Bất động sản

'Hài hòa lợi ích các bên để cùng nhau phát triển'

(VNF) - Nhân ngày doanh nhân Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Hồng Khang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long, chủ đầu tư Khu đô thị này.

'Hài hòa lợi ích các bên để cùng nhau phát triển'

Khu đô thị Nam Thăng Long.

Được cấp phép từ năm 1996 với tổng vốn đầu tư lên tới 2,1 tỷ USD, Khu đô thị Nam Thăng Long từng là dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Giờ đây, Khu đô thị Nam Thăng Long đã trở thành một trong những khu đô thị đồng bộ, hiện đại nhất của Hà Nội, mặc dù hai mươi năm qua cũng là giai đoạn đầy thăng trầm đối với dự án này.

- Xin ông cho biết đôi nét về công ty và dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, một trong những dự án đô thị hàng đầu tại Hà Nội hiện nay?

Ông Phạm Hồng Khang: Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long là liên doanh giữa Tập đoàn Ciputra và UDIC, trong đó đối tác Việt Nam góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chiếm 30% vốn đầu tư của liên doanh, đối tác nước ngoài góp 70% vốn đầu tư trong tổng số 300 triệu USD vốn pháp định. Theo giấy phép cũng như quy hoạch đã được duyệt, tại đây sẽ xây dựng 50 toà nhà cao tầng và 2.500 căn nhà ở thấp tầng (biệt thự) cùng các tổ hợp văn phòng, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và giải trí, bệnh viện, trường học cùng các dịch vụ giải trí, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, với quy mô dân cư khoảng 50.000 người ở.

Giai đoạn đầu sau khi được cấp phép, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, dự án trầm lắng một thời gian dài. Sau đó, khi kinh tế phục hồi, dự án đã có sự tăng trưởng tốt đặc biệt trong giai đoạn 2006-2007. Mặc dù có chững lại chút ít từ năm 2010 do thay đổi chính sách liên quan đến đất đai và thị trường bất động sản, dự án đã có bước phát triển ổn định trở lại trong những năm gần đây với doanh thu trung bình khoảng trên dưới 1.000 tỷ mỗi năm.

Kể từ khi thành lập, các bên trong liên doanh đều luôn nỗ lực để phát triển dự án và đã triển khai dự án một cách chắc chắn. Cho đến nay, công ty liên doanh chưa hề vay khoản tín dụng nào tại Việt Nam. Ðối tác nước ngoài đã và đang góp vốn đúng kế hoạch, và họ cũng đang sử dụng lợi nhuận hàng năm để tiếp tục góp vốn. Theo quy định, bao giờ hoàn tất việc góp đủ vốn theo quy định, đối tác sẽ được phép chuyển lợi nhuận về nước. Hiện nay, cả hai bên đã góp được khoảng 70% vốn pháp định.

Ông Phạm Hồng Khang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long

- Các ưu tiên chính của công ty trong giai đoạn sắp tới đối với dự án này là gì?

Tới đây thì chúng tôi chủ yếu tập trung hoàn thiện hạ tầng tổng thể cho dự án và phát triển mảng nhà ở thương mại. Trong tổng diện tích được cấp phép là 300ha, hiện vẫn còn khoảng 50ha chưa được giải phóng mặt bằng, đồng thời còn một số vị trí còn vướng mắc, tranh chấp chưa giải quyết được. Trên thực tế dự án chỉ mới sử dụng trên 200ha, do đó sẽ tập trung phát triển diện tích còn lại, từng bước hoàn thành dự án theo giấy phép đã được cấp.

Hiện nay, ngoài phần diện tích đã hoàn tất xây dựng, trong khu vực lõi của dự án chúng tôi sẽ xây dựng một công viên, trước đây là công viên thể thao nhưng sau này sẽ là công viên sân golf, cây xanh và hồ điều hòa rộng tới 70ha, chiếm khoảng ¼ diện tích dự án. Ngoài ra, 20ha đất khác đã và đang được bàn giao lại cho UBND thành phố Hà Nội để xây dựng nhà ở theo quy định, và một phần diện tích được dành cho sứ quán Mỹ theo thỏa thuận giữa hai nhà nước.

- Theo ông, điểm mạnh vượt trội của dự án này là gì và tại sao giới khách hàng cao cấp vẫn lựa chọn dự án này làm chốn "an cư"?

Ngoài các điều kiện tự nhiên như gần với trung tâm Hà Nội, gần Hồ Tây và có mạng lưới giao thông thuận lợi đã và đang được hoàn thiện, bản thân dự án có những giá trị riêng rất đáng chú ý. Chẳng hạn, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ quy hoạch, từ ban đầu ra sao thì bây giờ như vậy, tuyệt đối không "tiết kiệm" đất, đối với chung cư vẫn chỉ xây dựng khoảng 20 tầng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ có một tòa văn phòng cao 60 tầng, đối xứng với tòa nhà VietinBank Tower hiện đang được xây dựng.

