Diễn đàn VNF

Góc nhìn VNF: Bản quyền, đọc báo trả tiền và tương lai ngành truyền thông

(VNF) - Góc nhìn của VietnamFinance về sự kiện báo Ngày Nay công bố dự án đọc báo thu phí trực tuyến, giữa lúc vấn đề bản quyền của Việt Nam chưa có nhiều cải thiện trong nhiều năm qua.

Góc nhìn VNF: Bản quyền, đọc báo trả tiền và tương lai ngành truyền thông

“Special” Ngày Nay

Từ 29/3/2021, để có thể đọc và lưu trữ một số những bài báo trong chuyên mục Special Today trên Tạp chí điện tử Ngày Nay, bạn đọc cần thực hiện thanh toán điện tử thông qua nền tảng thanh toán ViettelPay, Bank Plus, thẻ ATM của hơn 40 ngân hàng trong nước, các loại thẻ quốc tế như Visa, Master Card, JCB, American Express.

Khi đưa các sản phẩm Special Today đến với bạn đọc theo cách này, không quá khi chúng ta đã có một “Special” Ngày Nay.

Ngày Nay không phải là cơ quan báo chí đầu tiên áp dụng thu phí trực tuyến. Trước đó, Báo điện tử VietnamPlus của Thông tấn xã Việt Nam đã chính thức thu phí kể từ tháng 11/2018. Các bài viết thu phí của VietnamPlus (pay.vietnamplus.vn) có nội dung phân tích chuyên sâu, phỏng vấn độc quyền… do tòa soạn tự sản xuất, hoặc dịch lại theo nhượng quyền của các đơn vị báo chí lớn trên thế giới.

Chưa có số liệu để nói hai năm qua VietnamPlus có thành công hay không với dự án này, nhưng với cả làng báo, VietnamPlus và Ngày Nay đã và đang đưa đến làn gió hy vọng cho một hướng chòi đạp vượt lên khỏi những thách thức của ngành xuất bản và truyền thông trong thời đại số.

Thu phí trực tuyến là một xu thế tất yếu của báo mạng khi mà các cách thức kiếm view (lượt xem) truyền thống đang gặp khó khăn và bị phụ thuộc vào các ông lớn công nghệ, đồng thời là các trang mạng xã hội ngày một phát triển. Ngày Nay lý giải: “Chính độc giả sẽ quyết định tòa soạn nên tiếp tục tồn tại theo phương thức cũ, tự loay hoay với các nguồn lực hiện có và “chạy quảng cáo” hay trao cho họ nguồn lực để tạo ra những sản phẩm báo chí chất lượng. Nền tảng thu phí, thay vì để thể hiện sự ghi nhận của độc giả với Ngày Nay, ngược lại, là thông điệp về lòng biết ơn và sự tôn vinh dành cho vai trò của độc giả với sự tồn tại của Ngày Nay”.

Thông điệp này không mới với những gì thế giới đang làm. Tròn 10 năm trước, tháng 3/2011, New York Times bắt đầu công bố kế hoạch thu phí đọc báo trực tuyến. Thời điểm đó, doanh thu hàng năm của nhà xuất bản này đã giảm 27% từ 3,3 tỷ USD năm 2006 xuống còn 2,4 tỷ USD vào năm 2010, kể cả khi họ đã tăng giá báo in của mình. “Tồn tại hay là chết?” không còn là câu để hỏi cho vui. Gói đọc cả năm trị giá 15USD được tung ra, và tăng lên đến 17USD từ tháng 2/2020, đã giúp cho nhà xuất bản này dần lấy lại phong độ trong cuộc chiến cạnh tranh và tồn tại.

New York Times hiện đang đưa ra gói khuyến mại "hấp dẫn" với giá chỉ 0,25USD/tuần, tức khoảng 13USD/năm.

Tính đến cuối năm 2020, New York Times đã có 7 triệu thuê bao trả phí. Tính “sơ sơ”, năm 2020 nhà xuất bản này đã có thể thu về khoảng 100 triệu USD từ việc bán bài online. Tích trữ tiền mặt của The New York Times liên tục tăng, đạt 800 triệu USD cuối năm 2020. Nhà xuất bản này không còn nợ nần gì, năm ngoái đã trả hết khoản vay cho phép mua lại tòa nhà trụ sở chính ở Midtown Manhattan. Không chỉ vậy, năm 2020 họ đã chi hơn 30 triệu USD để mua một số công ty khởi nghiệp, thể hiện hình ảnh “ăn nên làm ra” trong sự ngưỡng mộ của ngành truyền thông thế giới.

New York Times không phải là duy nhất. Báo cáo thường niên “Các xu hướng và dự báo về Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2020” của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters (RISJ), hơn một nửa (52%) lãnh đạo các cơ quan báo chí tại 29 quốc gia khẳng định thu phí báo điện tử sẽ là trọng tâm tạo doanh thu của họ trong thời gian tới.

Nhà báo Lê Quốc Minh, Phó Tổng Giám đốc TTXVN cho rằng, trong bối cảnh nguồn thu quảng cáo cho báo in giảm sút, còn quảng cáo trên báo điện tử không bù đắp được phần mất đi, ngay cả khi lượng truy cập tăng lên như trong thời gian xảy ra đại dịch hiện nay, thì việc đa dạng hóa nguồn thu, trong đó có chiến lược thu phí báo điện tử, là điều cần được các cơ quan báo chí tính đến. Nhưng tính thế nào?

