Tiêu điểm

Góc nhìn VNF: Khi Thủ tướng phải ra tay!

(VNF) - Hơn bao giờ hết, các cơ quan nhà nước cần phải công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình trong thực thi công vụ nếu muốn thuyết phục được người dân.

Góc nhìn VNF: Khi Thủ tướng phải ra tay!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp. Ảnh Cao Thăng.

Từ vụ khủng hoảng cá chết

Sáng 3/5 Văn phòng Chính phủ một lần nữa phát đi thông báo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết luận trong buổi làm việc tại Hà Tĩnh trong ngày nghỉ lễ 1/5 về cuộc khủng hoảng môi trường tại 4 tỉnh miền Trung kéo dài cả tháng nay.

Theo đó Thủ tướng khẳng định sẽ xử lý nghiêm minh, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào; đồng thời yêu cầu báo cáo ông về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của công ty Formosa, trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan.

Điều đặc biệt, Thủ tướng đã giao việc rất cụ thể, chi tiết và có thời hạn cho từng bộ, ngành và địa phương trong việc xử lý các phần việc liên quan.

Đó là một động thái rất kiên quyết của ông Phúc trên cương vị Thủ tướng. Cách "cầm tay giao việc" đó nhằm thúc ép các bộ, ngành và địa phương thực hiện công vụ minh bạch, trách nhiệm, không như cách họ đã từng làm trong giai đoạn đầu vụ khủng hoảng.

Vụ việc đã trở nên phức tạp bội phần khi Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định tại cuộc họp báo "kỳ lạ" kéo dài có 7 phút, không có phần hỏi đáp về vụ việc mà cả nước quan tâm, người dân lo lắng và bất an.

Chỉ qua "nghe báo cáo", ông Nhân khẳng định, hiện tượng cá chết hàng loạt là "do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển", và "thủy triều đỏ". Ông cũng thông báo, "chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt", đồng thời khẳng định "đường ống ngầm của Formosa là hợp pháp".

Lời giải thích của ông Thứ trưởng dưới danh nghĩa "các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước" thiếu thuyết phục ngay lập tức khi các nhà khoa học chuyên ngành khác lên tiếng khẳng định không có hiện tượng thủy triều đỏ; và Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà yêu cầu Formosa phải đưa hệ thống xả thải ngầm lên bờ vì pháp luật Việt Nam không cho phép.

Ở góc độ khác, lời giải thích của ông Nhân cho thấy sự "lúng túng" của các bộ, ngành và địa phương - như lời Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng - làm cho các nhà khoa học bất bình, và xã hội không thể yên tâm.

Đến các vấn đề to nhỏ khác

Thực tế thì trong nhiều vụ việc to, nhỏ khác, các bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện đúng và đầy đủ công vụ mà họ được giao, giống như trường hợp trên.

Chẳng hạn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải có báo cáo về các khó khăn của doanh nghiệp để phục vụ cuộc đối thoại rất mong chờ giữa ông và cộng đồng doanh nghiệp ngày 20/4 tại Dinh Thống Nhất, TP.HCM.

Tuy nhiên, đến hạn chót là ngày 20/4, chỉ có 6 cơ quan gửi báo cáo liên quan về Văn phòng Chính phủ. Đồng nghĩa, có tới 60 địa phương, 21 bộ ngành "phớt lờ" yêu cầu của Thủ tướng.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà phải thốt lên "kỷ luật, kỷ cương" nhà nước là không nghiêm, và cho rằng phải có chế tài với người đứng đầu.

Câu chuyện này không phải đơn lẻ. Chẳng hạn, các bộ, ngành và địa phương phải rà lại, cắt bỏ các giấy phép con trong các văn bản pháp luật dưới thông tư của mình trước ngày 1/7/2016 để đảm bảo thi hành Luật Doanh nghiệp và Đầu tư. Tuy nhiên, họ không làm.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông kể, "Phải mất cả tháng trời chúng tôi mới đặt được lịch làm việc với các bộ để rà lại điều kiện kinh doanh, song khi đến làm việc thì thứ trưởng các bộ cáo bận vào phút chót, chỉ cử cán bộ cấp vụ làm việc nên không thống nhất được".

Một lần nữa, Thủ tướng lại phải ép các bộ khi tuyên bố sẽ giữ nguyên thời hạn 1/7, mà không lùi.

Hay một ví dụ khác. Nghị quyết 19 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong các năm 2014 - 2015 là một trong những trọng tâm điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Để tổng kết nghị quyết này, Chính phủ trước đã yêu cầu các bộ, ngành phải báo cáo. Song, hầu hết đã phớt lờ. Có đến 18 bộ ngành, 50 tỉnh thành không gửi báo cáo thực hiện Nghị quyết này trong Quý 1/2016 theo như quy định tại Nghị quyết về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thực tế này một lần nữa cho thấy kỷ cương nhà nước không nghiêm, đến mức đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đã phải thẳng thắn phê phán trong phiên họp Quốc hội gần đây: "Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chưa thành công trong việc thiết lập kỷ luật thực thi trong hệ thống hành chính của mình, nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động cải cách thể chế của Chính phủ". 

"Sức nóng của sự thôi thúc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước chưa ra được khỏi nhiều cuộc họp của Chính phủ", ông Lộc nói, và bổ xung thêm: "Con đường dài nhất Việt Nam là từ lời nói đến hành động của nhiều công chức".

Những lời phê phán như vậy đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe, khi trong Nghị quyết 19 mới đây, đích thân ông lại "cầm tay chỉ việc" rất cụ thể cho từng bộ, ngành.

Từ vụ khủng hoảng cá chết, cho đến những vụ việc to nhỏ khác đang đòi hỏi các quan chức bộ, ngành và địa phương phải minh bạch, có trách nhiệm giải trình. Chỉ có cách đó mới thuyết phục được xã hội đã trở nên đa dạng hơn, văn minh hơn.

Có thể, sau khi kiểm tra thực tế, Formosa và các nhà máy công nghiệp khác trong khu vực sẽ được xác minh là "không liên quan". Nhưng một khi chưa có kết luận chính thức, thì khó mà bao biện cho họ, và vô trách nhiệm khi thuyết phục người dân ăn cá và tắm biển.

Đó không phải là cách làm mà xã hội chấp nhận, và rồi chính Thủ tướng phải ra tay.

Tin mới lên