Thị trường

Hà Tĩnh kỳ vọng lượng hàng container cập cảng Vũng Áng tăng nhanh

(VNF) -  Với nhiều ưu thế về vị trí địa lý phát triển dịch vụ logistics của khu vực Bắc Trung Bộ, Hà Tĩnh kỳ vọng sản lượng hàng container có thể đạt tốc độ tăng trưởng 35 - 70% về sản lượng hàng thông qua cảng Vũng Áng thời gian tới.

Hà Tĩnh kỳ vọng lượng hàng container cập cảng Vũng Áng tăng nhanh

Cụm cảng Sơn Dương - Vũng Áng. Ảnh: Thanh Bình

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021 của Thủ tướпg ᴄɦíпɦ ρɦủ phê duyệt quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, cụm cảng Vũng Áng, Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng là đầu mối кнu vực – cảng biển loại I, cảng chuyên dùng và tổng hợp quốc gia trong hệ thống cảng biển Việt Nam.

Khu kinh tế Vũng Áng là động lực phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh khi đóng góp hơn 56% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, trên 95% số thu xuất nhập khẩu, chiếm 90% giá trị sản xuất công nghiệp, 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Hiện nay, Khu kinh tế Vũng Áng có 84 dự án trong nước, với tổng mức vốn đăng ký 48.700 tỷ đồng và 57 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng mức vốn đăng ký 13,6 tỷ USD, tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 20.000 lao động.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance, ông Hoàng Văn Quảng - Giám đốc Sở Công thương Hà Tĩnh cho biết, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế cả nước ảnh hưởng tổn thương nghiêm trọng, tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Hà Tĩnh có nhiều khởi sắc.

Tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng 2021 tăng 83% so với cùng kỳ năm 2020. Hà Tĩnh đứng thứ 10 cả nước về thu hút FDI và xếp á quân khu vực miền Trung với 79 dự án với tổng vốn đầu tư 11,74 tỷ USD. Hiện nay Hà Tĩnh có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp đã thành lập và đi vào hoạt động.

“Hà Tĩnh đã có nhiều nhà máy có sản lượng hàng hóa lớn như nhà máy thép Formosa với công suất 7 triệu tấn thép và phôi hợp/năm; Nhóm nhà máy sợi, may mặc nhu cầu vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và hàng xuất đi khoảng 1.500 container/năm. Nhóm nhà máy chế biến gỗ nhu cầu sản phẩm đầu ra khoảng 4.200 container/năm, các cụm công nghiệp khác quy mô khoảng 600 - 1.000 container/năm’, ông Quảng thông tin.

Ông Hoàng Văn Quảng cũng cho biết thêm, giai đoạn hiện nay, sản lượng hàng hóa nhu cầu hàng container khoảng 7.000 - 8.000 container/năm. Dự kiến sản lượng này sẽ tiếp tục tăng mạnh khi thu hút đầu tư của Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến đạt 15 - 20 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.

Kỳ vọng hàng container chiếm 70% sản lượng

Tại hội thảo trực tuyến: “Đánh thức tiềm năng Hà Tĩnh- Kết nối liên vùng, phát triển thị trường Việt Lào” diễn ra cuối tháng 10 vừa qua, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Cảng quốc tế Lào - Việt (đơn vị khai thác cảng Vũng Áng) cho biết mặc dù tiềm năng hàng hóa lớn với nhiều lợi thế sẵn có, song giai đoạn 2017 - 2021, hàng thông qua cảng Vũng Áng chủ yếu là hàng tổng hợp, chiếm đến 98%. Hàng container và hàng thiết bị mới chỉ chiếm 2%.

“Từ năm 2022, khi một số nhà máy đi vào hoạt động, các dự án lớn tiếp tục được đầu tư vào các khu kinh tế tại Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Lào… sản lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến tăng trưởng bình quân 35%/năm. Riêng sản lượng hàng container có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 35 - 70% sản lượng hàng thông qua”, ông Tuấn nhận định.

Tàu hàng Tân Cẩng Sài Gòn cập cảng Vũng Áng

Cũng theo ông Tuấn, ngày 10/4/2021, Công ty Cổ phần Vận Tải Biển Tân Cảng (Tan Cang Shipping) - thành viên thuộc hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đã triển khai chuyến tàu container đầu tiên cập cảng Quốc Tế Lào- Việt. 

