Nhân vật

Hà Nội có ca nhiễm Covid-19: Bác sỹ 'ngàn like' Trần Quốc Khánh hướng dẫn những việc nên và không nên

(VNF) - Sau khi Hà Nội ghi nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trưa 7/3, bác sỹ Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) đã đưa ra hướng dẫn cụ thể về những việc nên và không nên làm trong thời điểm này.

Hà Nội có ca nhiễm Covid-19: Bác sỹ 'ngàn like' Trần Quốc Khánh hướng dẫn những việc nên và không nên

Bác sỹ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Việt Đức.

Theo bác sỹ Khánh, việc Hà Nội phát hiện ca nhiễm Covid-19 là điều không có gì bất ngờ. Nguyên nhân là với yếu tố dịch tễ ở nước ta thì 3 thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. HCM là những nơi có nguy cơ bị lây nhiễm cao nhất.

Đây đều là những thành phố lớn, tập trung đông người, là điểm giao thương giữa các quốc gia trên thế giới. Do đó, việc có bệnh nhân nhiễm Covid-19 là điều đã được trù bị từ trước. Bác sỹ Khánh khuyến cáo người dân không nên quá hoang mang.

Vị bác sỹ đang công tác tại Bệnh viện Việt Đức chỉ ra 10 việc người dân cần làm ngay lúc này.

Đầu tiên là thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho cả gia đình. Trong đó, yêu cầu đặc biệt quan trọng chính là việc rửa tay hàng ngày và thường xuyên, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài...

Việc thứ 2 là thực hiện các nội dung để nâng cao sức đề kháng. Cụ thể là cần tập thể dục, ngủ đủ giấc, sử dụng thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ...

Tiếp theo là người dân cần giữ tâm thái bình tĩnh bởi khi quá hoang mang, lo lắng thì sẽ làm sức đề kháng của cơ thể sẽ giảm xuống và khiến virus dễ lây nhiễm.

Bác sỹ Khánh cũng cho rằng dù nên hạn chế tiếp xúc chỗ đông người nhưng không có nghĩa là không nên ra ngoài trời. Mọi người vẫn nên ra ngoài trời, lựa chọn chỗ vắng người để tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên.

Việc tiếp theo là phải thường xuyên vệ sinh các bề mặt như máy tính, điện thoại, đồng hồ, bàn bếp, chìa khoá... bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.

Người dân cũng nên theo dõi thông tin từ các nguồn chính thống như Cổng thông tin Chính phủ, Hà Nội, các trang báo chính thống... Còn lại các thông tin giả (fake news) thì không nên tiếp thu vì sẽ gây tâm lý hoang mang.

Bác sỹ cũng khuyến cáo người dân nên dự phòng thuốc hạ sốt, nhiệt kế, thuốc bù điện giải, nước sát khuẩn, khẩu trang vải...

Người dân cần lưu lại số hotline của Bộ Y tế là 19009095 hoặc 19003228 để có thể nhận được tư vấn cụ thể từ cơ quan y tế.

Việc tiếp theo là các gia đình có người thân ở nước ngoài về nước cần tuân khủ khai báo y tế và tự giác cách ly để bảo vệ gia đình và cộng đồng.

Cuối cùng là cần phân biệt rõ giữa cảm cúm và Covid-19. Cụ thể, đặc điểm nhận biết nhiễm virus corona là 3 triệu chứng nổi bật, gồm: ho khan và đau họng; sốt cao; đau tức vùng ngực, khó thở.

Bên cạnh 10 điều nên làm, bác sỹ Khánh cũng liệt kê 9 việc không nên làm. Cụ thể, không nên tụ tập đông người, đặc biệt là tại các siêu thị.

Người dân cũng nên huỷ các cuộc hẹn không cần thiết; không nên chia sẻ các cảm xúc tiêu cực trên mạng xã hội; không nên tích trữ quá nhiều đồ ăn bởi ở nước ta có nguồn cung cấp thực phẩm dồi dào.

Bác sỹ Khánh cũng khuyến cáo người dân không nên và hạn chế di chuyển đi các vùng khác vì có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Người dân cũng không nên tích trữ quá nhiều khẩu trang vì đang trong giai đoạn khan hiếm, sẽ tạo nên áp lực cho ngành y tế.

Người dân cũng không nên đi khám hoặc vào viện nếu tình trạng sức khoẻ chưa có gì đặc biệt. Việc vào viện lúc này có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là người già và trẻ em.

Việc không nên cuối cùng, theo bác sỹ Khánh, là các công ty tốt nhất nên làm việc online, làm việc nhóm nhỏ, tránh lên cơ quan quá nhiều, khiến việc tụ tập đông người tạo ra nguy cơ lây nhiễm.

Tin mới lên