Tài chính

Góc nhìn chứng khoán: Xoay chiều chóng mặt, nhà đầu tư lại tranh đua giá trần

(VNF) - Hôm qua lời than vãn còn lan tràn khắp nơi, hôm nay thị trường đảo chiều bất ngờ, nhà đầu tư lại quên hết và tranh mua giá kịch trần.

Góc nhìn chứng khoán: Xoay chiều chóng mặt, nhà đầu tư lại tranh đua giá trần

VN-Index (đường màu đen) tăng tốt từ sớm nhờ sự phục hồi trước của nhiều blue-chips mà đại diện là VCB (đường màu đỏ). Đà tăng chỉ thật sự mạnh khi VIC (đường màu xanh) bắt đầu bùng nổ.

Phiên tăng hơn 11% của chứng khoán Mỹ đêm qua đã kích động nhà đầu tư trong nước nhảy vào đua giá, đẩy hàng loạt cổ phiếu lên mức kịch trần, dù nhiều mã còn vừa mới bị bán tháo giá sàn mấy ngày trước. VIC, VHM, VRE hôm qua "ế sưng ế xỉa”, hôm nay không còn cổ mà mua. Cả nhóm VN30 có tới 10 cổ phiếu tăng hết biên độ và hai sàn là gần 60 mã.

Đó chính là vẻ đẹp của chứng khoán khi tâm lý thay đổi từng ngày. Nhà đầu tư rất dễ quay cuồng với biến động giá mỗi thời điểm. Khi thị trường giảm mạnh, cổ phiếu bán sàn chất đống thì có đủ thứ lý do để giải thích cho sự sợ hãi. Đến khi giá quay đầu tăng, dù chỉ ngay phiên kế tiếp, các lý do bi quan tận cùng lại nhanh chóng bị lãng quên và thay vào đó là các lý do tích cực để ủng hộ hướng đi mới của giá.

Thực sự hôm nay thị trường trong nước không đón nhận thông tin gì mới hơn, tốt hơn ngày hôm qua. Thay đổi duy nhất là chứng khoán quốc tế đêm qua tăng mạnh. Thị trường Mỹ nhấp nhổm chờ đợi quyết định thông qua gói cứu trợ 2.000 tỷ USD. Gói cứu trợ này có tác động đến đâu vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Chẳng hạn cựu chủ tịch quỹ đầu tư Jim Cramer – hiện là host của chương trình nổi tiếng “Mad Money” của kênh CNBC – đánh giá về gói cứu trợ này tương tự gói cứu trợ mua tài sản xấu (TARP) thời kỳ 2008 và thị trường chứng khoán cũng nhảy dựng đứng một ngày, sau đó lại giảm tiếp.

Gói cứu trợ lần này chỉ giúp cầm cự (duy trì thanh khoản) chứ không giải cứu như TARP (mua tài sản xấu) vì dịch bệnh mới là nguyên nhân chính. Thậm chí ngay cả khi cho không mỗi người dân Mỹ 1.200 USD, mỗi trẻ em 500 USD thì cũng không thể khuyến khích họ ra đường tiêu tiền nhiều hơn.

Mặc dù vậy biến động của thị trường luôn có một ý nghĩa nào đó. VN-Index hôm nay tăng 4,71%, mức cao nhất trong 2 năm và VN30-Index tăng 4,3%, mức cao nhất trong lịch sử, cho thấy thị trường vẫn sẵn sàng được kích thích và lòng tham vẫn đang tồn tại. Khi nhìn thấy giá cổ phiếu phục hồi đi kèm với thông tin tích cực mới, nhà đầu tư đã tranh mua và thúc đẩy làn sóng tăng giá lan rộng với cường độ mạnh.

Tâm lý chung của nhà đầu tư vẫn luôn là lảng tránh điều tiêu cực và hướng đến điều tích cực. Có thể thấy rõ điều này khi thị trường chứng khoán Mỹ giảm mạnh, nhà đầu tư trong nước chỉ muốn thị trường Việt Nam tách biệt với thế giới. Ngược lại, khi chứng khoán thế giới tăng cao, thị trường trong nước sụt giảm ngược chiều thì sự than vãn lại xuất hiện.

Một tín hiệu thực sự thay đổi theo hướng tốt hôm nay là giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Mức bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã giảm xuống còn 325 tỷ đồng, bằng một nửa hôm qua và thấp nhất trong 10 phiên gần nhất. Rõ ràng là giao dịch thoái vốn của khối ngoại được thực hiện bất kể “thời tiết” của thị trường và giá tăng bán được càng dễ. Nếu khối ngoại giảm áp lực và bán ít dần thì có thể tiến tới kết thúc và đó mới là điều đáng mừng.

Do phiên tăng đột biến hôm nay đến từ sự kích thích bên ngoài nên rất khó để cho rẳng tâm lý nhà đầu tư đã thật sự chuyển từ bi quan sang lạc quan. Sự lạc quan nếu có chủ yếu vì bớt lỗ, giống như cơn mưa rào trong thời kỳ đại hạn. Hầu hết cổ phiếu vừa tạo đáy ngày hôm qua và hôm nay hàng vẫn chưa về tài khoản.

Mặt khác, yếu chính khiến các thị trường sụp đổ là dịch bệnh thì vẫn còn nguyên. Chỉ vài ngày nữa các số liệu kinh tế vĩ mô quý I/2020 sẽ đồng loạt được công bố và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn chưa thể biết được.  

Tin mới lên