Tiêu điểm

Góc nhìn: Nữ doanh nhân, từ ước mơ tới hiện thực

(VNF) - Tôi làm nghề viết, thường lặng lẽ với những chuyến đi, rồi ngồi đọc và viết về những gì xung quanh cuộc sống của mình theo những cảm nhận của chính mình. Tôi không hiểu gì nhiều về những con số thật to, những tính toán thật lớn, chỉ chăm chú đọc để suy ngẫm và viết. Nhưng nhờ những chuyến đi, nhờ đọc sách báo mà biết về nhiều người phụ nữ Việt hiền tài thời nay.

Góc nhìn: Nữ doanh nhân, từ ước mơ tới hiện thực

Nữ doanh nhân, từ ước mơ tới hiện thực.

Họ thuộc số ít những người phụ nữ làm được những việc thật lớn, không chỉ giới “mày râu” nể trọng, mà nhiều chuyên gia kinh tế tên tuổi còn ngạc nhiên. Ngạc nhiên vì bản lĩnh “liều mình như chẳng có” của họ trong những việc họ làm. Ngạc nhiên vì thành công và đóng góp của họ cho xã hội và đất nước.

Ví như chị Thái Hương, tôi chưa gặp trực tiếp bao giờ. Chị ấy cũng là người phụ nữ có mọi bổn phận với gia đình và chồng con, có trái tim người mẹ như tôi. Cả cuộc đời của chị là liên tiếp những ước mơ, sau đó là những bước đi cụ thể để vượt qua chính mình và hiện thực hóa ước mơ đó.

Đầu tiên, ước mơ của chị là có dòng sữa sạch cho người Việt giữa “cơn bão” Melanin. Từ đó, chị đã biến bao nhiêu vùng đồi núi cằn cỗi thành đồng cỏ để nuôi bò và dòng sữa sạch, thơm ngát đã hiện ra. Chị đã tận hiến để mang đến những dòng sữa tinh khôi cho người Việt.

Phụ nữ hai vai, một bên vai việc nước, một bên vai việc nhà. Chị đã trở thành “Người đàn bà của sữa”, lại tiếp tục dấn thân cho ước mơ có những ngôi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế để trẻ em được học ngay trên đất nước của mình. Đáng sợ nhất đối với phụ nữ là nỗi nhớ con khi gửi con đi học tập ở nước ngoài. Mà để con được học hành đến nơi đến chốn ở gần mình thì khó làm sao. Làm mẹ, thấu hiểu nỗi nhớ nhung của bậc sinh thành với con cái. Đây là giá trị tinh thần không thể đong đếm bằng tiền, bằng vàng. Xây trường học, đầu tư cho ngôi trường đạt đến tiêu chuẩn quốc tế, người đàn bà này mong ước thay cho những người mẹ khác muốn con được đi học gần, không phải ra nước ngoài xa cách. Khi chọn đầu tư cho giáo dục, chính là đã đầu tư cho một nền tảng văn hóa, đầu tư cho thế hệ tương lai, không tính đến lợi nhuận… Hướng đến một ước mơ vậy, với trái tim bao dung, rộng lớn, người phụ nữ này đã làm được.

Gần đây, tôi đọc nhiều hơn để hiểu thêm chị, thấy chị bắt đầu suy ngẫm và ước mơ từ căn bếp gia đình: “Trước tiên ta phải trở thành một cái bếp ăn tử tế cho người Việt. Tôi sẽ làm được điều ấy”. Chị đã làm điều ấy với sự tự tin. Tôi để ý từ chuyện thời thanh xuân của chị, một người luôn có đầy cả một núi việc, nhưng bận bịu, lo toan việc lớn nhiều đến đâu, thì chị vẫn chăm chăm về nhà để lo mặc áo, tắm giặt cho con. Chi tiết này mãi là quyền uy, mãi là lửa ấm cho nhiều trái tim làm mẹ khác phải học hỏi. Đó là bình dị và yêu thương. Không ồn ào, mà trong lặng lẽ, chị được phong danh hiệu Anh hùng....

