Tài chính quốc tế

Hàn Quốc ‘sờ gáy’ ông lớn ngân hàng, Trung Quốc 'đuổi khéo' dân đào Bitcoin

(VNF) – Hàn Quốc và Trung Quốc gần đây liên tục có những chính sách "ngặt nghèo" tác động tới giới đầu tư tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin. Điều này gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của các đồng tiền ảo trong tương lai.

Hàn Quốc ‘sờ gáy’ ông lớn ngân hàng, Trung Quốc 'đuổi khéo' dân đào Bitcoin

Giá Bitcoin tại Hàn Quốc hiện vẫn đang chênh cao hơn khoảng 30% so với giá trên thị trường quốc tế.

Hàn Quốc thanh tra 6 ngân hàng lớn liên quan đến tiền ảo

Theo hãng tin Yonhap, Cơ quan Dịch vụ Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) sẽ tiến hành điều tra sáu ngân hàng cung cấp tài khoản tiền ảo trong bối cảnh lo ngại về sự gia tăng tội phạm. Các ngân hàng này bao gồm Woori, Kookmin, Shinhan, NongHyup, Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Theo đó, cuộc điều tra diễn ra trong 4 ngày từ 8/1 đến 11/1. Động thái này nằm trong chuỗi biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi đầu cơ và rửa tiền, đồng thời gây áp lực lên thị trường tiền số đang bùng nổ.

FSS cho hay, tính đến tháng 12/2017, có tới 111 tài khoản liên quan đến giao dịch tiền ảo với lượng tiền gửi ước tính khoảng 2.000 tỷ won (tương đương 1,8 tỷ USD).

Chính phủ Hàn Quốc tìm cách đóng cửa các sàn tiền ảo có lỗ hổng trong hệ thống.

Giới chức Hàn Quốc sẽ điều tra xem 6 ngân hàng này có thực hiện các nghĩa vụ ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong quản lý các tài khoản ảo hay không. Đồng thời, chính phủ nước này cũng đang tìm cách cắt đứt nguồn vốn đổ vào các sàn tiền ảo và đóng cửa các sàn có lỗ hổng trong hệ thống.

Chính phủ nước này cho biết sẽ yêu cầu các nhà đầu tư cung cấp tên tuổi thật trong các giao dịch tiền ảo, đồng thời cấm các ngân hàng cung cấp tài khoản cho các sàn giao dịch tiền ảo. Đây là động thái nhằm hạn chế cơn sốt đầu cơ tiền ảo.

Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Hàn Quốc sẽ rà soát các biện pháp như đóng các sàn tiền ảo theo đề xuất của Bộ Tư pháp và thực thi các biện pháp phù hợp để giám sát xu hướng đầu cơ.

Theo cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc, mặc dù không được công nhận có chức năng thanh toán, nhưng tiền ảo đang bị lợi dụng cho các mục đích phi pháp như rửa tiền, gian lận trong hoạt động đầu tư.

Giá Bitcoin tại Hàn Quốc hiện vẫn đang chênh cao hơn khoảng 30% so với giá trên thị trường quốc tế, cho thấy sự ám ảnh đối với đồng tiền ảo ở quốc gia này.

Trung Quốc không còn là mảnh đất màu mỡ cho dân "đào" Bitcoin

Các nhà chức trách tại Trung Quốc mới đây đã đưa ra đề xuất nhằm ngăn cản việc khai thác đồng Bitcoin, hay còn gọi là "đào" Bitcoin, tên gọi của quá trình xử lý thuật toán để tạo ra một đồng tiền ảo.

Cụ thể hơn, Trung Quốc dự định sẽ đưa ra các bộ luật để hạn chế việc sử dụng và tiêu thụ điện trong quá trình "đào" Bitcoin, đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương hướng dẫn các "thợ mỏ" để chuyển sang một ngành nghề kinh doanh khác.

Trung Quốc đưa ra nhiều bộ luật để siết chặt quá trình xử lý tiền ảo.

Được biết gần đây, đã có rất nhiều "thợ mỏ" từ khắp nơi trên thế giới đổ về Trung Quốc để đào Bitcoin do giá điện rẻ, chi phí mua linh kiện máy tính từ các nguồn nội địa và giá nhân công thấp. Điều này đem lại rất nhiều hệ lụy cho người dân cũng như chính quyền Trung Quốc.

Trước những chính sách "ngặt ngèo" của Trung Quốc, hàng loạt công ty đào tiền ảo đã tìm cách "tháo chạy" khỏi nước này để tìm bến đỗ mới.

Bitman, hiện điều hành hai cơ sở đào bitcoin lớn nhất Trung Quốc, đã phải chuyển trụ sở tới Singapore, đồng thời tăng cường hoạt động đào tiền ảo tại Mỹ và Canada.

BTC.Top, công ty đào tiền ảo lớn thứ ba Trung Quốc, cũng khai trương cơ sở mới tại Canada, trong khi ViaBTC - công ty lớn thứ 4 đã chuyển hoạt động sang Iceland và Mỹ.

Digiconomist ghi nhận vào ngày 27/11/2017, lượng điện để đào Bitcoin trên toàn thế giới đã tăng lên 30,23 TWh/năm, tương đương 0,13% tổng lượng điện tiêu thụ toàn cầu.

Theo một báo cáo của Power Compare - tổ chức chuyên nghiên cứu về điện tiêu thụ có trụ sở tại Anh, thì tổng lượng điện năng cần thiết để "đào" bitcoin, cũng như duy trì quá trình xử lý thuật toán và các giao dịch trên khối blockchain thậm chí đã nhiều hơn tới 159 quốc gia riêng lẻ, trong đó bao gồm hơn 20 nước tại châu Âu.

Đây cũng là một trong những lý do mà chính phủ tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa chấp nhận việc quản lý, cung ứng cho Bitcoin và thậm chí đưa ra những bộ luật để siết chặt quá trình xử lý tiền ảo, giống như Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện.

>> Nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới không chấp nhận Bitcoin là tiền tệ hợp pháp

Tin mới lên