Sau 6 tháng từ khi chuyến tàu container đầu tiên vào cảng Quốc tế Lào - Việt, công ty cổ phần Vận tải biển Tân cảng (Tân cảng Shipping) đã cập cảng Vũng Áng 13 chuyến container với tổng lượng hàng đạt 459 TEU, khai thác ổn định tuyến dịch vụ vận tải biển kết nối hàng hóa Hải Phòng - Vũng Áng– TP. HCM và chiều ngược lại.

Về chiến lược phát triển logistics tại Vũng Áng, nhắm việc kết nối thị trường Lào thời gian tới, Giám đốc Trung tâm dịch vụ logistics Tân Cảng Sài Gòn Đỗ Xuân Minh đánh giá, Lào là thị trường tiềm năng để Hà Tĩnh có thể cung cấp dịch vụ xuất nhập khẩu, do Lào là quốc gia không có biển. Doanh nghiệp Việt cũng có thể phối hợp với doanh nghiệp Lào xây dựng hình thành chuỗi sản xuất cung ứng như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may…

Theo ông Đỗ Xuân Minh, với vị thế địa lý thuận lợi, cảng biển Hà Tĩnh sẽ thu hút mạnh nguồn hàng từ Trung Quốc quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Lào, Thái Lan và ngược lại (riêng luồng hàng từ Lào, Thái Lan quá cảnh qua Việt Nam nhập vào Trung Quốc, sản lượng cả năm 2021 dự kiến sẽ tăng 92% so với năm 2020).

Là đơn vị đang triển khai tuyến vận tải nội địa Hải Phòng - Vũng Áng - TP.HCM với tần suất 2 - 4 chuyến/tháng, đại diện Tân Cảng Sài Gòn cho rằng để tạo điều kiện cho cảng biển và các tuyến dịch vụ hút hàng, thời gian tới, các cấp chức năng cần nghiên cứu cơ chế cho phép hàng quá cảnh được chuyển cảng hai lần hoặc hàng phế liệu (giấy, thép) được quá cảnh bằng container.

“Tỉnh Hà Tĩnh cũng cần tăng tốc đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng kết nối cụm cảng Vũng Áng với Lào, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng đường sắt Viêng Chăn - Vũng Áng, tuyến kết nối cao tốc AH15. Đồng thời, có các chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển, bốc xếp nội địa từ doanh nghiệp đến cảng Vũng Áng, chi phí lưu kho tại cảng Vũng Áng và chính sách phù hợp để hãng tàu mở tuyến dịch vụ đến khu vực cảng Vũng Áng nhiều hơn”, đại diện Tân cảng Sài Gòn kiến nghị.

Quy hoạch KKT Vũng Áng trở thành vùng kinh tế động lực Bắc Trung Bộ

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics thành một trong những trụ cột kinh tế, đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng vai trò là cầu nối giữa sản xuất với tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh đã quy hoạch phát triển tổng thể dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2040 và sẽ tích hợp vào quy hoạch tỉnh; Quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm logistics tại Khu Kinh tế Vũng Áng, tỷ lệ 1/500 với quy mô 106,9ha, 07 phân khu chức năng đang hoàn thiện và sẽ phê duyệt trong thời gian tới.

Cảng Vũng Áng khi hoàn thiện sẽ có 17 bến, trong đó có 11 bến cảng tổng hợp, container; 6 bến chuyên dùng cho nhập than và xuất nhập xăng dầu; cảng Sơn Dương giai đoạn hoàn thiện sẽ có 51 bến chuyên dùng, trong đó: có 32 bến của Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa, 13 bến tổng hợp, 6 bến tàu chuyên dụng. Cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương thuộc Khu kinh tế Vũng Áng có độ sâu tự nhiên từ âm 11m đến âm 22m, tiếp nhận được tàu container 4.000 TEU. 

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, để thúc đẩy kinh tế, tận dụng tốt các tiềm năng, lợi thế sẵn có, giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong tỉnh thì việc phát triển ngành dịch vụ logistics là hết sức cần thiết. Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm logistics của vùng Bắc Trung Bộ, với mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 9-10%/năm.

“Trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025 xác định Khu kinh tế Vũng Áng đóng vai trò là một trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, dịch vụ cảng biển, logistics. Hà Tĩnh đang tập trung xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp và logistics, một trong ba đột phá chiến lược của Hà Tĩnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Tin mới lên