Xe

Hà Nội sẵn sàng hòa mạng xe buýt điện

Hà Nội vừa tổ chức chạy thử thành công 3 tuyến xe buýt điện để dự kiến trong tháng 6/2021 đưa vào vận hành thực tế cùng 10 tuyến buýt mở mới với khoảng 150-200 xe theo hình thức trợ giá... Nhiều ý kiến cho rằng, đây là loại hình vận tải công cộng đang được chờ đợi vì ngoài việc trang bị hiện đại, tiện ích nó còn góp phần giảm ô nhiễm môi trường giao thông tại đô thị.

Hà Nội sẵn sàng hòa mạng xe buýt điện

Xe buýt điện chạy thử nghiệm trên đường phố Hà Nội. Ảnh: V.B

Kết nối đồng bộ với mạng lưới xe buýt thủ đô

Chính phủ vừa đồng ý để UBND TP. Hà Nội tạm thời sử dụng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá của loại hình xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG) trên địa bàn để áp dụng trong thời gian thí điểm (không quá 12 tháng) triển khai dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt điện. Bộ GTVT cũng đã có văn bản đồng thuận với việc Hà Nội và TP. HCM mở các tuyến buýt điện.

Đồng thời, đề nghị 2 địa phương này yêu cầu Tập đoàn Vingroup cần thực hiện theo đúng quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe buýt điện.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, riêng tại Hà Nội, VinBus sẽ hoạt động với 150 xe và chạy trên 10 tuyến buýt có điểm đầu, điểm cuối tại các khu vực đông dân cư như: khu đô thị Smart City, khu đô thị Vinhomes Ocean Park, khu đô thị Times City và kết nối với bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, công viên nước Hồ Tây...

Theo Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP. Hà Nội (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) - ông Thái Hồ Phương, Trung tâm đang cùng Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus hoàn tất các công đoạn cuối cùng để xe buýt điện có thể kết nối với mạng lưới xe buýt thủ đô vào cuối quý II/2021.

Cũng theo ông Thái Hồ Phương, khi VinBus được kết nối với mạng lưới xe buýt của thủ đô thì cũng thực hiện đón, trả khách tại các nhà chờ, điểm dừng theo đúng lộ trình của 10 tuyến đã được cơ quan chức năng cấp phép. Chính sách giá vé của VinBus cũng tương tự như hệ thống xe buýt hiện nay và hành khách được sử dụng vé tháng thông thường để đi xe buýt điện.

Theo Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội - ông Đào Việt Long - hiện sở đang nghiên cứu, khảo sát kết cấu hạ tầng giao thông, đánh giá nhu cầu đi lại của người dân theo vùng phục vụ các tuyến xe buýt chạy bằng điện và về độ trùng lặp với các tuyến buýt khác. Tuy nhiên, hiện nay, tại Việt Nam, xe buýt điện chưa hoạt động, chưa có định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giảm ô nhiễm môi trường

Về xu thế và định hướng phát triển giao thông, Chính phủ cũng đã có định hướng phát triển mô hình xe buýt chạy điện. Việc sử dụng xe buýt điện được đánh giá sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ và đa dạng hóa xe buýt sử dụng năng lượng sạch, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội.

Theo Phó chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia - ông Khuất Việt Hùng - để cải thiện môi trường giao thông đô thị cần có thêm nhiều phương tiện công cộng sử dụng điện, bởi nhờ đó dịch vụ vận tải công cộng sẽ ngày càng hiện đại, thân thiện môi trường hơn. Việc triển khai xe buýt điện sẽ giúp các doanh nghiệp xe buýt cùng đổi mới, nâng cao ATGT, cải thiện thái độ phục vụ, tiện nghi, ngăn ngừa những bất cập hiện tại, giúp xe buýt trở nên thân thiện, hấp dẫn người dân hơn.

Việc sử dụng xe buýt điện sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì sử dụng điện năng nên không phát thải Co2, không gây ô nhiễm tiếng ồn, đồng thời cũng đặt kỳ vọng sẽ góp phần giảm ô nhiễm môi trường bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội, phục vụ nhân dân trên địa bàn thành phố. Trao đổi với phóng viên, Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ GTVT) - ông Trần Ánh Dương - cho rằng, xe buýt điện đang là xu thế phát triển của các đô thị, giảm phát thải các chất gây ô nhiễm không khí. Cùng với đó cơ cấu điện của Việt Nam là điện năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện… do đó việc phát triển xe buýt điện sẽ góp phần giảm phát thải nhà kính.

Theo ông Dương, sau 12 tháng chạy thí điểm cơ quan chức năng sẽ tổng kết, đánh giá nếu kết quả tốt mới xây dựng cơ chế để bảo đảm khai thác vận hành có hiệu quả để tổ chức nhân rộng mô hình. Vì hiện mới có phương án trợ giá cho xe buýt chạy dầu diezel chứ chưa có trợ giá cho xe điện nên chỉ áp dụng đơn giá tạm thời.

Dự kiến 10 tuyến buýt điện được triển khai tại Hà Nội gồm: Long Biên - Trần Phú - khu đô thị Smart City; Long Biên - Cầu Giấy - khu đô thị Smart City; bến xe Giáp Bát - khu đô thị Smart City; khu đô thị Smart City - công viên nước Hồ Tây; khu đô thị Smart City - Vincom Long Biên; Hào Nam - khu đô thị Ocean Park; bến xe Mỹ Đình - khu đô thị Ocean Park; Mỹ Đình (Hàm Nghi) - khu đô thị Ocean Park; khu liên cơ quan sở ngành Hà Nội - khu đô thị Times City; khu đô thị Ocean Park - sân bay Nội Bài.

Cơ chế trợ giá cho xe buýt điện áp dụng giống như xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (CNG), giá vé dự kiến sẽ như các tuyến buýt truyền thống, CNG đã được áp dụng trên địa bàn thành phố với mức 7.000 đồng/lượt; với học sinh, sinh viên (đối tượng ưu tiên) giá vé tháng đi 1 tuyến: 55.000 đồng/vé/tháng. Giá vé tháng đi liên tuyến: 100.000 đồng/vé/tháng. Với đối tượng không ưu tiên, giá vé tháng đi 1 tuyến: 100.000 đồng/vé/tháng; giá vé tháng đi liên tuyến: 200.000 đồng/vé/tháng. Người già trên 60 tuổi, trẻ em dưới 6 tuổi sẽ được miễn phí sử dụng. 

Tin mới lên