Thị trường

Hàng giả luôn tồn tại trên thị trường: Do yêu cầu vô lý của Hải quan?

(VNF) – Để chứng minh hàng giả, Hải quan yêu cầu chủ thương hiệu thật phải cung cấp… bản sao hàng giả để đối chiếu. Theo EuroCham, đây là yêu cầu không thể thực hiện được.

Hàng giả luôn tồn tại trên thị trường: Do yêu cầu vô lý của Hải quan?

Hàng giả luôn tồn tại trên thị trường: Do yêu cầu vô lý của Hải quan?

Tiểu ban Mỹ phẩm của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) mới đây đã có phân tích chỉ ra điểm bất hợp lý trong vấn đề bảo đảm sở hữu trí tuệ đối với các thương hiệu nhập khẩu tại Việt Nam.

Theo EuroCham, trong thực tiễn, trường hợp cơ quan Hải quan phát hiện một lô hàng nghi ngờ có các sản phẩm giả, họ sẽ yêu cầu chủ sở hữu thương hiệu cung cấp một phiên bản giống hệt của sản phẩm giả để chứng minh rằng các sản phẩm này là giả (theo Điều 6.1 của Thông tư 13/2015/TT-BTC16).

EuroCham khẳng định “yêu cầu này là không thể thực hiện được bởi vì chủ sở hữu thương hiệu không sản xuất các sản phẩm giả, do đó không thể có bản sao giống hệt theo yêu cầu của cơ quan Hải quan”.

Kết quả là Cục điều tra chống buôn lậu thường xuyên trả các lô hàng giả này ra lại thị trường do không có được bản sao giống hệt hang giả từ chủ sở hữu và điều này dẫn đến thực tế là các sản phẩm giả mạo luôn có mặt trên thị trường Việt Nam.

EuroCham cho rằng yêu cầu chủ sở hữu thương hiệu cung cấp phiên bản giống hệt của sản phẩm giả là một rào cản trong chiến đấu chống hàng giả.

“Chúng tôi yêu cầu hướng dẫn chi tiết từ Chính phủ để giải quyết vấn đề liên quan đến cung cấp phiên bản giống hệt của sản phẩm giả. Chúng tôi đề xuất cơ quan Chính phủ cho phép chủ sở hữu thương hiệu không bắt buộc phải cung cấp phiên bản giống hệt của sản phẩm giả mạo, nhưng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến việc cấp xác nhận các sản phẩm giả mạo trong những trường hợp nghi ngờ”, hiệp hội này đề xuất.

Liên quan đến mặt hàng mỹ phẩm, EuroCham cho hay giữa Luật Quảng cáo và Nghị định 181/2013 đang tồn tại mâu thuẫn. Cụ thể, Luật Quảng cáo không yêu cầu nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền, nhưng Nghị định 181 lại yêu cầu ngược lại.

Điều này không chỉ tạo ra sự bất nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật mà, theo EuroCham, còn gây nên gánh nặng về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Điều đáng chú ý là cùng chịu sự quản lý của một Bộ nhưng quảng cáo thực phẩm lại thường không cần phê duyệt nội dung trước khi quảng cáo. Trong khi đó, mỹ phẩm là mặt hàng có nguy cơ thấp, không tác động tới bên trong cơ thể người như thực phẩm hay thuốc lại buộc phải xác nhận trước nội dung.

“Nhiều quốc gia phát triển cũng như các quốc gia trong khu vực Asean không yêu cầu phê duyệt nội dung quảng cáo mỹ phẩm. Mỹ phẩm thuộc nhóm hàng tiêu dùng nhanh đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn thay đổi, cập nhật các xu hướng mới để cạnh tranh trên thị trường và để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng tốt hơn.

“Quá trình phê duyệt trước có thể khiến Việt Nam đi sau các nước khác trong việc cập nhật các sản phẩm mới, công nghệ mới, làm giảm tính cạnh tranh trong kinh doanh”, EuroCham nêu quan điểm.

Hiệp hội này đề xuất Chính phủ bãi bỏ yêu cầu phê duyệt nội dung quảng cáo mỹ phẩm nhằm đảm bảo tính nhất quán trong hệ thống pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc bãi bỏ này cũng được cho là hoàn toàn phù hợp với nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc giảm gánh nặng thủ tục hành chính không cần thiết để khuyến khích tăng trưởng kinh doanh.

Một đề xuất đáng chú ý khác của EuroCham đối với mặt hàng mỹ phẩm là hiệp hội này đề xuất bĩ bỏ giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) trong hồ sơ công bố mỹ phẩm nhập khẩu.

Theo EuroCham, CFS là giấy chứng nhận do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc nước sản xuất cấp để chứng nhận mỹ phẩm đó có thể được bán tại nước sở tại. Giấy chứng nhận này không chứng nhận về chất lượng cũng như sự an toàn của sản phẩm.

Sản phẩm có CFS, trong nhiều trường hợp, không thực sự được lưu hành tại quốc gia cấp CFS. Vì vậy, trong thực tế CFS không đảm bảo chất lượng của sản phẩm và không hỗ trợ trong việc quản lý mỹ phẩm mà đơn thuần chỉ là một thủ tục hành chính bổ sung không cần thiết.

Tin mới lên