Diễn đàn VNF

Góc nhìn VnF: 'Đặc khu văn hóa', tại sao không?

"Đặc khu văn hóa" hiện mới chỉ là ý tưởng với tất những ước mơ, những khát khao chân chính của một doanh nhân trẻ tuổi, để trở thành hiện thực, những ý tưởng đó cần được lan tỏa và tạo được sự đồng thuận của xã hội, hơn thế là sự vào cuộc của chính quyền các cấp. VietnamFinance trân trọng giới thiệu một góc nhìn về vấn đề này và rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của bạn đọc gần xa.

Góc nhìn VnF: 'Đặc khu văn hóa', tại sao không?

Thị trường tranh nghệ thuật đã và đang trở nên sôi động trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa

Chiều muộn, đang tính ra sân swing mấy đường golf sau mấy ngày nghỉ Tết để lấy lại cảm giác bóng, bỗng nhận được cuộc gọi của Hà Huy Thanh. Rằng, em đang setup cơ sở luyện golf ở Long Biên, mời bác qua trải nghiệm. Vậy là chúng tôi có cuộc gặp trên thảm bên hồ nước ở vùng bãi giữa sông Hồng, nơi có hàng trăm héc ta đất nông nghiệp cây cối um tùm.

Tham gia giao lưu còn có thêm Nghệ sỹ Nguyễn Thế Vinh, nguyên Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam. Kết thúc buổi tập, mấy anh em rồng rắn kéo về khu F361, An Dương đàm đạo về văn hóa. Tại đây, cùng với không gian của kiến trúc, của hội họa còn có thêm sự nhập cuộc của Nghệ sỹ nhạc Jazz Quyền Văn Minh, vậy là đủ “bộ tứ” cho một cuộc nâng ly.

Nguyễn Thế Vinh mở đầu bằng việc nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh rằng “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, chừng đó thôi cũng đủ thấy tầm quan trọng của văn hóa. Giờ đây khi cuộc mưu sinh đã lùi lại phía sau, một bộ phận người Việt bắt đầu được ngẩng mặt để nhìn xa hơn, đó là thời của văn hóa lên ngôi.

Nói về văn hóa, Hà Huy Thanh lấy cuốn “Văn hóa trà Việt” mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tặng tôi. Theo Thanh, Văn hóa trà Việt là một hành trình giác ngộ đơn sơ, giản dị như bát chè xanh của bác nông dân xứ Nghệ sau một buổi cày mệt nhọc đến thưởng trà với sương sớm và trăng đêm nơi cõi bồng lai như Phật hoàng trên đỉnh Yên Tử linh thiêng huyền diệu.

Từ ngàn năm nay, trà là thứ nước uống phổ biến nhất trong đời sống người Việt. Từ quán nước ven đường đến nhà hàng sang trọng; từ gia đình đến công sở đều không thể thiếu trà. Đặc biệt, bát nước chè xanh xứ Nghệ là cụm từ đã đi vào nhiều làn điệu dân ca ví giặm, di sản văn hóa quốc gia đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

“Ai ơi cà xứ Nghệ
Càng mặn lại càng giòn
Nước chè xanh xứ Nghệ
Càng chát lại càng ngon…”

Bên ấm chè xanh được ủ nóng, những nông dân, những ông đồ Nghệ chia sẻ với nhau những niềm vui và cả nỗi buồn, bàn chuyện chữ nghĩa, thế sự, triết lý nhân sinh và cả vận nước. Điều này giải thích vì sao xứ Nghệ lại sản sinh ra nhiều ông đồ hay chữ có những đóng góp to lớn cho nền văn hóa nước nhà. Những nhà văn hóa lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu Nguyễn Sinh Sắc, Trần Trọng Kim đã để lại cho đất nước những tác phẩm được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Họ cũng được truyền cảm hứng từ những bát nước chè xanh giản dị, quê mùa.

Dành thời gian cả buổi tối để đọc cuốn “Văn Hóa Trà Việt” của Hà Huy Thanh tôi thực sự cảm phục ông em doanh nhân trẻ tuổi mà đã có những trải nghiệm sâu sắc để rồi chia sẻ về những câu chuyện về trà để rồi nâng tầm nó lên thành một sinh hoạt văn hóa của người Việt.