Một nữ doanh nhân thành công khác mà tôi rất ngưỡng mộ. Đó là chị Nguyễn Thị Phương Thảo, tên tuổi gắn với hãng Hàng không Vietjet Air. Người đàn bà này đã đi lên từ một tài sản rất đơn sơ là chiếc xe máy “cá vàng”, đã từng ở nhà chung cư, vậy mà dám “liều mình như chẳng có” để vượt qua bao nhiêu gian khó để đi đến thành công. Chị được mệnh danh là “Người có bàn tay nhung bọc thép”, đã biến mọi chuyện phức tạp thành đơn giản để giải quyết. Chị Phương Thảo cũng bắt đầu bằng giấc mơ “Người nghèo cũng được bay lên trời”. Đến nay, máy bay của chị đã thực sự biến ước mơ ấy thành hiện thực, người nghèo được đi máy bay, sang trọng không khác gì những người giàu có và quan trọng trong xã hội này...

Còn bao nhiêu cái tên những nữ doanh nhân thành công nữa. Như các chị Mai Kiều Liên, Nguyễn Thị Nga, Trương Thị Lệ Khanh, Đặng Hoàng Ức My, Nguyễn Hoàng Yến, Cao Thị Ngọc Dung, Phạm Thu Hương, Phạm Thúy Hằng… Tôi chưa trực tiếp gặp họ bao giờ, chỉ thầm ngưỡng mộ họ mà thôi.

Những người đàn bà ấy là những bậc hiền tài, là liệt nữ, xuất hiện trong thời kỳ đổi mới. Họ như những ngôi sao sáng, rất khó có người thay thế được chỗ của họ. Ngoài trái tim và tấm lòng, họ còn là những bộ óc khoáng đạt, vượt trội, biết thế chấp thành bại, qui tụ hiền tài để làm giàu trên đất đai quê nhà từ chính ước mơ của mình.

Và tôi mong sẽ có thêm nhiều những người phụ nữ Việt như thế xuất hiện để đi tiếp mạnh mẽ hơn trên con đường rộng lớn, đầy thử thách mà những người phụ nữ này đã đi…

Trong một chuyến đi vào Nam Bộ, tôi gặp một trong những người phụ nữ như vậy. Chị đang trong thời kỳ khởi nghiệp, chưa có thật nhiều người biết đến. Đó là chị Ba Huân. Nhiều người ở vùng quê ấy gọi chị là “Nữ hoàng hột vịt”. Chị Ba Huân có tuổi thơ buôn bán trứng ở ven sông, cả đời chỉ đối thoại với quả trứng. Rồi chị “liều mình” tới độ dám bán cả nhà, dốc hết vốn để dành và vay ngân hàng xây dựng công ty sản xuất trứng sạch cung cấp cho bà con miền Tây.

Mấy năm trước đây, chị Ba Huân sang tận Hà Lan để tìm mua máy móc, dây chuyền sản xuất và ấp trứng công nghệ cao. Ba Huân từng gan góc, can trường, chết lặng vì thua lỗ, nhưng cũng từng muốn vỡ òa ngực vì sung sướng khi quả trứng của công ty chị đã chu du trong Nam ngoài Bắc. Người tiêu dùng đã bắt đầu biết đến thương hiệu “Ba Huân trứng sạch”. Quả trứng Việt của chị bắt đầu đi đến nhiều siêu thị trên thế giới. Chị đầu tư một cơ sở sản xuất trứng sạch tại miền Bắc, ở gần sông Hát Giang, Phúc Thọ, Hà Nội, với số tiền hơn một trăm tỷ. Một cơ sở trước đó ở Bình Dương thì vốn đầu tư lên tới vài trăm tỷ.

Tôi đã đến cơ sở sản xuất trứng sạch ở Phúc Thọ,( Hà Nội) với chu trình công nghệ khép kín, có máy soi trứng, bảo quản trứng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chị Ba Huân quản lý bao nhiêu con người, trong Nam ngoài Bắc, mà từng góc nhỏ của phân xưởng sản xuất đều thấy rõ sự sắp xếp khoa học, ngăn nắp tới từng ly.

Không rõ trong trái tim chị Ba Huân có mấy ngăn tươi đỏ, ngăn nào chứa những lo toan phiền muộn, trăn trở, ngăn nào đựng nỗi buồn lo riêng? Tôi tin rồi chị sẽ làm nên việc lớn. Với bàn tay nhỏ nhắn như mọi bàn tay của người mẹ, không chỉ xoay xung quanh quả trứng, mà chị bắt quả trứng sinh sôi, vượt qua các giới hạn để làm giàu trên đất đai nước Việt.

 

Tin mới lên