Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Tín hiệu vui – Khối ngoại giảm bán ròng

(VNF) - Thị trường tiếp tục một phiên đi ngang với biên độ rất nhỏ. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thanh khoản quá nhỏ nên biến động giá không rõ ràng. Tín hiệu tích cực duy nhất là sức ép từ phía nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm theo.

Góc nhìn chứng khoán: Tín hiệu vui – Khối ngoại giảm bán ròng

Thanh khoản suy giảm có thể thấy rất rõ ở nhóm VN30.

Hoạt động giao dịch ngắn hạn chủ yếu là đầu cơ dựa trên biến động giá nên khi thị trường đi ngang, cơ hội trở ngày càng ít và kiếm lợi nhuận khó khăn hơn. Lựa chọn cổ phiếu không bao giờ là dễ và trong bối cảnh dao động hẹp thì các giao dịch này càng vất vả.

Thống kê với các nhà đầu cơ lướt sóng T+3 gần nhất, khả năng đạt lợi nhuận là tương đối nhỏ. Ví dụ sàn HSX có 381 cổ phiếu niêm yết. T+3 hôm nay chỉ có 64 cổ phiếu với thanh khoản trung bình tối thiểu 1 tỷ đồng/ngày ghi nhận lãi (chiếm 16,8%). Trong số này có 49 mã lãi hơn 1% tương đương khoảng 12,9%, 38 mã lãi hơn 2%, tương đương 10%.

Đối với các nhà đầu cơ T+5 thì sao? Có 88 cổ phiếu đang ghi nhận lãi tương đương 23,1%; 74 mã lãi trên 1%, tương đương 19,4% và 61 mã lãi trên 2% tương đương 16%.

Đối với các nhà đầu tư bắt đáy hôm 22/4, tương đương T+7, 100 cổ phiếu đang ghi nhận có lãi, tương đương 26%; 89 cổ phiếu lãi trên 1%, tương đương 23,4%; 69 cổ phiếu có lãi trên 2%, tương đương 18,1%.

Riêng với blue-chips VN30, T3 chỉ có 10 mã còn có lãi, 17 mã lỗ. T+7 có 15 mã lỗ, 13 mã lãi.

Mặc dù tỷ lệ cổ phiếu có lãi là rất nhỏ nhưng ít nhất thị trường vẫn đang cho thấy có cơ hội đối với các nhà đầu cơ chọn lựa chính xác. Với trạng thái đi ngang như hiện tại, đây không phải là thời điểm để đầu cơ ngắn hạn mà phải nhìn xa hơn. Do đó không có gì khó hiểu khi dòng tiền ngắn hạn hoặc là chuyển sang một số ít các mã vốn hóa nhỏ để thao túng, hoặc nằm im. Điều này khiến tổng thể thanh khoản trên thị trường giảm.

Các giao dịch khớp lệnh cổ phiếu hai sàn hôm nay sụt giảm tiếp hơn 17% nữa, xuống mức 2.719,4 tỷ đồng. Mức thanh khoản này đã trở lại bằng với thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4 khi còn chưa xác định được nhịp phục hồi có chắc chắn hay không. Thanh khoản thấp là nguyên nhân trực tiếp khiến dao động trên thị trường ngày càng hẹp lại. Điều này giống như một vòng luẩn quẩn nguyên nhân và kết quả mà chỉ có thể kết thúc khi một bên mạnh hơn hẳn: Đó có thể là bên mua bơm tiền vào mạnh hơn để kéo giá tăng cùng với thanh khoản hoặc bên bán xả hàng nhiều hơn và giá giảm mạnh hút tiền mới.

Thanh khoản thấp khiến thị trường rơi vào trạng thái trì trệ, kiếm ăn rất khó, nhưng một dấu hiệu vui là khối ngoại đang giảm sức ép bán ròng. Thực ra tổng thể mức bán ra vẫn không thay đổi nhiều lắm trong hai tuần gần đây, nhưng mức bán ròng giảm là do phía mua đã tăng lên.

Hai phiên đầu tuần này, giá trị bán ròng (tính cả thỏa thuận) đối với cổ phiếu hai sàn đều chỉ loanh quanh con số “trăm tỷ”. Để so sánh thì trong tháng 4, bình quân mỗi ngày nhà đầu tư nước ngoài rút ròng gần 322 tỷ đồng.

Quy mô mua vào tăng lên ở thời điểm sức mua của nhà đầu tư trong nước có dấu hiệu giảm cũng là yếu tố góp phần duy trì thanh khoản. Tỷ trọng mua của khối ngoại trong tổng giá trị giao dịch hàng ngày đã lên tới 14,6% hôm nay và bình quân 3 phiên gần nhất xấp xỉ 13%. Nếu không có sự gia tăng từ phía mua thì thanh khoản có thể còn thấp nữa.

Tin mới lên