Tài chính

[Góc nhìn VNF] Tách hay không tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính?

(VNF) - Sự "thay da đổi thịt" về lượng và chất của hàng hóa trên thị trường chứng khoán trong năm 2006 là bản lề quan trọng giúp tạo lập một thị trường chứng khoán quy mô như ngày nay. Thành công này không thể không kể đến vai trò của quyết định đưa UBCKNN về Bộ Tài chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có nên giữ UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính nữa hay không?

[Góc nhìn VNF] Tách hay không tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính?

Tách hay không tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra khỏi Bộ Tài chính?

Tuần qua, Quốc hội đã nghe tờ trình về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) cũng như Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong dự thảo luật lần này là việc tách hay không tách Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra khỏi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính muốn trực thuộc, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội muốn tách

Bộ Tài chính - cơ quan chủ quản của UBCKNN - cho rằng ủy ban trực thuộc bộ này là "phù hợp với thực tiễn Việt Nam, mô hình tổ chức theo thông lệ quốc tế".

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc UBCKNN thuộc Bộ Tài chính vừa qua đã phát huy tốt vai trò, hỗ trợ gắn kết với cổ phần hoá, doanh nghiệp Nhà nước, niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán, kể cả huy động vốn...

Ngoài ra, theo thông lệ quốc tế, cơ quan quản lý chứng khoán thuộc 1 trong 3 nơi: Bộ Tài chính, như Malaysia, Bồ Đào Nha; hoặc thuộc Ngân hàng Trung ương (Singapore, Nga...) hay thuộc cơ quan giám sát tài chính thuộc Chính phủ (Nhật Bản, Mỹ...).

Trong khi đó, đa phần thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết, bởi 4 lý do.

Thứ nhất, việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCKNN là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.

Ủy ban Kinh tế cho rằng trong giai đoạn trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng hơn rất nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy nhanh theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn trở thành một thị trường tài chính ở trình độ cao, năng động, trước hết thể hiện qua việc nâng cao địa vị pháp lý và tính độc lập của UBCKNN, qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.

Hai là, UBCKNN độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

"Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định Ủy ban chứng khoán có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình Ủy ban chứng khoán trực thuộc Bộ Tài chính cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam", báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Ba là, UBCKNN trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời.

UBCKNN độc lập cũng giúp cho việc quản lý thống nhất từ ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép, bổ nhiệm nhân sự, chủ động ngân sách và nguồn lực sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của UBCKNN. Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.

Bốn là, việc UBCKNN trực thuộc Chính phủ mặc dù phát sinh thêm đầu mối về tổ chức nhưng sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay và về lâu dài, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các trung gian tài chính, đồng thời vẫn bảo đảm chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong trường hợp cần thiết.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ủng hộ việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính

Tách hay không tách?

Thực tế, ngay từ khi thành lập năm 1996, UBCKNN đã là cơ quan trực thuộc Chính phủ. Tuy nhiên đến năm 2004, thủ tướng khi đó là ông Phan Văn Khải đã ký Nghị định 66/2004/NĐ-CP chuyển UBCKNN vào Bộ Tài chính.

Quyết định của cố Thủ tướng Phan Văn Khải là dễ hiểu bởi khi đó, kinh tế tư nhân vẫn còn tương đối yếu, thiếu tính đa dạng, đặc biệt là chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ. Thêm vào đó, việc thị trường chứng khoán còn kém phát triển đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân tầm cỡ dấu hỏi lớn về khả năng huy động vốn.

Những điều này khiến các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải trở thành "lá cờ đầu", trở thành "nguồn hàng" chất lượng chính tạo lập thị trường chứng khoán trong giai đoạn đầu phát triển. Việc đưa UBCKNN về trực thuộc Bộ Tài chính - đầu mối quản lý tài chính của các DNNN - giúp tiến trình đưa các DNNN lên sàn diễn ra thống nhất hơn, dễ dàng hơn, gắn liền với tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo chủ trương chung của Chính phủ.

Thống kê cho thấy, trước năm 2004, trên sàn chứng khoán có chưa đến 30 doanh nghiệp niêm yết nhưng chỉ có một vài doanh nghiệp chất lượng như BBC, GMD, REE, SAM.

Hai năm sau khi UBCKNN về trực thuộc Bộ Tài chính (2004 và 2005), không nhiều doanh nghiệp lên sàn và trong số này cũng rất ít "ông lớn" DNNN. Tuy vậy, điều này không phản ánh chủ trương chuyển UBCKNN về Bộ Tài chính là thiếu đúng đắn. Thực tế, đây là hai năm bản lề để các DNNN tiến hành cổ phần hóa và liên tiếp lên sàn vào các năm sau, trong đó, năm 2006 có thể coi là năm bước ngoặt của thị trường chứng khoán Việt Nam với nhiều DNNN tiêu biểu lên sàn.

