Bất động sản

Hẩm hiu số phận 'vua đất vàng' Hanel

Ban lãnh đạo Hanel nhìn nhận vốn Nhà nước còn rất lớn đang kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp này.

Hẩm hiu số phận 'vua đất vàng' Hanel

Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hanel sau cổ phần hoá là 1.926 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước giảm về 29%.

Trắc trở tìm cổ đông chiến lược

Đầu năm 2016, thị trường chứng khoán xôn xao với thương vụ cổ phần hoá Công ty TNHH Hanel - một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Hà Nội.

Không chỉ có thế mạnh trong lĩnh vực truyền thống công nghệ thông tin, sản xuất thiết bị điện tử, Hanel còn được đánh giá cao khi sở hữu quỹ đất vàng hàng trăm hecta ở Hà Nội.

Quá trình cổ phần hoá Hanel đã được UBND TP. Hà Nội khởi động và chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2014.

Theo phương án được phê duyệt, vốn điều lệ của Hanel sau cổ phần hoá là 1.926 tỷ đồng, tỷ lệ vốn Nhà nước giảm về 29%, bán cho cổ đông chiến lược 61%, bán cho người lao động 0,06% và đấu giá ra công chúng 9,94%.

Hai nhà đầu tư chiến lược được phê duyệt là Công ty cổ phần Công nghệ Tiến Việt, mua 36% và Công ty Sebrina Holdings của Singapore mua 25%.

Ngày 20/4/2016, 19,1 triệu cổ phần (9,94% vốn) của Hanel đã được bán đấu giá lần đầu ra công chúng (IPO) với giá khởi điểm đúng bằng mệnh giá: 10.000 đồng. Những tưởng mức giá khá thấp cùng tiềm năng lớn sẽ biến Hanel thành hàng 'hot' trong phiên IPO.

Tuy nhiên phiên đấu giá đã diễn ra không thành công khi chỉ 3,9 triệu cổ phần, tương đương 20,4% lượng chào bán được mua với giá bình quân 10.004 đồng/ CP.

Suốt thời gian dài sau phiên IPO, hàng chục nhà đầu tư sở hữu cổ phần Hanel như ngồi trên lửa, bởi Hanel không có bất cứ động tĩnh nào như cam kết trước đó, không tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) lần đầu, không đăng ký giao dịch trên sàn UpCOM dù đã là công ty đại chúng quy mô lớn.

Nhiều cổ đông lo lắng việc chậm lên sàn sẽ khiến họ không thể chuyển nhượng được cổ phần, và đặt ra nghi ngại Hanel chưa bán được cổ phần cho đối tác chiến lược.

Những câu hỏi này phần nào được giải đáp trong Đại hội đồng cổ đông lần đầu diễn ra vào ngày 23/6/2017.

Trong cuộc họp, lãnh đạo Hanel thừa nhận đến thời điểm đó vẫn chưa bán được cổ phần cho đối tác chiến lược. Cụ thể, Công ty Tiến Việt không kịp thu xếp nguồn tiền để đặt cọc và thanh toán nên đã rút, không tham gia nữa.

Trong khi đó, Sebrina Holdings đề xuất Hà Nội mua toàn bộ cổ phần sở hữu Nhà nước để nắm quyền chi phối và xin gia hạn đến ngày 15/4/2017. Tuy nhiên do không thể kéo dài quá thời hạn quy định của pháp luật nên UBND TP. Hà Nột quyết định điều chỉnh cơ cấu vốn để tiến hành họp ĐHĐCĐ lần đầu. Sebrina Holdings đã báo cáo UBND TP. Hà Nội có nguyện vọng tiếp tục theo đuổi quá trình thoái vốn Nhà nước tại Hanel.

Theo ghi nhận của Nhadautu.vn, cho tới đầu năm 2018, vẫn chưa có động thái đáng chú ý nào trong việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược của Hanel.

