Diễn đàn VNF

Gói cứu trợ 16.000 tỷ không giải ngân được đồng nào: Người làm chính sách đã 'sập bẫy' sách vở

(VNF) - TS Quách Mạnh Hào (Đại học Lincoln - Vương quốc Anh) cho rằng việc gói cứu trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ không thể giải ngân là do người thiết kế chính sách đã "mắc bẫy" sách vở, đặt ra những điều kiện không doanh nghiệp nào đáp ứng nổi.

Gói cứu trợ 16.000 tỷ không giải ngân được đồng nào: Người làm chính sách đã 'sập bẫy' sách vở

TS Quách Mạnh Hào

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã tung ra gói 16.000 tỷ đồng, cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Tuy vậy, cho đến nay, đã nhiều tháng trôi qua, gói cứu trợ này vẫn chưa thể giải ngân được một đồng nào.'

Bình luận về việc gói 16.000 tỷ đồng bị "tắc" giải ngân, TS Quách Mạnh Hào cho rằng người thiết kế chính sách đã "mắc bẫy" sách vở.

"Những điều kiện của khoản vay hỗ trợ 16.000 tỷ hoàn toàn phù hợp với bất kỳ nguyên tắc nào về đảm bảo chất lượng khoản vay được dạy trong sách vở nhưng những điều kiện trên hoàn toàn không thực tế", ông Hào nhận xét.

Theo Điều 13 Quyết định 15, người sử dụng lao động muốn vay vốn từ gói hỗ trợ này cần phải đảm bảo ba điều kiện.

Thứ nhất, có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong khoảng thời gian từ ngày 1/4/2020 đến hết ngày 30/6/2020.

Thứ hai, đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc.

Thứ ba, không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng tại thời điểm ngày 31/12/2019.”

Theo ông Hào, phần lớn những doanh nghiệp khó khăn sẽ là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động phần lớn có hơi hướng gia đình. Do vậy, khi khó khăn thường, chủ doanh nghiệp và người lao động sẽ thỏa thuận giảm lương, giảm giờ làm để cùng hỗ trợ nhau vượt qua thời điểm khó khăn. Thế nhưng điều này lại không đáp ứng yêu cầu “nghỉ việc liên tục từ 1 tháng trở lên”.

Với những doanh nghiệp nhỏ quy mô thường dưới 100 người, nếu đạt 20% số nhân công (30 người lao động trở lên) có đóng bảo hiểm xã hội phải nghỉ việc thì rất có thể doanh nghiệp đó chuẩn bị giải thể rồi chứ không còn chờ hỗ trợ nữa.

Bên cạnh đó, việc yêu cầu doanh nghiệp chứng minh khó khăn về tài chính là điều hết sức nhạy cảm bởi làm như thế chẳng khác nào tự làm hại doanh nghiệp vì sẽ còn ai dám giao dịch với một doanh nghiệp khó khăn tài chính nữa.

Ngay cả khi danh tính doanh nghiệp được giữ gìn bí mật thì việc phải chứng mình tài chính khó khăn cũng dẫn tới những chi phí không cần thiết liên quan tới việc chuẩn bị và kiểm tra thông tin.

Doanh nghiệp chỉ được vay 50% lương cơ bản của công công nhân - mức rất thấp so với thu nhập cũng phần lớn là thấp (do đối tượng nghỉ việc thường là đối tượng thu nhập thấp) - nên trên thực tế, số tiền được vay quá nhỏ so với chi phí thông tin mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Điều này khiến các doanh nghiệp không muốn vay.

Hệ quả là một mục tiêu chính sách tốt nhưng việc triển khai bị vướng bẫy sách vở dẫn tới thất bại.

Ông Hào cho rằng mấu chốt của gói 16.000 tỷ đồng nằm ở tiêu chí xác lập doanh nghiệp khó khăn.

Gói 16.000 tỷ đồng đang cố cứu cả một nền kinh tế, tập trung vào doanh nghiệp khó khăn, nên đã dẫn tới sự cào bằng, mà ở đó doanh nghiệp khó khăn thật lại không đáp ứng tiêu chí.

"Tôi nghĩ thay vì cố cứu cả một nền kinh tế, hãy tập trung vào cứu một bộ phận của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Các nhà làm chính sách nên tập trung vào xây dựng nhóm ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất, nghĩa là bất cứ doanh nghiệp nào trong những ngành nghề đó đều được vay, bất kể điều kiện nào. Điều này có thể dẫn tới việc ai đó cho rằng có doanh nghiệp không khó khăn vẫn được vay – nhưng thực tế nếu ngành nghề của họ khó khăn thì nghĩa là họ đã khó khăn rồi.

"Còn nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động hơn nữa thì thực ra gói cứu trợ nên cho vay trả toàn bộ lương và các chi phí liên quan tới người lao động chứ không nên yêu cầu doanh nghiệp phải trả 50% như một hình thức đối ứng", ông Hào nêu quan điểm.

Việc cho vay để trả toàn bộ lương rõ ràng sẽ làm gói cứu trợ tăng lên gấp đôi, nhưng ông Hào cho rằng trong bối cảnh ngân hàng thừa tiền thì điều đó có khi lại tốt.

"Sự trợ cấp của chính phủ thực ra nằm ở con số tiền lãi vay và bảo lãnh cho khả năng mất vốn. Nhưng bù lại doanh nghiệp sẽ sống, người lao động không mất việc/có thu nhập, các vấn đề xã hội khác không phát sinh, năm sau lại thu được thuế", ông Hào nhận định.

Tin mới lên