Hà Huy Thanh SN 1982, hiện đang là Chủ tịch của một số công ty hoạt động đa ngành và anh thành công nhờ đầu tư tài chính. Tưởng như những toan tính về sự biến động giá cả, về thị trường về dòng tiền, đặc biệt là quản trị doanh nghiệp, quản trị nhân sự sẽ lấy hết thời gian của một doanh nhân trẻ tuổi đầy tham vọng nhưng không, anh vẫn có thời gian để thưởng trà, hơn thế là ngẫm về nó để rồi viết thành sách, cho xuất bản để chia sẻ văn hóa trà với bạn đọc.

Cuốn “Văn hóa Trà Việt” gồm 13 chương đã đã mang đến cho người đọc bức tranh tổng thể nhiều gam màu về trà Việt. Từ “Tác dụng của trà đến thân thể, tình cảm, trí tuệ và tâm linh con người”; “Nguồn gốc của trà”; “Sự phát triển của trà từ cây cỏ đến cả ngành công nghiệp” đến “Cách chế biến trà”; “Cách bảo quản và giữ gìn trà”; “Cách thưởng thức trà” với nhiều ảnh minh họa sinh động khiến việc đọc trở nên nhàn nhã hơn.

Là doanh nhân, Hà Huy Thanh không chỉ khát khao làm giàu mà hơn thế là nâng tầm văn hóa của người Việt thông qua những di sản văn hóa của các vùng miền. Anh bày tỏ khát khao xây dựng nên những ngành công nghiệp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc để đưa đất nước đi lên sự thịnh vượng theo triết lý đã được Hồ Chí Minh đúc kết: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.

Hà Huy Thanh bày tỏ: "Trong kinh tế, để tạo bước đột phát làm động lực cho cả nước, chúng ta đã có chính sách phát triển “Đặc khu kinh tế”, vậy trong văn hóa, để nâng tầm văn hóa Việt, chúng ta có thể xây dựng “Đặc khu văn hóa” tại sao không!?

Tôi hỏi: Anh định làm gì với cái đặc khu văn hoá đó? Đáp: "Người Việt chịu sự chi phối, giao thoa của nhiều nền văn hoá lớn, hiếm có một quốc gia nào có nền văn hoá phong phú giàu bản sắc như người Việt. Trong văn hoá Việt có một phần của văn hoá Trung Hoa, một phần của văn hoá Ấn Độ, một phần của văn hoá phương Tây, đủ cả. Tuy nhiên, dù sở hữu một kho tàng văn hoá khổng lồ như vậy nhưng mức độ thưởng thức văn hoá của người Việt lại rất khiêm tốn".

Làm thế nào để người Việt có thể vòng quanh thế giới để đến các điểm văn hoá tham quan trong một một vài ngày, đây là câu hỏi lớn nhưng hoàn toàn có thể biến nó thành hiện thực. Thành phố Thâm Quyến ở Trung Quốc có một đặc khu văn hoá mang tên Window of the world - "Cửa sổ thế giới" mang đến cho bạn cơ hội này. Tại đây, mọi người có thể xem khoảng 130 bản mô phỏng lại một số thắng cảnh nổi tiếng trên thế giới. Cùng với các mô hình và mô hình tái tạo này, còn có các trò chơi và giải trí ban đêm đặc biệt để xem.

Tại đây, người ta đã tích hợp được các bản sao của các địa điểm văn hoá nổi tiếng trên khắp thế giới. Tất cả các lục địa đều được thể hiện rõ nét trong công viên rộng hơn năm mươi ha, nơi có các bản sao tuyệt đẹp của các kỳ quan vĩ đại nhất thế giới, di sản lịch sử và các địa điểm danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tất cả đều có tỷ lệ khoảng 1/15 hoặc nhỏ hơn. Đây là một cơ hội giáo dục để dạy trẻ em về những địa điểm lịch sử và quan trọng của thế giới.

