Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Tiền giảm đột ngột, thị trường suy yếu

(VNF) - VN-Index tăng chưa tới 5 điểm hôm nay là một sự lỡ đà đáng kể sau khi đảo chiều ấn tượng phiên trước. Thêm nữa hôm nay là ngày chính thức dỡ bỏ cách ly xã hội nhưng có vẻ thị trường lo lắng nhiều hơn là vui mừng.

Góc nhìn chứng khoán: Tiền giảm đột ngột, thị trường suy yếu

Thanh khoản bắt đầu sụt giảm rõ ràng hơn khiến thị trường khó duy trì được đà tăng trọn vẹn trong phiên.

Tăng điểm cuối ngày nhưng VN-Index lại mất rất nhiều điểm trong phiên. Từ đỉnh cao 785,6 điểm đầu phiên rơi xuống 773,91 điểm cuối phiên, chỉ số để mất 11,69 điểm tương đương khoảng 1,5%.

Thị trường đi lùi như vậy không phải là diễn biến tốt vì nó phản ánh hiện tượng hưng phấn sớm và tụt hứng dần. Giá tụt giảm dần do nhà đầu tư bán ra nhiều hơn trong khi sức mua lại kém.

Hôm nay thị trường trong nước chủ yếu chịu tác động nội tại hơn là các biến số bên ngoài. Mối lo chính có lẽ là khối lượng cổ phiếu quá lớn đang dần về tài khoản cũng như về mặt kỹ thuật, thị trường rất có thể đã đạt đỉnh ngắn hạn của nhịp phục hồi hiện tại.

Sự hưng phấn trong dòng tiền không còn như trước là điểm dễ nhận thấy nhất. Nhìn vào giá trị giao dịch hàng ngày, từ mức khớp lệnh liên tục 5.000 tỷ đồng/phiên nay tụt xuống chưa tới 3.300 tỷ đồng. Thanh khoản chênh lệch quá nhiều mà chỉ cách nhau có vài ngày. Giá trị giao dịch hàng ngày là con số cân đối giữa mua và bán, nếu có 5.000 tỷ đồng đổ vào thị trường thì cũng có 5.000 tỷ đồng rút ra. Thanh khoản các phiên kế tiếp giảm mạnh là do số tiền rút ra đó đã nằm im hoặc quay lại mua rất ít.

Hôm qua thị trường quay đầu phục hồi tốt nhờ cầu bắt đáy nhưng thanh khoản đã suy giảm. Hôm nay đà tăng sớm lại bốc hơi gần hết và thanh khoản giảm hơn nữa, tức là không mấy nhà đầu tư nghĩ rằng cơ hội giá đi cao hơn ở phía trước. Trong khi đó còn cả chục ngàn tỷ đồng giá trị cổ phiếu đang giữ tại mức giá cao mấy ngày trước lúc nào cũng sẵn sàng xả ra. Nếu như vài tuần trước, thanh khoản tăng liên tục giúp giá cổ phiếu vượt qua các đợt chốt lời T+3 thì lúc này tình hình đã khác: Tiền bị hãm lại trong khi khối lượng cổ phiếu vẫn thế. Điều này luôn diễn ra ở vùng đỉnh của thị trường khi dòng vốn đổi chiều.

Về mặt kỹ thuật, thị trường có khả năng cao đã tạo đỉnh ngắn hạn trong ngày 20/4. Có nhiều chỉ báo kỹ thuật thông thường để xác định điều này, nhưng chủ yếu là mức thanh khoản cực cao. Hôm 17, 20 và 21/4 tổng giá trị giao dịch trung bình lên tới trên 6.200 tỷ đồng/phiên và tổng giá trị khớp lệnh lên tới gần 5.200 tỷ đồng/phiên. Đây là mức cao kỷ lục của năm nay cho tới lúc này.

Đối với các nhà phân tích kỹ thuật, thanh khoản đột biến cao sau một chuỗi phiên tăng dài thì rất có thể sẽ tạo đỉnh, vì đó là lúc nhà đầu tư hưng phấn nhất, chấp nhận dốc túi để mua. Khi ai cũng đã mua thì cũng đồng nghĩa là chẳng còn bao nhiêu tiền để mua! Thanh khoản thường rất lớn ở vùng đỉnh chủ yếu phản ánh khía cạnh tâm lý, hơn là sức mạnh của lượng vốn.

Trong các diễn biến ngắn hạn thị trường dễ bị chi phối bởi yếu tố kỳ vọng mới và lượng tiền sẵn sàng giao dịch hàng ngày. Đó chính là điều diễn ra trong 3 tuần đầu tháng 4 ở thời điểm thị trường mù mịt nhất, toàn thông tin tiêu cực. Khi đó thị trường trông đợi một kết quả tốt về dịch bệnh và sớm chấm dứt cách ly. Điều đó đến hôm nay đã xảy ra. Lượng tiền mới vào thị trường đã giao dịch mạnh mẽ tạo nên chuỗi phiên tăng dài hiếm có, bây giờ đã bắt đầu giảm cường độ. Khi động lực tăng thay đổi thì nguy cơ tạo đỉnh ngắn hạn là rất rõ ràng.

Tuy nhiên thị trường cũng không phải rơi vào trạng thái nguy hiểm gì lúc này vì đỉnh ngắn hạn vẫn thường xuyên xảy ra trong một xu hướng tăng. Thị trường khó tăng thêm vì mức tăng giá đã phản ánh kỳ vọng cho tới thời điểm hiện tại, kết thúc những lý do khiến thị trường đi lên suốt 14 phiên đầu tháng 4. Giờ là lúc thị trường đối diện với thực tế xem liệu khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh như thế nào, kết quả kinh doanh quý 2 ra sao cũng như các yếu tố tạo nên kỳ vọng mới cho vài tháng tới.

Tin mới lên