Kinh doanh èo uột, chuyển hướng bất động sản

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ lần đầu ngày 23/6/2017, ban lãnh đạo Hanel nhìn nhận việc Nhà nước nắm giữ tới 98% cổ phần khiến công ty rất khó tăng trưởng, tối đa chỉ được 5-10%. Việc chia cổ tức không thể cao nếu không chuyển sang tư nhân để tạo đột phá và thu hút nguồn vốn kinh doanh.

Năm 2016, doanh thu của Hanel ước đạt 800 tỷ đồng, lãi sau thuế 52,48 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ (ROE) ở mức 2,3%. Năm 2017, Hanel đặt kế hoạch doanh thu 824 tỷ đồng, lãi 54 tỷ đồng. Đây là những chỉ tiêu mà cổ đông của Hanel khó có thể hài lòng.

Trong lúc này, Hanel bắt đầu tính tới việc chuyển quỹ đất rộng lớn của mình thành 'vàng ròng'.

Cuối năm 2017, HĐQT Hanel có nghị quyết thông qua tiếp tục triển khai Dự án Toà tháp thương mại điện tử và văn phòng Hanel tại Lô 02-E9 đường Phạm Hùng, Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội.

Diện tích lô đất là 4.188 m2, diện tích xây dựng 1.674,88 m2, diện tích sàn xây dựng 91.777,09 m2. Quy mô xây dựng 45 tầng nổi và 4 tầng hầm.

Tổng mức đầu tư của Dự án là 1.535 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu của Hanel chiếm 20%, tương đương 307 tỷ đồng, vốn vay 130,93 tỷ đồng (8,53%), toàn bộ 71,47% vốn còn lại, tương ứng 1.097 tỷ đồng sẽ do Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam chi trả. Đổi lại, Tập đoàn Alphanam được thuê 65% tổng diện tích của Dự án trong 45 năm.

Đây không phải thương vụ hợp tác đầu tiên giữa Hanel và Tập đoàn Alphanam của tỷ phú Nguyễn Tuấn Hải. Hai pháp nhân này đang hoàn tất các thủ tục để hợp tác triển khai Dự án Khu đô thị Hanel - Alphanam quy mô 53,5 ha, tổng vốn đầu tư 2.438 tỷ đồng tại Phúc Đồng, Long Biên, Hà Nội. Hai bên sẽ thành lập liên doanh phát triển Dự án, trong đó Hanel góp 20% bằng tiền Alphanam cho vay.

Ngoài ra, Hanel đang hợp tác với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng HUD3 (Mã CK: HU3) thực hiện Dự án HUD3 Nguyễn Đức Cảnh tại Hoàng Mai, Hà Nội.

Tháng 5/2016, Hanel cùng Công ty TNHH Tháp Láng Hạ (chủ đầu tư tháp VPBank) đã khởi công Dự án Cảng thông quan nội địa TP. Hà Nội có quy mô 47,2 ha, vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng tại Cổ Bi, Long Biên.

Hanel cũng là nhà đầu tư Khu công nghiệp Sài Đồng 24,2 ha, Dự án Khu công viên công nghệ phần mềm Hà Nội diện tích 43ha, tổng vốn đầu tư 620 triệu USD, Dự án Khu đô thị Khoa học, Công nghệ, Tài chính Tân Tạo 270 ha tại huyện Gia Lâm. 'Mô-típ' chung của các dự án trên là Hanel góp đất, đối tác góp tiền.

Với quỹ đất có 1-0-2 tại Hà Nội, Hanel sở hữu tiềm năng không hề nhỏ. Và để đánh thức được khối 'vàng ròng' khổng lồ, đối tác chiến lược của Hanel phải là cái tên có đủ tiềm lực cũng như kinh nghiệm, không chỉ trong lĩnh vực điện tử truyền thống, mà còn ở mảng bất động sản.

Đó có chăng là nguyên nhân lý giải tại sao tới nay UBND TP. Hà Nội vẫn chưa chọn được 'gương mặt' xứng đáng để gửi 'vàng' Hanel.

Tin mới lên