Cụ thể, BMP, DHG, NTP, VNR là những DNNN lớn cổ phần hóa năm 2004 và lên sàn vào năm 2006. Hay DRC và PVD là những DNNN tầm cỡ cổ phần hóa năm 2005 và lên sàn năm 2006.

Một loạt công ty con của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng lên sàn trong năm 2006, có thể kể đến như PGC, PJC, PJT, PLC, PSC. Tương tự là các công ty con của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) như BCC, BTS, TXM, VTV; hay một loạt các công ty họ "Sông Đà" như S55, SD5, SD6, SD9, SDA, SDC, SDT.

Năm 2006 cũng là năm lên sàn của "nữ hoàng sữa" Vinamilk với mã chứng khoán VNM, trở thành trụ cột của thị trường chứng khoán Việt Nam từ đó cho đến tận bây giờ.

Danh sách kể trên là mới chỉ là những cái tên tiêu biểu, năm 2006 còn có rất nhiều DNNN cỡ vừa và nhỏ lên sàn chứng khoán. Làn sóng lên sàn của các DNNN cũng phần nào kéo các doanh nghiệp tư nhân lớn vào cuộc chơi, có thể kể đến như FPT, ACB, Sacombank.

Tính ra, đã có tới cả trăm doanh nghiệp lên sàn trong năm 2006.

Sự "thay da đổi thịt" về lượng và chất của hàng hóa trên thị trường chứng khoán trong năm 2006 là bản lề quan trọng giúp tạo lập một thị trường chứng khoán quy mô như ngày nay (đến cuối năm 2018 đã có 1.553 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tương đương 71,6% GDP năm 2018). Thành công này không thể không kể đến vai trò của quyết định đưa UBCKNN về Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có nên giữ UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính nữa hay không?

Câu hỏi này cứ vài năm lại được đặt ra một lần. Thị trường từng ghi nhận ý kiến phía doanh nghiệp (như đề xuất của Vinamilk năm 2006), doanh nhân (như đề xuất của ông Nguyễn Đức Hưởng năm 2008), cựu lãnh đạo UBCKNN (như đề xuất năm 2011 của ông Lê Văn Châu - Chủ tịch đầu tiên của UBCKNN)... đưa ra theo hướng ủng hộ việc chia tách này và năm 2019, như đã đề cập, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã công khai ủng hộ việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính.

Việc một cơ quan lập pháp chuyên trách lĩnh vực kinh tế của Quốc hội ủng hộ việc chia tách phần nào cho thấy nhu cầu cấp bách của việc cho UBCKNN "ra riêng". Các lý do ủng hộ cũng đã được Ủy ban Kinh tế nêu rất rõ và về cơ bản đã bao trùm các ý kiến ủng hộ "ra riêng" trước đây.

Về phía Bộ Tài chính, cơ bản có 2 lý do chính đã đề cập trước nay cho việc UBCKNN nên trực thuộc bộ này.

Thứ nhất, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính sẽ giúp việc gắn chặt phát triển thị trường chứng khoán với công tác cổ phần hóa và cải cách sắp xếp đổi mới DNNN.

Lý do này đúng trong bối cảnh trước đây. Tuy nhiên hiện nay, việc cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước cũng như sắp xếp đổi mới DNNN phần lớn đã được chuyển về một đầu mối là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Vai trò của Bộ Tài chính thực tế đã không còn quan trọng và nặng nề như trước mà nay phần lớn chỉ lo "tiền ra, tiền vào", lo chính sách chung về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước...

Thứ hai, UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính còn nhằm phát triển thị trường trái phiếu, trong đó có trái phiếu chính phủ. Bộ Tài chính là cơ quan nắm "túi tiền quốc gia", phải cân đối thu - chi ngân sách và nguồn cân đối rất quan trọng là trái phiếu chính phủ. Việc giữ UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính sẽ giúp bộ này chủ động hơn trong việc phát hành trái phiếu chính phủ, từ đó chủ động hơn trong cân đối thu - chi ngân sách.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khác, việc Bộ Tài chính vừa "quản" thị trường trái phiếu, lại vừa là đầu mối phát hành trái phiếu chính phủ phần nào cho thấy tính chất "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Tách UBCKNN, Bộ Tài chính có thể hoạt động như một thành viên của thị trường trái phiếu, trong khi cơ quan quản lý trực tiếp là UBCKNN có thể tập trung phát triển thị trường trái phiếu mà ít bị chi phối bởi "bàn tay hữu hình", thị trường theo đó cũng bớt bị méo mó hơn, là tiền đề quan trọng cho sự phát triển bền vững.

Không khó để thấy rằng việc tách UBCKNN ra khỏi Bộ Tài chính là hợp lý về nhiều mặt và thời điểm sửa Luật Chứng khoán lần này là cơ hội hiếm có để thực hiện điều này, nhất là khi đã có sự ủng hộ rất lớn của cơ quan lập pháp chuyên trách là Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Tuy nhiên, liệu lãnh đạo Chính phủ có "gật đầu" với đề xuất này?

Tin mới lên