Diễn đàn VNF

[Góc nhìn VNF] Giá điện và thị trường cạnh tranh

(VNF) – Giá điện sẽ còn gây tranh cãi cho đến khi một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh được vận hành.

[Góc nhìn VNF] Giá điện và thị trường cạnh tranh

Không có bậc thang nào hoàn hảo

Ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng 8,36%. Một tháng sau, cùng với việc thu được nhiều tiền điện hơn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nhận về vô số chỉ trích từ người dùng.

Một trong những vấn đề bị chỉ trích nhiều nhất là biểu giá điện bậc thang. Dư luận cho rằng biểu giá này không phù hợp và yêu cầu thiết kế lại một biểu giá mới.

“Chiều lòng” dư luận, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hôm 4/5 cho hay Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới để “giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả”.

Tuy nhiên, có một thực tế là kế hoạch xem xét lại biểu giá điện bậc thang đã có từ lâu nhưng bàn đi tính lại mãi vẫn không có thay đổi gì.

Nguyên nhân của việc không thay đổi này là biểu giá điện nào cũng tồn tại mâu thuẫn. Không biểu giá điện nào thỏa mãn được tất cả đối tượng. Ví dụ với biểu giá điện 6 bậc hiện nay, nhóm khách hàng có nhu cầu sử dụng điện cao (đa số là người giàu) sẽ phản đối vì phải chi trả nhiều tiền điện hơn. Nhưng nếu điều chỉnh để có lợi cho nhóm khách hàng này thì nhóm khách hàng sử dụng điện thấp (đa số là người nghèo) sẽ phản đối vì phải tăng chi tiền điện.

Giá điện luôn luôn là một cái chăn hẹp, người này co thì người kia hở.

Một số ý kiến phản đối bậc 1 – 2 của biểu giá điện bậc thang hiện nay, rằng giới hạn 50 - 100 kWh là quá thấp và đòi hỏi phải “nới” giới hạn này lên cao hơn. Tuy nhiên, việc nới không hề đơn giản, bởi điều đó còn phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của nhà nước và khả năng “co kéo” của ngành điện.

Dùng càng nhiều càng chi trả cao: Nghịch lý hay hợp lý?

Có một nguyên lý trong mua bán hàng hóa đó là mua càng nhiều sản phẩm thì càng được giảm giá. Nhưng nguyên lý này không áp dụng được với ngành điện.

Một là nhìn về phía cầu, nhu cầu điện của nền kinh tế và đời sống xã hội tăng rất mạnh trong những năm qua. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), nhu cầu điện của Việt Nam tăng trưởng 13% kể từ năm 2000, như vậy cứ sau 6 năm nhu cầu điện lại tăng gấp đôi. Dự báo đến năm 2030, nhu cầu điện tăng trưởng ở mức 8%, như vậy cứ sau 9 năm nhu cầu điện lại tăng gấp đôi.

Nhu cầu điện tăng phi mã như vậy nhưng khả năng đáp ứng của ngành điện lại không tương xứng. Điều này dẫn đến thực tế là Việt Nam có nguy cơ thiếu điện. Đó là lý do vì sao Chính phủ phải kêu gọi tiết kiệm điện và ngành điện thu tiền cao đối với mức sử dụng điện lớn.

Hai là nhìn về phía cung, nguồn cung điện của Việt Nam đến từ thủy điện (chiếm 38% tổng công suất hệ thống năm 2017) điện than (34%), khí thiên nhiên (18%)… Nguyên tắc phát điện – mua điện là lần lượt phát từ nhà máy có chi phí sản xuất thấp nhất đến cao nhất.

Trong điều kiện bình thường, nhà cung cấp chỉ lấy điện ở nhà máy có chi phí thấp nhất nên giá điện rẻ. Tuy nhiên vào giờ cao điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, nhà cung cấp phải huy động điện từ những nhà máy có chi phí sản xuất cao (ví dụ nhà máy phát điện bằng dầu), do đó giá điện cũng buộc phải lên cao. Đây chính là cơ sở để hình thành giá điện bậc thang với bậc 6 có tỷ lệ lên tới 159% giá điện bình quân.

Bù chéo giá điện: Ai đang bù chéo cho ai?

Một vấn đề được nhắc đến trong khá nhiều thảo luận về ngành điện là chuyện bù chéo giữa điện sản xuất và điện sinh hoạt. Tuy nhiên, dường như không ai (thậm chí cả EVN) có đủ số liệu để khẳng định có chuyện bù chéo hay không và nếu có thì hiện đang bù chéo bao nhiêu %.

Chúng ta chỉ có thể nhìn vào cơ cấu biểu giá điện bán lẻ (được đăng công khai trên website của Cục Điều tiết điện lực) để thấy rằng giá điện sinh hoạt đang được neo ở mức cao hơn khá nhiều so với điện sản xuất.

Tuy nhiên, việc giá điện sản xuất thấp hơn điện sinh hoạt là điều đúng với hầu hết quốc gia. Nguyên do là khách hàng sản xuất mua điện rất nhiều và rất đều đặn (gần như 24/7), lại tự đầu tư máy biến áp, đường dây… nên chuyện được hưởng giá thấp là điều dễ hiểu. Trong khi đó, khách hàng điện sinh hoạt chỉ mua nhiều điện vào một số giờ trong ngày, nhà cung cấp điện lại phải chi phí lớn cho việc xây máy biến áp, lắp đặt đường dây…

Xét về hiệu quả bán điện, rõ ràng bán điện cho khách hàng sản xuất hiệu quả hơn khách hàng sinh hoạt. Cùng một suất đầu tư hệ thống truyền tải, nhà cung cấp điện bán được cho ai nhiều hơn thì sẽ giảm giá cho người đó. Đây mới là nơi nguyên lý “mua nhiều được giảm giá” được thực hiện.

