Tài chính

Góc nhìn VNF: Làn sóng Ngân hàng giải chấp cổ phiếu HAGL có tiếp tục?

(VNF) - Góc nhìn của VietnamFinance liên quan đến câu chuyện giải chấp cổ phiếu HNG của HAGL tại các ngân hàng.

Góc nhìn VNF: Làn sóng Ngân hàng giải chấp cổ phiếu HAGL có tiếp tục?

Giải chấp có dừng lại?

Sau khi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) – chi nhánh Gia Lai đã bán giải chấp 5,82 triệu cổ phiếu HNG (HAGL Agrico) thuộc sở hữu của công ty mẹ là Hoàng Anh Gia Lai, đến lượt Ngân hàng TMCP Bản Việt bán giải chấp hơn 2.6 triệu cổ phiếu HNG.

Thông tin này được CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố vào ngày 17/03 theo đó giao dịch được thực hiện từ 14/03 - 15/03/2016 theo hình thức khớp lệnh qua sàn  do Ngân hàng TMCP Bản Việt thực hiện để thu hồi nợ vay.                             

Đây thực sự là thông tin gây sốc cho những cổ đông của HAGL bởi theo BCTC hợp nhất năm 2015 lãi sau thuế của công ty này chỉ là 678 tỷ đồng, giảm sâu so so với mức 1.456 tỷ đồng năm 2014, trong khi nợ vay  ngắn hạn và dài hạn năm 2015 đã tăng  gần 27.100 tỷ đồng.

Trong đó, vay ngắn hạn và dài hạn của Ngân hàng theo BCTC năm 2015 gần 12.946 tỷ đồng trong đó có khoảng 922 tỷ đồng đến hạn phải trả, theo báo cáo bán niên hợp nhất soát xét 2015 các Ngân hàng đang cho HAGL vay như BIDV, Eximbank, Sacombank, VP Bank, ACB và Ngân hàng liên doanh Việt – Lào…

Tài sản thế chấp là các dự án, đất đai… của Công ty mẹ, các công ty con và gần 172 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức, cùng với 316 triệu cổ phiếu HNG (HAGL Agrico)  thuộc sở hữu của HAGL .

Thống kê số lượng và số tiền mà các Ngân hàng cho HAGL vay  tuy không được công bố nhưng việc thêm Ngân hàng TMCP Bản Việt bán giải chấp cổ phiếu HNG để thu hồi nợ không thể không tạo ra tâm lý lo lắng cho các cổ đông HAGL. 

Đáng ngạc nhiên là kể từ khi Ngân hàng TMCP ACB – Chi nhánh Gia Lai bán giải chấp Cổ phiếu của HNG, giá cổ phiếu này đã tăng lên hơn 30%, chốt phiên giao dịch ngày 18/03/2016 , HNG trở về mệnh giá 10.000 đồng và khối ngoại trở lại mua ròng trên 6 triệu cổ phiếu. 

Liệu kết quả kinh doanh quý I/2016 của HAGL có tốt hơn mong đợi hay không phải hết quý I/2016 mới rõ nhưng việc Ngân hàng TMCP Á Châu và Ngân hàng TMCP Bản Việt bán giải chấp cổ phiếu HNG để thu hồi nợ chứng tỏ áp lực giải chấp đang ngày càng mạnh với HAGL.  

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán VPBS (Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng), 50% nợ dài hạn của Hoàng Anh Gia Lai sẽ đến hạn trả vào năm 2016-2017 tức hơn 8.500 tỷ đồng phải trả trong năm 2016-2017. 

Nếu doanh thu không được cải thiện cùng với việc khó thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn, rất có thể có thêm các Ngân hàng khác bán giải chấp Cổ phiếu HAG và HNG.

HAGL liệu có vượt khó?

Vấn đề khó khăn nhất của HAGL thời điểm hiện nay chính là doanh thu từ những sản phẩm chủ lực và việc thu hồi các khoản phải thu ngắn hạn. Trong các khoản phải thu đáng chú ý có khoản cho  công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản An Phú hơn 2.860 tỷ đồng ngắn hạn và gần 1.472 tỷ đồng dài hạn,  khi mà BĐS vẫn chưa khởi sắc việc thu hồi số tiền này không hề dễ dàng.

