Bất động sản

Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong 5 năm tới

(VNF) - Trong giai đoạn 2021 - 2025, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị.

Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong 5 năm tới

Hà Nội sẽ khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025. (Ảnh minh họa)

Thông tin này được Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết tại tội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai khai kế hoạch năm 2022 của Bộ Giao thông Vận tải, tổ chức ngày 25/12.

Theo ông Tuấn, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh là Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên. Đồng thời kết nối Thủ đô với các tỉnh thành thuộc vùng thủ đô, thông qua các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 3, quốc lộ 6, quốc lộ 21 và 21B...

TP.Hà Nội cũng sẽ đầu tư các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hồi - Phú Xuyên, đường trục phía Nam; các đường vành đai gồm: Vành đai 3.5, Vành đai 4 và vành đai 5; hệ thống cầu vượt sông gồm Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở (Vành đai 4); cầu Đuống 2 (trên QL1A cũ)…

Cũng theo ông Tuấn, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng tuyến đường sắt đô thị thí điểm số 3 (đoạn Nhổn - Ga Hà Nội).

Đáng chú ý, lãnh đạo TP. Hà Nội cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025, gồm: tuyến Văn Cao - Hòa Lạc, tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai và tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt đô thị còn lại làm cơ sở khởi công trong giai đoạn 2025 - 2030.

Được biết, tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc có tổng chiều dài hơn 37km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất.

Dự án đang được Hội đồng thẩm định nhà nước đánh giá, nếu được thông qua chủ trương đầu tư, sẽ khởi công vào năm 2022 và dự kiến vận hành 2026.

Dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.

Dự án được đề xuất đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Tuyến ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,7km đi ngầm toàn bộ theo hành lang Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông - Kim Ngưu - Nguyễn Tam Trinh. 

Dự kiến thời gian thực hiện dự án là từ năm 2023 đến năm  2028 với tổng mức đầu tư là 1.752,78 triệu USD, tương đương 40.577 tỷ đồng, trong đó vốn vay các nhà tài trợ nước ngoài: 1.478,68 triệu USD, tương đương 34.231 tỷ đồng, gồm vay ADB 940,8  triệu USD; vay KfW 305,08 triệu USD; vay AFD  232,8 triệu USD. Phần còn lại là  vốn đối ứng trị giá 6.346 tỷ đồng, tương đương 274,1 triệu USD từ nguồn ngân sách thành phố.

Tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi hiện đang lựa chọn tư vấn thiết kế kỹ thuật. Dự án được nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng vào cuối năm 2002 với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng, phân kỳ thành 3 giai đoạn. Sau gần 20 năm, dự án đã nhiều lần điều chỉnh phân kỳ đầu tư và tổng mức đầu tư.

Tin mới lên