Về chuyện bù chéo (nếu có), nhìn vào cơ cấu biểu giá điện bán lẻ, có thể thấy nhóm khách hàng kinh doanh mới là đối tượng đang phải bù chéo nhiều nhất. Nhóm khách hàng này phải chịu giá điện cao với tỷ lệ lên đến 248% giá điện bình quân.

Như vậy, không hẳn điện sinh hoạt đang bù chéo cho điện sản xuất mà có khi chính điện sinh hoạt đang được hưởng bù chéo từ điện kinh doanh!

Tuy nhiên, điều bất cập của điện sinh hoạt hiện nay là khách hàng không được tính tiền điện theo giờ (cao điểm/thấp điểm) như những nhóm khách hàng khác. Nguyên nhân là do muốn tính tiền điện theo giờ thì phải sử dụng công tơ điện tử, nhưng số lượng khách hàng điện sinh hoạt rất lớn (25 triệu khách hàng) nên việc thay công tơ đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài.

Trong tương lai, khi công tơ điện tử được lắp đặt hoàn toàn, khách hàng điện sinh hoạt sẽ được đối xử “công bằng” hơn trong việc tính tiền điện. Điều này cũng sẽ giúp nhóm khách hàng này chủ động điều chỉnh hành vi sử dụng điện, qua đó giảm được tình trạng hóa đơn điện tăng vọt mỗi khi mùa nắng nóng bắt đầu.

Giá điện hai thành phần: Chìa khóa cho bài toán giá điện

Có thể nói những vấn đề nêu trên của giá điện đã tồn tại từ nhiều năm nay nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Nguyên nhân có nhiều nhưng cốt yếu là không tách được thành phần giá điện.

Giá điện hiện gồm hai thành phần: chi phí điện năng (trả cho nhà máy phát điện) và chi phí truyền tải (trả cho đơn vị xây dựng trạm biến áp, đường dây).

Muốn tách được hai thành phần này thì phải tách được hai khâu: truyền tải và kinh doanh điện. Khi tách ra, truyền tải sẽ trở thành khâu độc quyền nhưng kinh doanh sẽ là thị trường cạnh tranh – nơi nhiều doanh nghiệp kinh doanh điện hoạt động và cạnh tranh giá với nhau. Người tiêu dùng sẽ được nhìn thấy rõ ràng hai loại chi phí cấu thành nên giá điện.

Tuy nhiên hiện nay, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vẫn chưa được hình thành. Không chỉ là vấn đề kĩ thuật, việc phân tách hai khâu truyền tải và kinh doanh điện còn gặp rào cản về con người và lợi ích.

Do đó, dù đặt mục tiêu sau năm 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, vẫn chưa có gì chắc chắn vào thời điểm đó, chúng ta sẽ có một thị trường điện cạnh tranh thực sự và bạch hóa được giá điện.

Giá điện sẽ như thế nào trong thị trường điện cạnh tranh?

Vấn đề khó nhất của câu chuyện giá điện chính là giá điện sẽ như thế nào một khi thị trường điện cạnh tranh vận hành. Theo nguyên lý chung, cạnh tranh sẽ làm giá đi xuống vì các doanh nghiệp sẽ tìm cách tối ưu hóa chi phí để tối đa hóa lợi nhuận.

Tuy nhiên, cần thấy rằng giá điện tại Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp so với thế giới. Vì thế, giá điện trong tương lai phải đủ cao, đủ tạo ra lợi nhuận hấp dẫn thì mới thu hút được doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI nhảy vào làm điện.

Mặt khác, ở trong nước, những nguồn làm điện giá rẻ (như thủy điện) đã được khai thác đến mức tối đa. Nguồn cung điện tương lai đang nằm trong tay nhiệt điện. Với việc phải nhập máy móc, công nghệ và vay vốn ngoại để làm nhiệt điện, việc kì vọng giá thành sản xuất điện thấp là không cao.

Trong các yếu tố cấu thành chi phí sản xuất điện tại Việt Nam, may ra, chỉ có chi phí môi trường là rẻ, bởi tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam hiện khá thấp. Nhưng trong tương lai, chi phí này giữ ổn định hay sẽ tăng lên là một điều không chắc chắn được.

Những diễn biến của các nước trên thế giới cũng ủng hộ cho dự báo giá điện sẽ tăng. TS Nguyễn Tuệ Anh, chuyên gia nghiên cứu và giảng dạy ngành Chính sách công tại Đại học Oxford, cho hay “không một quốc gia nào nhìn thấy giá điện đi xuống”.

Dù vậy lại phải nhìn nhận rằng trong giá điện hiện nay không ngoại trừ khả năng có sự tồn tại của các loại chi phí không chính thức hoặc lãng phí. Trong thị trường điện cạnh tranh, không còn tồn tại những khoản chi phí đó, rất có thể giá điện sẽ giảm.

Vì thế, câu nói của ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN: Khi có thị trường điện cạnh tranh “giá sẽ lên, không có xuống” và “giải tán các doanh nghiệp nhà nước đang làm điện thì giá điện tăng gấp rưỡi, gấp đôi ngay” dường như là một phát ngôn có phần liều lĩnh.

Tin mới lên