Thị trường

Hàng hóa Việt Nam liên tục 'dính đòn' phòng vệ thương mại: Cứ 8 ngày lại bị 1 vụ

(VNF) - Chỉ trong 9 tháng năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra 32 vụ việc phòng vệ thương mại, trung bình 8 ngày 1 vụ việc.

Hàng hóa Việt Nam liên tục 'dính đòn' phòng vệ thương mại: Cứ 8 ngày lại bị 1 vụ

Hàng hóa Việt Nam liên tục 'dính đòn' phòng vệ thương mại: Cứ 8 ngày lại bị 1 vụ

Theo thống kê của WTO, các biện pháp phòng vệ thương mại đang tác động tới khoảng 1.500 tỷ USD kim ngạch thương mại toàn cầu. Đối với Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng thì các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của ta cũng tăng cả về số lượng và quy mô.

Tính đến hết tháng 9 năm 2020, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị điều tra gần 200 vụ việc phòng vệ thương mại với kim ngạch bị ảnh hưởng lên đến 12 tỷ USD.

Đáng lưu ý, số lượng và kim ngạch các vụ việc đang tăng nhanh trong thời gian qua. Nếu như cả năm 2019 chỉ ghi nhận 16 vụ việc khởi xướng mới thì trong 9 tháng đầu năm 2020 số lượng vụ việc tăng gấp đôi (32 vụ việc).

Đa số hàng hóa bị điều tra phòng vệ thương mại là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế sản xuất như kim loại (nhôm, thép dẹt, thép ống), sợi, thủy sản (tôm, cá), gỗ dán, vật liệu xây dựng (gạch, kính, thiết bị vệ sinh), hóa chất...

Các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Úc. Tổng số vụ việc các nước này điều tra đã chiếm tới 62% các vụ việc phòng vệ thương mại với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, gần đây các nước ASEAN cũng rất tích cực điều tra phòng vệ thương mại với 38 vụ việc (chiếm tỷ lệ 20%).

Theo Bộ Công Thương, dù đối diện liên tiếp với các biện pháp phòng vệ thương mại, song công tác kháng kiện của Việt Nam vẫn thu được kết quả tích cực.

Cụ thể, Việt Nam đã kháng kiện thành công (không áp thuế, chấm dứt áp dụng biện pháp) đối với 65/151 vụ việc đã kết thúc điều tra, chiếm tỷ lệ khoảng 43%.

Nhiều mặt hàng như thủy sản, sắt thép, gỗ, mặc dù bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ bị áp mức thuế 0% hoặc rất thấp, giúp duy trì và tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada...

Để ứng phó tốt hơn trong tình hình mới, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp  cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường, tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần coi phòng vệ thương mại là một phần trong chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu, của mình; trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại; chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ; không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; tham gia hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình xử lý vụ việc...

Tin mới lên