Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Thị trường 'dặt dẹo' vì SAB?

(VNF) - VN-Index đã đi ngược thế giới hôm nay và thanh khoản cũng rất thấp, đẩy thị trường vào cảnh giao dịch “dặt dẹo” rất khó chịu.

Góc nhìn chứng khoán: Thị trường 'dặt dẹo' vì SAB?

VN-Index chưa bứt phá được rõ rệt qua đỉnh nhỏ nhất hồi tháng 6 và thanh khoản tương ứng ở các thời điểm giảm rõ nét cho thấy không có nhiều nhà đầu tư tham gia vào.

Chỉ số giảm điểm là điều không bất ngờ khi SAB tiếp tục bị chốt lời khá mạnh. Vấn đề là hàng trăm cổ phiếu khác cũng giảm theo và không thể nói rằng do mình SAB hay thị trường thế giới có biến động gì bất ngờ.

SAB đã có một đợt chốt lời mạnh từ cuối tuần trước khi giá vút lên cao rồi lại trượt dốc đi kèm với thanh khoản khá lớn. Hôm nay khối lượng giao dịch của SAB giảm mạnh và tiếp tục tạo một bull-trap nhỏ trong phiên trước khi đóng cửa ở giá thấp nhất và giảm 2,91% so với tham chiếu. Một cổ phiếu tăng hơn 30% trong 8 phiên thì nhu cầu chốt lời ngắn hạn chắc chắn nhiều.

VN-Index đã không tìm thấy cổ phiếu lớn nào khác thay thế SAB nên mất điểm hôm nay, thậm chí là để mất cả ngưỡng 870 điểm. Như vậy về mặt kỹ thuật chỉ số này vẫn chưa vượt qua được đỉnh ngắn hạn gần nhất. Cổ phiếu tăng giá trong 8 phiên đầu tháng 7 không bao nhiêu nên có thể coi nhịp tăng nhỏ này chỉ mang tính kỹ thuật.

Yếu tố có thể xem là tích cực, là mức giảm của cổ phiếu cũng không nhiều. Trong nhóm blue-chips ngoài SAB chỉ có VPB giảm 1,32%, VRE giảm 2,03% là đáng kể. Các cổ phiếu khác, nhất là nhóm vốn hóa lớn, giảm khá nhẹ như VNM giảm 0,43%, VIC giảm 0,11%, VHM giảm 0,38%, MSN giảm 0,53%, TCB giảm 0,73%, BID giảm 0,48%. GAS vẫn tăng 0,81% và CTG tăng 0,63% đã co kéo giúp VN-Index biến động nhẹ.

Phiên hôm nay thực ra thị trường có cơ hội để tăng hơn là giảm vì các mã lớn như VIC, VCB, thậm chí là VNM hầu như chưa tăng tương xứng với VN-Index. Diễn biến các thị trường quốc tế trong giờ thị trường Việt Nam giao dịch cũng ổn định, thậm chí chứng khoán Nhật, Trung Quốc đều tăng rất tốt. Diễn biến trong nước lại khá yếu, giao dịch chậm và thanh khoản chung cũng đuối. Vì vậy nếu coi phiên giảm bất ngờ cuối tuần trước là một nhịp lùi lấy đà để thị trường đi tiếp thì hôm nay kết quả khá thất vọng.

Nhà đầu tư nước ngoài cũng không phải là đối tượng gây áp lực cho thị trường vì mức bán ròng tương đối nhỏ. Cổ phiếu ở sàn HSX chỉ bị bán ròng khoảng 83 tỷ đồng còn VN30 chỉ bị bán ròng hơn 20 tỷ đồng. Số ít mã khối này bán ròng đủ lớn để ảnh hưởng tới giá chỉ có SSI, STB, VRE, trong đó VRE giảm 2,03% và STB giảm 0,87%, SSI vẫn tham chiếu. Những mã như VCB, BID còn được khối này mua ròng.

Thị trường chung – nhìn từ góc độ cổ phiếu – hầu hết là giảm giá với mức độ nhẹ và thanh khoản đi xuống đã thể hiện nguyên nhân chủ đạo là do lực cầu yếu. Có lẽ nhà đầu tư nhìn nhiều vào chỉ số VN-Index đã tăng liền mấy phiên nên lo ngại rủi ro điều chỉnh hơn là nhìn vào mức tăng rất ít ở cổ phiếu. Lực cầu suy yếu nên khả năng nâng đỡ giá yếu đi hai phiên gần đây và thanh khoản giảm dần. Cũng có thể hiểu rằng ở thời điểm hiện tại số lượng nhà đầu tư tham gia vào diễn biến tăng đã nhỏ dần.

Điểm tựa duy nhất lúc này là những con số lợi nhuận sắp được công bố. Hiện mới có lác đác vài doanh nghiệp công bố con số ước tính (chưa chính thức hoặc chưa có báo cáo xoát xét). Thị trường hoàn toàn có thể đang giữ thế đi ngang để chờ đợi các kết quả kinh doanh và cũng không có áp lực điều chỉnh rõ rệt. Mức biến động giá có thể vẫn nhỏ trong những phiên tới trên nền thanh khoản thấp.

Tuy vậy điều đáng lưu ý là khi kết quả kinh doanh được công bố đồng loạt, thị trường nếu không tăng thêm được rõ rệt – chẳng hạn VN-Index vượt 900 điểm – thì nguy cơ điều chỉnh sau đó sẽ rõ ràng hơn vì hết kỳ vọng trong ngắn hạn.

Tin mới lên