Tài chính quốc tế

Gói trừng phạt mà Nga cảnh báo EU ‘tự hủy hoại chính mình’ gồm những gì?

(VNF) - Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/6 đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ sáu áp lên Nga, bao gồm lệnh cấm vận dầu, điều mà Nga cho là sẽ là hành động “tự hủy hoại chính mình” của EU.

Gói trừng phạt mà Nga cảnh báo EU ‘tự hủy hoại chính mình’ gồm những gì?

Liên minh châu Âu (EU) ngày 3/6 đã chính thức thông qua gói trừng phạt thứ sáu áp lên Nga.

“Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine vẫn tiếp diễn. Hôm nay, Hội đồng châu Âu (EC) đã quyết định đưa ra gói trừng phạt kinh tế và cá nhân thứ sáu đối với Nga và Belarus”, thông báo của EC nêu rõ.

Cụ thể, các biện pháp hạn chế mới bao gồm cấm "mua, nhập khẩu hoặc chuyển dầu thô và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga vào EU", với thời hạn áp dụng từ sáu tháng đối với dầu thô và tám tháng đối với các sản phẩm dầu mỏ tinh chế khác.

Bên cạnh đó, EU cũng loại thêm ba ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống SWIFT, gồm ngân hàng Sberbank, Ngân hàng Tín dụng Moskva và Ngân hàng Nông nghiệp Nga.

Đồng thời, EU cấm phát sóng ở châu Âu các kênh truyền hình Russia RTR/RTR Planet, Russia 24, TV Center-International, nhân viên của kênh truyền hình có thể tiếp tục làm việc.

Theo Sputnik, văn bản pháp lý sẽ được xuất bản sau trên tạp chí chính thức của EU, đồng thời khi đó sẽ biết những cá nhân Nga bị liệt vào danh sách trừng phạt. Sau đó, các biện pháp trừng phạt sẽ chính thức có hiệu lực.

Trước đó, trong một tuyên bố hôm 2/6, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc EU cấm vận Nga trong gói trừng phạt thứ 6 sẽ là hành động “tự hủy hoại chính mình” đối với liên minh này. Theo Bộ Ngoại giao Nga, điều này sẽ tiếp tục đẩy giá dầu leo thang, gây bất ổn thị trường năng lượng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng

“Rõ ràng, các yếu tố chính của các biện pháp đơn phương chống lại Nga, được thống nhất dưới danh nghĩa chống lệ thuộc vào Nga, sẽ là hành động tự hủy hoại đối với EU. Không có gì ngạc nhiên khi EU phải mất gần một tháng để yêu cầu các nước thành viên chấp thuận lệnh trừng phạt ‘mang tính quyết định’ về tính đoàn kết”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.

“Những trở ngại tiếp theo đối với hàng hóa Nga sẽ ảnh hưởng sâu sắc hơn nữa đến nguồn cung nông sản. Cuối cùng, những hành động như vậy sẽ mang đến kết quả ngược lại. Chúng sẽ phá hoại nền kinh tế và an ninh năng lượng của EU, đẩy nhanh cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sắp xảy ra, điều mà liên minh đang tìm cách ngăn chặn”, Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh thêm.

Xem thêm >> Chuyên gia: Giá Bitcoin có thể lao dốc xuống 14.000 USD trong năm nay

Tin mới lên