Tài chính

[Góc nhìn] Đến thời của cổ phiếu cơ bản?

(VNF) - Mặc dù VN-Index diễn biến lình xình quanh vùng 950 - 1.000 điểm nhưng nhiều cổ phiếu cơ bản - cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng kinh doanh tốt, có triển vọng tăng trưởng sáng trong trung, dài hạn - vẫn ghi nhận mức tăng thị giá rất khả quan trong thời gian qua.

[Góc nhìn] Đến thời của cổ phiếu cơ bản?

Đến thời của cổ phiếu cơ bản?

FPT từng là một trong những cổ phiếu gây "ức chế" nhất cho giới đầu tư bởi thị giá không tăng đáng kể trong một quãng thời gian dài, dù hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty vẫn diễn biến khả quan. Tuy nhiên, thời gian ngắn gần đây, cổ phiếu này tăng giá rất mạnh.

Thống kê cho thấy, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT đã tăng tới hơn 33% chỉ trong vòng 3 tháng, bất chấp VN-Index vẫn diễn biến lình xình quanh vùng 960 - 1.000 điểm.

Trước đó, nếu không tính quãng thời gian VN-Index tăng một mạch lên đỉnh 1.200 điểm khiến đại đa số các cổ phiếu tăng mạnh, trong đó có cổ phiếu FPT (và sau đó giảm sâu theo đà giảm của VN-Index) thì cổ phiếu FPT đã có tới 3 năm tăng giá không quá đáng kể.

Cụ thể, trong vòng 3 năm (từ đầu tháng 4/2014 đến đầu tháng 4/2017), thị giá cổ phiếu FPT tăng khoảng 30%, tương đương tăng khoảng 9%/năm. Mức tăng này dù nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng nhưng với việc đại đa số các nhà đầu tư Việt Nam ưa đầu tư ngắn hạn, không nhiều người giữ được cổ phiếu FPT lâu như vậy. Ở đa số các khoảng thời gian, mức sinh lời là rất thấp, đem lại cảm giác cổ phiếu FPT gần như đứng yên.

Trong khi đó, suốt từ năm 2014 đến năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của FPT liên tục tăng. Nếu như năm 2014, doanh thu thuần của FPT đạt trên 32.600 tỷ đồng thì sang đến năm 2017, mức doanh thu thuần đạt được là trên 42.600 tỷ đồng.

Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh từ mức 2.459 tỷ đồng năm 2014 lên mức 4.255 tỷ đồng năm 2017, nghĩa là tăng tới 73%.

8 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh doanh của FPT tiếp tục khả quan khi doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận trước thuế tăng 30% nhờ lực đẩy từ khối Công nghệ.

Một cổ phiếu cơ bản khác cũng tăng giá mạnh trong thời gian qua là MWG của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động. Thống kê 3 tháng gần nhất cho thấy, thị giá MWG đã tăng tới 40%.

Thế Giới Di Động là một trong những doanh nghiệp tăng trưởng nhanh và bền vững nhất trên cả 3 sàn chứng khoán (HNX, HoSE, UPCoM) trong những năm gần đây.

Dữ liệu từ năm 2014 (năm Thế Giới Di Động chính thức lên sàn) đến năm 2018 cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của "ông trùm bán lẻ" này lên đến 56%/năm. Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân còn ấn tượng hơn với 65%/năm.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kép giai đoạn 2018-2021 của Thế Giới Di Động tiếp tục ở mức cao: 30%/năm, được dẫn dắt bởi chuỗi Điện máy Xanh và kỳ vọng rằng chuỗi Bách hóa Xanh sẽ bắt đầu đóng góp lợi nhuận ròng trong năm 2021.

Nhắc đến cổ phiếu cơ bản thì không thể không kể đến VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Giống như FPT và MWG, cổ phiếu VCB tăng mạnh trong thời gian gần đây và đang thiết lập đỉnh lịch sử.

Giai đoạn 5 năm (2014 - 2018), lợi nhuận trước thuế của Vietcombank tăng bình quân 28%/năm. Nếu xét trong vòng 3 năm (2016 - 2018), mức tăng lợi nhuận bình quân lên đến 40%/năm. Đà tăng trưởng này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng đầu năm 2019 với mức tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê 3 tháng qua cho thấy, thị giá VCB đã tăng 17%. Còn nếu xét từ đầu năm, mức tăng lên đến trên 50%.

Cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng là cái tên đáng chú ý trong thời gian qua khi tăng 28% sau 3 tháng, bất chấp thông tin bán vốn cho nước ngoài đã được "thẩm thấu" vào giá trong đợt sóng tăng năm ngoái.

Một số cổ phiếu cơ bản khác tăng đáng kể trong 3 tháng qua có thể kể đến như: BMP (18%), REE (15%), VJC (15%)...

Việc nhiều cổ phiếu cơ bản tăng đáng kể trong thời gian qua bất chấp VN-Index vận động lình xình phần nào cho thấy các nhà đầu tư đang quay về với các doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng kinh doanh tốt, có triển vọng tăng trưởng sáng trong trung, dài hạn; và lấp ló đâu đó "bóng dáng" của việc luân phiên kéo trụ. Cơ hội theo đó vẫn còn khá lớn với các cổ phiếu cơ bản (cổ phiếu của doanh nghiệp đầu ngành, có nền tảng kinh doanh tốt, triển vọng tăng trưởng sáng trong trung, dài hạn) chưa tăng nhiều thời gian qua.

Từ khoá: cổ phiếu cơ bản, FPT, MWG, VCB, BID, BMP, REE, VJC,
Tin mới lên