Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: VN-Index giảm sâu, cơ hội vẫn có

(VNF) - Cuối cùng thì VN-Index cũng đã có một phiên giảm mạnh thật sự sau chuỗi ngày đi ngang. Mất 6,84 điểm hôm nay là ngày giảm lớn nhất kể từ phiên 10/2 vừa qua.

Góc nhìn chứng khoán: VN-Index giảm sâu, cơ hội vẫn có

VN-Index có phiên giảm đáng kể nhất từ ngày 10/2, làm rõ nét hơn rủi ro điều chỉnh kỹ thuật.

Diễn biến của chỉ số hôm nay không khác nhiều lắm phiên đầu tuần, nhưng mức độ lớn hơn. Vẫn là VIC giảm 3,24%, SAB giảm 4,3%, GAS giảm 1,49%, VHM giảm 0,81% và thêm VNM giảm 1,86%. Như vậy, 5/7 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường trên 100.000 tỷ đồng đã giảm mạnh phiên này. Đó là chưa kể VCB đứng im còn BID tăng 0,97% không thể giúp ích gì nhiều.

Thực tế này tiếp tục củng cố ý tưởng rằng thị trường đang được điều chỉnh bằng chỉ số dưới tác động của các mã vốn hóa lớn. Cho đến hôm nay thì VIC và SAB đã rơi rất nhanh, liên tục nhiều phiên, xuyên đáy ngắn hạn. Các cổ phiếu còn lại mới gia nhập vào nhóm giảm mạnh và là nguyên nhân gia tăng quán tính rơi của chỉ số. Dưới áp lực giảm giá của nhóm này, VN-Index hoàn toàn có nguy cơ rơi tiếp sâu hơn.

Tuy nhiên, phiên giao dịch hôm nay cũng thể hiện sự khác biệt giữa chỉ số và thị trường chung. VN-Index đã không đại diện đầy đủ cho thị trường. Thống kê chỉ rõ điều này: Hôm qua VN-Index giảm 2,68 điểm thì có 222 cổ phiếu giảm giá và 133 cổ phiếu tăng giá. Hôm nay VN-Index giảm 6,84 điểm thì có 174 cổ phiếu giảm giá và 163 cổ phiếu tăng giá. Chỉ số thì giảm mạnh hơn nhưng số cổ phiếu tăng giá lại cải thiện.

Như vậy, cơ hội trong lúc VN-Index giảm mạnh chính là lựa chọn đúng cổ phiếu mạnh hơn chỉ số. Nói cách khác, nếu nhà đầu tư nắm giữ những siêu blue-chips đang bị dùng để điều tiết chỉ số thì chắc chắn là thiệt hại. Ngược lại, nếu biết “né” những mã này thì cơ hội vẫn không nhỏ.

Chẳng hạn ngay trong rổ VN30, hôm nay có MWG tăng 1,3%, FPT tăng 3,32%, PNJ tăng 1,58%, CTD tăng 2,94%, SBT tăng 1,88%. Hay như xu hướng quay lại đầu cơ các mã vốn hóa nhỏ lại nổi lên: Riêng sàn HSX có 16 cổ phiếu tăng giá hết biên độ, nhiều mã thu hút được thanh khoản rất tốt như HAR, DRH, PHR...  Những mã như DRH hay PHR thực tế còn mạnh hơn nhiều so với VN-Index: Trong 8 phiên gần nhất – là 8 phiên chỉ số giảm đà tăng và bắt đầu quay lại giảm – chỉ số giảm1,36% thì DRH tăng 21,67%, PHR tăng 9,74%...

Một yếu tố quan trọng trong hoạt động đầu tư là quản lý danh mục và quản lý vị thế. Thay đổi tỷ trọng rổ cổ phiếu linh hoạt, ưu tiên nắm giữ nhiều hơn các mã mạnh, giảm bớt các cổ phiếu yếu sẽ giúp cân bằng được danh mục, giảm rủi ro.

Đối với nhà đầu tư lướt sóng, đó là kỹ năng “chuyền cành”, “nhảy nhót” phù hợp với thị hiếu của thị trường từng thời điểm. Đã là đầu cơ thì không tính tới yếu tố cơ bản mà chỉ quan tâm tới khả năng tăng giá trong ngắn hạn từng mã. Đối với các nhà đầu cơ thì blue-chips không tốt hơn các mã thị giá thấp, đúng ra là không có khái niệm tốt, mà chỉ là có khả năng tăng giá hay không và cũng không có khái niệm “yêu thích” một cổ phiếu nào.

Xu hướng điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index có khả năng cao là sẽ vẫn tiếp tục chừng nào các cổ phiếu lớn nhất vẫn chưa tìm thấy đáy. Về mặt kỹ thuật, nhịp điều chỉnh này vẫn chỉ được xem là VN-Index kiểm định lại đáy cũ có được trong 3 phiên rơi thẳng đứng sau kỳ nghỉ Tết. Nhịp điều chỉnh diễn ra trong thời điểm thị trường trống thông tin hỗ trợ, khi dịch bệnh vẫn liên miên mà kết quả kinh doanh quý 1 thì chưa tới. Kiểm định đáy cũ là một diễn biến có lợi chứ không xấu, giúp phản ánh hết những đánh giá về rủi ro đang có.

Tin mới lên