Tài chính tiêu dùng

'Hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp giải ngân vốn'

(VNF) - Để hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm đã có quy định điều cấm về “Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm".

'Hạn chế tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp giải ngân vốn'

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV chiều 27/5, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy đây là dự án luật có chuyên môn sâu, phức tạp, tác động đến nhiều đối tượng. Do đó, việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng; xem xét, đánh giá các chính sách một cách toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; bảo đảm hài hòa quyền, trách nhiệm giữa doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và bên mua bảo hiểm; thuận lợi trong quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát triển bền vững thị trường kinh doanh bảo hiểm.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết nhiều ý kiến đề nghị xem xét, thắt chặt việc cấp phép hoạt động cho các tư vấn viên bảo hiểm của các công ty bảo hiểm; cân nhắc quy định về việc giao Bộ Tài chính tổ chức thi, cấp, công nhận chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ phụ trợ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm do chưa phù hợp với yêu cầu xã hội hóa ngày càng cao hiện nay, đặc biệt đối với lĩnh vực đào tạo.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự thảo luật đã mở theo hướng xã hội hóa việc đào tạo và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp bảo hiểm, cơ sở đào tạo khác trong việc đào tạo kiến thức cơ bản và cập nhật kiến thức về sản phẩm bảo hiểm cho đại lý bảo hiểm.

Tuy nhiên, do kinh doanh bảo hiểm là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, để bảo đảm chất lượng đầu ra của nguồn nhân lực, cần thiết phải có sự kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm tương tự như quy định đối với lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán.

Ngoài ra, dự thảo luật đã có quy định tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm có trách nhiệm ban hành bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng thống nhất nhằm quản lý, kiểm soát chất lượng, đạo đức hành nghề của đại lý bảo hiểm.

Một số ý kiến cũng cho rằng cần có quy định chặt chẽ hơn đối với đại lý bảo hiểm là tổ chức tín dụng, tránh tình trạng ép khách hàng mua bảo hiểm kết hợp với giải ngân vốn vay, hay đánh tráo khái niệm “gửi tiết kiệm” và “tham gia bảo hiểm”.

Để hạn chế tình trạng này và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bên mua bảo hiểm, dự thảo luật đã có quy định điều cấm về "Đe dọa, ép buộc giao kết hợp đồng bảo hiểm", quy định về những hành vi đại lý bảo hiểm không được làm.

Đại biểu Đinh Văn Thê (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai) tại phiên thảo luận cũng đề nghị bổ sung thêm hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đó là làm phiền, quấy nhiễu khách hàng dưới mọi hình thức, yêu cầu các đơn vị kinh doanh bảo hiểm tuân thủ các quy định về pháp luật thông tin và truyền thông vào Điều 9, quy định những hành vi cấm.

Cũng về Điều 9, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cũng đề nghị chỉnh sửa điểm c khoản 4 Điều 9 theo hướng cấm các hành vi cố tình từ chối hoặc chây ì bồi thường trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra mà không có lý do hợp pháp.

Về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến đề nghị không nên tiếp tục trích quỹ này, ngoài ra cũng có ý kiến rằng nên có quy định về trích lập Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm nhưng cần đánh giá nguồn hình thành quỹ.

Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng tình với phương án bỏ quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm và sửa đổi Điều 154 về điều khoản chuyển tiếp, giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý và sử dụng số dư quỹ.

Tuy nhiên, cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ đề xuất rõ phương án xử lý số dư của quỹ.

Tin mới lên