Để vượt qua tình trạng nợ nần, trước đó Lãnh đạo của Hoàng Anh Gia Lai đã tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ với các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2015 để chuyển các khoản nợ ngắn hạn tại các ngân hàng thành nợ dài hạn; thương lượng với các trái chủ, tổ chức tín dụng để đưa ra các phương án tái cấu trúc kỳ hạn vay phù hợp; cắt giảm tối thiểu 10% chi phí năm 2016 được ghi trong nghị quyết Hội đồng Quản trị vào cuối tháng 11/2015. 

Viễn cảnh Hoàng Anh Gia Lai có thể sẽ phải bán bớt tài sản để xử lý các khoản nợ  được nhiều người nghĩ tới. Sự thật là HAGL đã từng thực hiện trong năm 2015, khi xúc tiến bán 50% cổ phần ở Nhà Hoàng Anh (một công ty con của Tập đoàn, đang nắm 100% cổ phần ở Hoàng Anh Gia Lai Myanmar) cho Rowsley, một công ty bất động sản của tỉ phú người Singapore. 

Nhưng thương vụ bất thành do Hoàng Anh Gia Lai không đồng ý cho Rowsley đầu tư trực tiếp vào Hoàng Anh Gia Lai Myanmar như mong muốn của Rowsley do thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar quá cao (40%). Rất có thể trong năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiếp tục bán cổ phần tại dự án này và một số dự án khác.

Tuy vậy, triển vọng kinh doanh năm 2016 mới là yếu tố tiên quyết giúp Hoàng Anh Gia Lai có vượt qua khó khăn hay không. Ngoài bất động sản, các dự án nuôi bò, cao su, dầu cọ, mía đường… sẽ góp phần tăng doanh thu cho Tập đoàn. 

Trong đó, chăn nuôi bò là nguồn thu mới và chiếm tỉ trọng lớn nhất cho doanh thu của HAGL năm 2015. Tập đoàn này đã lên kế hoạch đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi bò khi dự kiến nâng tổng số đàn bò thịt lên hơn 200.000 con vào năm 2016, từ mức khoảng 100.000 con hiện tại. 

Tuy nhiên, việc Tập đoàn thực phẩm Vissan dừng mua bò của HAGL từ tháng 02/2015 và sức ép cạnh tranh từ bò chất lượng Úc, Mỹ, New Zealand - là những nước hưởng lợi  về ưu đãi thuế khi  Việt Nam đã là thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến HAGL gặp nhiều khó khăn. 

Mía đường là ưu thế của HAGL khi luôn chiếm trên 30% doanh thu trong 2 năm  2013-2014  nhưng tình trạng hạn hán vùng hạ lưu sông Mekong, giá đường giảm và sức ép cạnh tranh từ đường nhập từ Thái Lan có thể khiến HAGL mất đi một nguồn thu đáng kể. 

Cao su có lẽ là niềm hy vọng lại lợi nhuận lớn trong năm 2016 khi giá cao su đang tăng trở lại. 

Trong lĩnh vực thủy điện, Hoàng Anh  Gia Lai có 2 dự án lớn là Nậm Kông 2 và Nậm Kông 3 (Lào). Dự án Nậm Kông 2 dự kiến sẽ đem lại lợi nhuận cho Tập đoàn từ năm 2016 riêng dự án Nậm Kông 3 sẽ được hoàn thiện vào cuối năm 2017. 

Thực tế, những khó khăn của Hoàng Anh Gia Lai đã được phản ánh vào chuỗi giảm giá cổ phiếu HAG trong hơn một năm qua. Công ty Chứng khoán VPBS cũng cho rằng, lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai sẽ đạt bước ngoặt vào giai đoạn 2018-2019, thời điểm mà các dự án đang dang dở được khai thác đầy đủ. 

Nhưng để tới được giai đoạn đó, lãnh đạo Tập đoàn phải có những giải pháp hữu hiệu để chèo lái Hoàng Anh Gia Lai vượt cạn. Khi có thiên thời, địa lợi HAG chắc chắn là một cổ phiếu đáng để nhà đầu tư lưu tâm.

Tin mới lên