Vậy cái đặc khu văn hoá của có “đụng hàng” với những gì thế giới đã làm?

Hà Huy Thanh đáp: "Window of the world chỉ là ví dụ. Người Việt có nhiều danh thắng văn hoá rất đặc biệt nhưng chưa được nhiều người biết đến. Chẳng hạn như Phố Hiến, như Hội An từng là thương cảng sầm uất trong mấy thế kỷ. Ở đó, không chỉ tàu bè, hàng hoá mà còn có cả các tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật… từ khắp nơi trên thế giới đến giao lưu và hội nhập tự do tại đây. Những thương điếm, những di tích của người Hà Lan, người Nhật, người Hoa ở đây còn lưu lại khá nhiều, thậm chí có những dòng họ nay đã được Việt hoá nhưng không mấy ai nhắc lại nguồn gốc xưa khi dư luận xã hội chưa cởi mở và không dễ đón nhận".

Trong quá khứ, người Việt đã có sự tôn trọng và khoan dung lẫn nhau cũng đã trở thành nền tảng tinh thần hỗ trợ sự phát triển thịnh vượng của Phố Hiến, của Hội An từ thế kỷ thứ 17, 18. Được truyền cảm hứng từ môi trường cởi mở này, những người nổi tiếng và nhà hiền triết trong và ngoài nước lần lượt đến, cũng như các doanh nhân, du khách, nhà sư và nhà truyền giáo, đã cùng nhau mang lại một lưu lượng truy cập hàng đầu đáng kinh ngạc đến các thương cảng đàng trong, đàng ngoài. Nếu triều đình hồi bấy giờ cởi mở hơn, biết khai thác những giá trị văn hoá của người Hội An, người Phố Hiến thì lịch sử người Việt chắc sẽ có một vị thế khác với ngày nay.

Rồi nữa, người Việt có gần hai nghìn năm sử dụng chữ Hán. Hán Nôm là cả một kho tàng văn hoá khổng lồ gần như bị bỏ quên, đó là điều đáng tiếc với người Việt. Tại Văn Miếu vẫn còn thờ tượng Khổng Tử những không mấy người Việt biết điều này. Hiện nay, các nước Đông Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore coi Nho giáo là một giá trị truyền thống của người Phương Đông cần phải được phát huy. Ở Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, quê hương của Khổng Tử, họ đã biến nơi đây thành một “đặc khu văn hoá” hàng năm thu hút hàng chục triệu khách từ các nơi hành hương về dâng lễ với Khổng Tử, người được hậu thế phong là “Vạn thế sư biểu”.

Việt Nam cũng là nước đa tôn giáo với sự hội tụ khá đầy đủ các tôn giáo lớn trên thế giới: Phật giáo, Kito giáo, Nho giáo, Hồi giáo, đủ cả. Để các tôn giáo có thể thấu hiểu, tôn trọng và chung sống hoà bình với nhau là điều rất cần thiết.

Đó là chưa nói đến việc người Việt có nhiều di sản văn hoá đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại, trong đó có cả di sản vật thể và phi vật thể. Mấy ai đã có dịp đến Thánh địa Mỹ Sơn, mấy ai đã có dịp đến Hội An, đến cung đình Huế?

Để tôn vinh và làm cho những di sản văn hoá đó lan toả tới cộng đồng rất cần những đặc khu để mỗi người đến đó đều có thể thưởng thức, chiêm ngưỡng chỉ trong vòng một vài ngày. Có rất nhiều việc để làm trong một Đặc khu văn hoá.

Đặc khu văn hóa, hiện mới chỉ là ý tưởng với tất những ước mơ, những khát khao chân chính của một doanh nhân trẻ tuổi, để trở thành hiện thực, những ý tưởng đó cần được lan tỏa và tạo được sự đồng thuận của xã hội, hơn thế là sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Phần mình, tôi ủng hộ những ý tưởng đó, dẫu nó không giống ai và rất cần những nguồn năng lượng khổng lồ!

Từ khoá: Hà Huy Thanh,
Tin mới lên