Thị trường

Hà Tĩnh vẫn quyết 'khai tử' mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

(VNF) - Hà Tĩnh muốn chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê trước tháng 5/2021, đồng thời sẽ thu hồi diện tích 980ha đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch.

Hà Tĩnh vẫn quyết 'khai tử' mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á

Hà Tĩnh muốn chấm dứt dự án mỏ sắt Thạch Khê trước tháng 5/2021

Theo nguồn tin của VietnamFinance, UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH-ĐT) góp ý dự thảo phương án xử lý tổ hợp dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, huyện Thạch Hà.

Văn bản do Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng ký cho hay: đối với đến dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Bộ KH-ĐT, Bộ KH-ĐT cũng đã có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng, trong đó liên tiếp đề nghị cho chấm dứt dự án.

“Căn cứ Thông báo kết luận số 72-TB/TW ngày 9/5/2007 của Bộ Chính trị yêu cầu việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê phải đặc biệt chú ý bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo điều kiện tốt cho phát triển bền vững, lâu dài của đất nước, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh hết sức thận trọng, khách quan, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện và nhất quán quan điểm chấm dứt dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê”, văn bản góp ý nêu rõ.

Do vậy, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ KH-ĐT báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chấm dứt dự án trước tháng 5/2021.

Hơn nữa, sau khi có chủ trương chấm dứt dự án, Hà Tĩnh cam kết thực hiện các nội dung Trung ương giao.

“Tỉnh sẽ thu hồi diện tích 980ha đất khu vực mỏ để điều chỉnh quy hoạch phục vụ phát triển du lịch, đẩy mạnh thu hút đầu tư và góp phần phát triển kinh tế -xã hội”, lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh.

Tại buổi thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 diễn ra ngày 22/3 tại Hà Nội, tỉnh sẽ đóng mỏ sắt Thạch Khê ít nhất đến năm 2070 (50 năm) và khôi phục sử dụng đất theo hướng phát triển du lịch sinh thái, trung tâm đô thị, khu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...

Được biết năm 2007, nhằm đáp ứng nhu cầu cho các nhà máy thép trong nước, Chính phủ Việt Nam đã quyết định khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Mỏ sắt này có trữ lượng hơn 500 triệu tấn, hàm lượng quặng giàu 60-62%, lớn nhất Đông Nam Á.

Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư dự án từ năm 2008, triển khai đến năm 2011 phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông.

Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê ảnh hưởng trực tiếp đến 6 xã ven biển của huyện Thạch Hà với 5.928 hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp.

Đến nay, tổng diện tích dự án đã giải phóng mặt bằng 830,1ha, trong đó 741,3ha thuộc khu vực mỏ và bãi thải, 88,8ha thuộc công trình hạ tầng tái định cư. Tổng kinh phí đầu tư cho dự án đến nay đạt 1.798,29 tỷ đồng, trong đó giá trị đầu tư xây dựng cơ bản 1.287,9 tỷ đồng, giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư 387,76 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê sẽ gây nhiều hệ lụy về địa chất và môi trường. Theo Th.S Lưu Văn Thực (Viện Khoa học công nghệ mỏ - TKV) và PGS.TS Hồ Sĩ Giao (Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam), điều kiện địa chất thủy văn của mỏ sắt Thạch Khê rất phức tạp, gây khó khăn cho quá trình hoạt động khai thác. Đặc biệt nghiêm trọng là "mỏ có lưu lượng nước chảy vào lớn nhất ở Việt Nam, như là một dòng sông".

Hà Tĩnh mấy năm gần đây quyết liệt phản đối đầu tư tiếp dự án này. Còn ở Trung ương, văn bản đi văn bản lại, đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng.

Tin mới lên