Thách thức bản quyền

Vào năm 2016, khi vụ khủng hoảng cá chết miền Trung đang đến cao trào, tôi đã tự hỏi, với tất cả hiểu biết của mình về đầu tư nước ngoài, về đầu tư, và về Hà Tĩnh, tôi nên viết gì? Và tôi đã viết một bài báo dài về vấn đề này, giữa lúc dư luận đang “lên đồng”.

Khi đó, trang VietnamFinance nơi tôi đang làm việc có thứ hạng khá khiêm tốn và tôi tự thấy nếu chỉ đăng tải bài viết trên trang này, sức lan tỏa của bài báo sẽ khiêm tốn theo. Với sự đồng ý của báo điện tử VnEconomy, chúng tôi quyết định công bố vài bài viết trên cả hai trang.

Chỉ sau một tuần, với sự cộng hưởng của Facebook, cả hai trang đón nhận gần 500 ngàn lượt view, con số quá tốt cho các trang báo kinh tế. Nhưng, một nguồn tin riêng cho hay, con số trên trang lấy lại baomoi.com còn lớn hơn thế.

Sau những hồ hởi ban đầu cho một thành tựu nghề nghiệp, câu chuyện bắt đầu mang một màu sắc khác!

Trên phương diện lợi ích, Facebook và Baomoi rõ ràng đã hưởng lợi về thương mại trên sản phẩm của chúng tôi. Nhưng trên phương diện quảng bá nội dung và thông điệp cần quảng bá, chúng tôi rõ ràng đã nhờ có họ để lan tỏa sâu rộng tới công chúng. Tóm lại, ai được lợi hơn trong câu chuyện này?

Và chúng tôi cũng tìm thấy điểm chung trong một câu chuyện khác.

Gần 10 năm trước, một cây viết khá nổi tiếng của Việt Nam đã quyết định xuất bản một cuốn sách theo hình thức trực tuyến. Vì tính chất đặc biệt của nó, cuốn sách nhanh chóng trở nên nổi tiếng toàn cầu và tài khoản của tác giả bắt đầu tăng đáng kể.

Tuy nhiên, bất công xuất hiện ngay không lâu sau đó: hàng ngàn người mua đã không tôn trọng bản quyền, đưa nội dung sách lên mạng… miễn phí. Tác giả cuốn sách thừa nhận, nếu vấn đề bản quyền được bảo vệ nghiêm ngặt, ông đã có thể trở nên giàu có, nhưng số người đọc sách đã ít hơn đáng kể. Trong khi, mục tiêu của cuốn sách không phải là để kiếm tiền mà để nêu một thông điệp: chính những người “ăn cắp” nội dung lại là những người đã góp phần lan tỏa thông điệp đó.

Khi đội ngũ Ngày Nay đang hăng hái triển khai kế hoạch của mình, Báo Nhà báo Công luận đang chuẩn bị cho việc tổ chức một tọa đàm với chủ đề rất hấp dẫn: “Liên minh bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí: Không thể chần chừ!”. Rất nhiều nội dung quan trọng sẽ được thảo luận trong diễn đàn này, thậm chí đã có đề xuất về việc phải có một Trung tâm bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí, tương tự như trong lĩnh vực âm nhạc.

Thật không may, vấn đề tưởng như là vô cùng quan trọng với các nhà báo, gắn liền tên tuổi, danh dự và quyền lợi của các nhà báo, lại cũng là câu chuyện khó nói với chính các nhà báo, các tòa báo. Rất nhiều vấn đề không dễ giải quyết từ thực tiễn. Một là các báo hiện nay vẫn lấy lại của nhau một cách chính thức (có thỏa thuận) hoặc không chính thức (tự ý), gồm cả những tờ hàng đầu như Vietnamnet hay Dân trí. Hai là bản thân các báo chủ trương chỉ tự sản xuất, không lấy lại, thì cũng không thể đảm bảo tác phẩm của mình liệu có hoàn toàn là không “lấy lại” một phần hay toàn bộ ở đâu đó? Ba là một số báo chí đang rất nghiêm túc trong vấn đề bản quyền, thì trên thực tế đã từng tồn tại và phát triển được từ việc… lấy lại của các báo khác, như trường hợp VnExpress, thì việc xử lý khối dữ liệu này như thế nào?...

Chính tình trạng lộn xộn về bản quyền kéo dài đã khiến cho chủ đề mà Nhà báo và Công luận nêu trên tiếp tục là chủ đề khó, và không phải ai là người trong cuộc cũng có thể “nói to” được.

Nhưng chắc chắn cần những hành động. Rốt cuộc, ai sẽ bảo vệ công việc viết lách khi mà những sản phẩm của mình vừa tâm huyết thức trắng đêm để hoàn thiện, vừa xuất bản xong đã thấy nằm chình ình trên báo khác, mang lại lợi ích trực tiếp cho tờ báo khác đó. Không có cơ chế bảo vệ, động lực nào để các cây viết làm việc nghiêm túc trên nguyên tắc tôn trọng những giá trị cao nhất của nghề nghiệp?

Việt Nam mới chỉ chứng kiến những cuộc tranh cãi về bản quyền, dường như chưa thấy vụ kiện chính thức nào ở tòa án. Các đồng nghiệp ở Ngày Nay có thể cũng không nhìn vào doanh thu. Sẽ bán được cho ai đây khi mà bài special buổi sáng có thể đã free đâu đó buổi chiều. Điều họ muốn là ở sự khẳng định một đẳng cấp, một thái độ với công việc và cái đó là đáng quý và là sự khích lệ cho nhiều tờ báo, nhà báo khác. Liệu có thể xây dựng nền báo chí trả tiền trực tuyến trong tương lai nếu không có những viên gạch từ lúc này?

Không đi, sao có thể đến, mặc dù đường thật là xa!

Tin mới lên