Hiện tại, uy tín của chúng tôi trong quá trình triển khai dự án là một "điểm cộng". Mặc dù không thực hiện nhiều hoạt động marketing, truyền thông song cơ bản việc bán hàng thuận lợi. Hiện giá bán biệt thự là khoảng từ 4.500-5.000USD/m2 tùy diện tích, trong khi giá bán chung cư vào khoảng 2.000USD/m2. Chúng tôi vừa mở bán hai tòa chung cư theLINK L3 & L4 và đã bán được 70%, còn tòa thứ ba cũng đang chuẩn bị mở bán.Về cơ bản, chúng tôi được khách hàng đánh giá cao về chất lượng xây dựng, chất lượng dịch vụ cũng như các tiện ích sống. Hơn nữa, khách hàng họ nhìn vào các khu biệt thự và chung cư đã đi vào sử dụng lâu nay để quyết định mua nhà tại đây.

- Là một lãnh đạo người Việt trong liên doanh nhưng đã "trụ" được tới gần hai mươi năm trong công ty, ông có thể cho biết những cảm nhận của mình về công việc này?

Khi Luật đầu tư nước ngoài được ban hành và các liên doanh với nước ngoài được thành lập, tôi được điều động đi làm việc, ban đầu là cho Công ty liên doanh phát triển Nội Bài và từ năm 1997 là cho Công ty hiện nay. Hai mươi năm qua là quãng thời gian đầy ý nghĩa đối với tôi. Một mặt, tôi là cán bộ của thành phố được cử sang liên doanh, chịu trách nhiệm bảo vệ lợi ích của bên Việt Nam trong liên doanh. Mặt khác, tôi là một cán bộ lãnh đạo của liên doanh thì phải có trách nhiệm làm tốt nhất công việc của mình, cùng với đối tác thúc đẩy sự phát triển chung của công ty mà cụ thể là hoàn thành tốt nhất dự án này theo đúng giấy phép đầu tư.

Nhìn lại chặng đường này, tôi tự hào vì mình đã có những đóng góp cho công ty, cùng các đồng sự góp phần tạo ra một khu đô thị đẳng cấp quốc tế, đồng thời cũng là một trong những đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển đô thị cũng như trên thị trường bất động sản Hà Nội.

- Ðâu là bí quyết làm việc của ông trong hai thập kỷ làm việc cùng đối tác nước ngoài.Có bao giờ ông phải đối mặt với tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" với họ không?

Tôi từng làm việc cho hai công ty liên doanh nên có nhiều trải nghiệm thú vị trong lĩnh vực này. Ðiều tôi cảm nhận rõ nhất là trong hai thập kỷ qua, chúng ta đã học hỏi được rất nhiều từ các nhà đầu tư nước ngoài. Ðã là đối tác với nhau thì phải hợp tác chặt chẽ với nhau, hài hòa công việc vì sự phát triển và lợi ích chung, nếu cứng nhắc trong công việc thì cũng không hiệu quả.

Các nhà đầu tư nước ngoài có vốn và giàu kinh nghiệm kinh doanh, nhưng đến Việt Nam, họ đối mặt với tình trạng pháp lý không rõ ràng, thay đổi thường xuyên. Vai trò của những cán bộ như tôi là hài hòa, cân bằng các bên để đảm bảo hiệu quả công việc cao nhất. Giữa tôi và các lãnh đạo công ty bên nước ngoài cũng có những thời điểm căng thẳng, tuy nhiên nếu lúc đó mình "cương" quá thì cũng hỏng việc. Bản thân các lãnh đạo nước ngoài khi nghe phía mình giải thích thì họ cũng hiểu ra vấn đề và ngồi lại để cùng nhau giải quyết khó khăn vướng mắc.

- Là một doanh nhân, nhà quản lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ông có kiến nghị gì với các cơ quan quản lý trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để có thể thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là doanh nhân. Chính xác ra thì tôi là nhà quản lý thôi. Nhiều bạn trẻ tôi biết chỉ mới ngoài 30, họ mở nhà máy, công ty riêng, tự điều hành hoạt động, họ làm chủ và đó mới thực sự là doanh nhân.

Thời gian gần đây, các điều kiện đối với thị trường bất động sản trở nên chặt hơn. Chúng tôi mất nhiều thời gian hơn cho việc hoàn tất các thủ tục, cho dù chúng tôi cũng hiểu rằng các quy định pháp lý càng chặt chẽ thì thị trường càng trở nên lành mạnh. Tuy nhiên, giảm thiểu các thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vẫn là điều mà chúng tôi cũng như các doanh nghiệp khác luôn mong mỏi. Tôi vẫn thấy thị trường bất động sản vẫn còn nhiều cơ hội phát triển. Tâm lý sở hữu nhà thay vì đi thuê của người Việt là rất rõ nét và điều này sẽ là động lực giúp cho thị trường phát triển. Ðây là cơ hội tốt cho các nhà phát triển bất động sản nói riêng cũng như cho thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên