Diễn đàn VNF

Golf có gây hại cho môi trường?

(VNF) - Theo PGS.TS Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dù vẫn có những tác động tiêu cực nhất định, song nhìn chung golf có nhiều lợi ích cho môi trường.

Golf có gây hại cho môi trường?

Dù vẫn có những tác động tiêu cực nhất định, song nhìn chung golf có nhiều lợi ích cho môi trường.

- Ở góc độ môi trường học, ông có thể phân tích về tác động của golf tới môi trường?

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, cho thấy sân golf có các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực tới môi trường. Ảnh hưởng tích cực là sân golf là tạo ra không gian xanh, là không gian thích hợp để nhiều loài vật sinh sống. Chúng ta biết trong sân golf, ngoài các khu vực được sử dụng để đánh golf, có nhiều khu vực chỉ để tạo cảnh quan. Chính những khu vực này là nơi được động vật hoang dã sử dụng để làm nơi sinh sống và phát triển. Các nghiên cứu ở Mỹ cho thấy các sân golf là nơi sinh sống rất tốt cho rất nhiều loài chim. Phía dưới các sân golf là tầng đất ẩm ướt, do thường xuyên được tưới nước, nên có nhiều giun sinh sống và do vậy có tác động tốt tới môi trường. Đất sân golf có cỏ và thường là tơi xốp nên thấm nước tốt, giúp thoát nước khi có mưa lớn, giảm ngập lụt và tạo nguồn bổ cấp cho nước ngầm. Ngoài ra, lớp cỏ trên sân golf có tác dụng rất tốt để giữ đất, chống xói mòn. Sân golf phủ đầy cỏ và cây cối cũng giúp điều hòa tiểu khí hậu, làm các khu vực có sân golf mát mẻ hơn trong những ngày nắng nóng.

Các tác động môi trường xấu của các sân golf là chúng sử dụng một không gian rộng lớn. Nếu như không gian này trước đó là rừng hoặc đất hoang có cây cối thì việc xây dựng sân golf sẽ làm phá vỡ các sinh cảnh tự nhiên. Sân golf dù tạo ra sinh cảnh nhân tạo khá tốt nhưng ở góc độ môi trường học, sinh cảnh nhân tạo không bao giờ tốt bằng sinh cảnh tự nhiên. Ngoài ra, sân golf cần sử dụng một lượng nước lớn để tưới cây, cỏ cho nên cũng gây ra vấn đề lãng phí nước. Việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học để giữ cho sân golf xanh tươi cũng ít nhiều gây hại cho môi trường.

- Đối với việc xây dựng các sân golf trên đất nông nghiệp, nhiều quan điểm cho rằng các dự án golf khiến nông dân mất đất, mất công ăn việc làm, có thể ảnh hưởng tới an ninh lương thực. Cá nhân ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Đúng là việc chuyển nhượng từ nông nghiệp thành golf có thể sẽ tác động tới cuộc sống người nông dân, nhưng trong bối cảnh hiện tại, khi thế giới đã có nhiều thay đổi thì chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển lương thực sao cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong nền kinh tế hàng hoá, điều quan trọng là phải tính tới hiệu quả sử dụng đất nên nếu như việc sử dụng đất mang hiệu quả kinh tế lớn, có thể tạo ra công ăn, việc làm cho người dân thì việc đó ta nên làm.

Hiện tại, đa phần đất nông nghiệp tại Việt Nam được sử dụng theo hình thức canh tác nhỏ lẻ, nông dân trồng lúa mang lại hiệu quả kinh tế không cao, người dân cũng chỉ dùng một thời gian nhỏ trong một năm để trồng lúa. Thu nhập từ trồng lúa và các cây trồng khác rất thấp. Thậm chí, nhiều nơi, nông dân đã bỏ ruộng và đi làm trong các nhà máy, xí nghiệp. Điều này cho thấy đất đai canh tác nông nghiệp mang lại hiệu quả rất thấp.

Đó là còn chưa kể tới việc nông dân, trong quá trình canh tác đất nông nghiệp, đa phần dùng nhiều thuốc trừ sâu, phân bón hoá học nên đã làm thoái hoá đất. Hơn nữa, trồng lúa nước yêu cầu rất nhiều nước. Nếu sân golf được xây dựng trên đất trước đó được sử dụng làm nông nghiệp thì sẽ giúp giảm bớt được lượng phân hóa học, thuốc trừ sâu và dùng ít nước hơn rất nhiều, vì thế tác động môi trường của sân golf sẽ nhỏ hơn rất nhiều so với việc làm nông.

Nhấn mạnh lại, khu vực đất nông nghiệp nếu chuyển đổi thành sân golf thì không chỉ giúp giảm hiện tượng xói mòn đất mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ta biết hiện tại Việt Nam đã sử dụng các loại giống mới và kỹ thuật canh tác mới, có năng suất rất cao và đang xuất khẩu rất nhiều lúa gạo. Chúng ta đang đảm bảo rất tốt an ninh lương thực và do vậy nếu như việc sử dụng đất làm sân golf có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất nông nghiệp thì chúng ta nên đầu tư làm sân golf ngay cả tại các khu vực trước đây có sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn đưa ra lưu ý rằng, đối với những “bờ xôi ruộng mật”, những mảnh đất tốt, mang lại giá trị kinh tế cao thì việc xây dựng và phát triển sân golf là không nên.

- Vậy với việc phát triển golf có liên quan đất rừng thì sao?

Như trên tôi đã nói, về mặt môi trường học, sinh cảnh nhân tạo không thể tốt bằng sinh cảnh tự nhiên. Việc chuyển đổi rừng thành sân golf sẽ phá vỡ sinh cảnh tự nhiên và biến nó thành sinh cảnh nhân tạo. Đó là điều không tốt. Tuy nhiên, trong trường hợp sân golf được xây dựng trên các mảnh đất hoang hoá, đất đai khô cằn, có đa dạng sinh học thấp mà sân golf mang lại hiệu quả kinh tế cao thì ta nên đầu tư sân golf. Khi đã thu được nhiều lợi ích từ các sân golf, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng lợi ích đó để bảo vệ môi trường, thậm chí là bảo vệ môi trường trên bình diện quốc gia chứ không riêng gì khu vực sân golf đó.

- Hiện nay có một số đề xuất được làm sân golf trên các cù lao sông. Bên cạnh những ý kiến đồng ý vì lợi ích vẫn có nhiều quan điểm lo ngại cho môi trường. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Tôi có một số vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, đó là việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Quan điểm cho rằng phân hoá học và thuốc trừ sâu sử dụng cho việc phát triển sân golf không xả thải nhiều ra môi trường là không đúng. Ví như với việc sử dụng phân hoá học, lượng cỏ của các sân golf chỉ có thể hấp thụ được khoảng 80% phân bón, phần còn lại sẽ theo dòng nước chảy trực tiếp xuống sông, tạo ra tác động môi trường lớn. Đối với thuốc trừ sâu cũng vậy. Nếu như không sử dụng các loại thuốc trừ sâu theo quy định thì thuốc trừ sâu sẽ bị nước mưa rửa trôi xuống sông và gây tác động xấu tới môi trường sông, thậm chí tới sức khỏe con người thông qua tiêu thụ thủy sản và tiêu thụ một số loại thực phẩm khác.

Thứ hai, với các cù lao sông, việc phát triển sân golf trên đó cũng phải tính đến tác động của sạt lở. Bởi các cù lao sông chủ yếu được bồi đắp bằng cát, mà cát hiện nay đang rất thiếu do tác động của các đập thủy điện thượng nguồn và các hoạt động khai thác cát từ lòng sông.

- Ông có khuyến nghị gì để phát triển golf mang lại lợi ích mà vẫn bảo đảm được môi trường?

Để giảm tác động môi trường của các sân golf, các cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng những quy định chặt chẽ về việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học cho các sân golf, cũng như giảm lượng nước tiêu thụ để tưới sân golf. Thậm chí, cần phải có những quy định cụ thể về trồng cỏ trong sân golf. Sân golf cần được trồng những loại cỏ có khả năng chống sâu hại tốt nên yêu cầu rất ít thuốc trừ sâu, tiêu thụ ít nước và phân hoá học.

Ngoài ra, cần quy định rằng những người tới chơi golf thì chỉ được chơi ở những khu vực quy định ở sân golf để tránh ảnh hưởng tới các loài động vật hoang dã sống ở một số khu vực của sân golf.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Tin mới lên