Chẳng hạn cả năm 2019 cũng chỉ có 2 nhịp tăng trên 5% mà khi đó bối cảnh kinh tế còn khá hơn bây giờ rất nhiều. Vì vậy khi thị trường bùng nổ từ đầu tháng 4 tới nay, tuy có đủ lý do được đưa ra để hỗ trợ như Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt, các gói hỗ trợ rất lớn... nhưng đa số nhà đầu tư đều hiểu rằng đà tăng quá mạnh như vậy sẽ không bền. Mức lãi càng lớn thì tâm lý càng dễ dao động khi giá quay đầu giảm.

Trên thị trường chứng khoán, các tay giao dịch là những người không đáng tin nhất vì có thể lật mặt bất kỳ lúc nào miễn là bảo toàn lợi ích. Hôm qua có thể nhiều nhà đầu tư phân tích đủ mọi lý do để ủng hộ thị trường tăng, hôm sau họ chính là những người tháo chạy đầu tiên khi cảm thấy thị trường không như ý muốn. Đó là chưa kể những người ủng hộ thị trường tăng nhất thực chất chính là những người đã có lợi thế về cổ phiếu sẵn sàng bán. Trong giao dịch không có sự thương xót hay đồng cảm gì cả vì lợi nhuận của người này chính là thua lỗ của người khác.

Các cổ phiếu đầu cơ là biểu hiện rõ nhất của hiện tượng dẫm đạp lên nhau. Nhiều cổ phiếu hôm qua còn tăng cực mạnh, thậm chí tăng hết biên độ, dư mua cả triệu cổ, hôm nay đã quay đầu giảm sàn và mất thanh khoản như DRH, PVD, DXG, HSG, SBT...

Thanh khoản phiên này cực lớn, riêng giao dịch khớp lệnh tới trên 5.700 tỷ đồng vì có rất nhiều người bán ra. Lợi nhuận cao nên bán giá thấp cũng vẫn có lời. Mức biến động 28 điểm là bình thường ở giai đoạn này vì trước đó thị trường cũng đã tăng hơn 30 điểm một ngày, hay trước nữa là giảm tới hơn 40 điểm.

Tin mới lên