Tiêu điểm

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bị các Bộ ngành ‘đánh dấu bản sắc’

(VNF) – Theo VCCI, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý của 3 Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ đều mang "dấu ấn" của các cơ quan này.

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bị các Bộ ngành ‘đánh dấu bản sắc’

Các Bộ ngành vẫn ghi "dấu ấn" của mình vào các điều kiện kinh doanh (ảnh minh họa)

3 đặc điểm của điều kiện kinh doanh do các Bộ soạn thảo

Qua khảo sát 14 ngành nghề với 402 điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của 3 Bộ nêu trên, VCCI nhận thấy có 3 đặc điểm nổi bật:

Một là điều kiện kinh doanh có tính chất áp đặt quy mô doanh nghiêp. Có thể thấy đặc điểm này ở 8/14 ngành nghề, tập trung chủ yếu tại Bộ Công Thương và Bộ Giao thông vận tải.

Các điều kiện kinh doanh này thường thể hiện ở các hình thức: yêu cầu chủ thể kinh doanh phải có tối thiểu cơ sở vật chất nào đó (ví dụ đơn vị vận tải taxi phải có tối thiểu 50 xe, thương nhân xuất nhập khẩu LPG phải có tổng kho dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000 m3, thương nhân phân phối rượu phải có kho hàng tối thiểu 300m2…)

Hoặc yêu cầu tổ chức bộ máy phải có bộ phận nhất định (ví dụ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đại lý tàu biển, vận tải biển, lai dắt tàu biển phải có người phụ trách chuyên về pháp chế, khai thác kinh doanh).

Một biểu hiện khác là yêu cầu thương nhân phải có số vốn tối thiểu (ví dụ thương nhân kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh phải có số tiền kí quỹ là 10 tỷ đồng nộp tại một cơ sở tín dụng; hay thương nhân phân phối rượu phải có vốn tối thiểu 300 triệu đồng).

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bị các Bộ ngành ‘đánh dấu bản sắc’ ảnh 1

Nhiều điều kiện kinh doanh vẫn áp đặt và can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp

Đặc điểm thứ 2 là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp.

Pháp luật về doanh nghiệp quy định quyền tự chủ của doanh nghiệp trong việc lựa chọn hình thức kinh doanh, thuê và sử dụng lao động. Tuy nhiên, các quyền này dường như bị can thiệp quá mức và bất hợp lý tại một số điều kiện kinh doanh.

Có thể kể đến như yêu cầu phải tổ chức kinh doanh theo một phương thức cứng nhắc (kinh doanh vận tải hành khách được chia thành vận tải theo tuyến cố định, bằng taxi, xe buýt, xe hợp đồng; kinh doanh LPG phải tổ chức theo hệ thống phân phối từ tổng đại lý, đại lý, cửa hàng bán LPC chai…)

Hay yêu cầu liên quan đến quản lý nội bộ, tự chủ kinh doanh (phương án kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng ô tô phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải có bộ phận pháp chế và kinh doanh).

Đặc điểm thứ 3 là điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp vào thị trường bằng các mệnh lệnh hành chính.

Biểu hiện điển hình của đặc điểm này là các điều kiện kinh doanh hướng tới chất lượng dịch vụ, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp – những vấn đề vốn dĩ do thị trường điều chỉnh.

Theo VCCI, đôi khi các nhà làm luật (chỉ các Bộ ngành) "đang có sự nhầm lẫn khi xác định mục tiêu ban hành các điều kiện kinh doanh. Họ quan tâm quá nhiều đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp khi xây dựng một điều kiện kinh doanh nào đó".

Ví dụ đối với vận tải biển, các doanh nghiệp bắt buộc phải có bộ phận pháp chế với lý do sẽ giúp doanh nghiệp vận dụng, chấp hành pháp luật tốt hơn, bảo vệ được quyền lợi khi xảy ra tranh chấp. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không cần thiết, bởi tự bản thân doanh nghiệp sẽ phải tự nhận thức việc này – xuất phát từ lợi ích của chính doanh nghiệp.

"Dấu ấn" các Bộ trong điều kiện kinh doanh

Một điểm khá thú vị được VCCI chỉ ra đó là trong 14 ngành nghề kinh doanh có điều kiện do 3 Bộ quản lý thì điều kiện do mỗi Bộ "thiết kế" đều có những dấu ấn riêng.

Cụ thể, 5 ngành nghề đang quản lý, Bộ Khoa học và Công nghệ có xu hướng yêu cầu về kinh nghiệm của các nhân sự (4/6 ngành nghề có yêu cầu này).

Theo VCCI, yêu cầu này là hợp lý, bởi đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ mà doanh nghiêp cung cấp. Tuy nhiên, bên cạnh yêu cầu về chuyên môn, bằng cấp thì các điều kiện lại hướng đến kinh  nghiệm làm việc.

"Trong nhiều trường hợp, kinh nghiệm làm việc không phản ánh trình độ của một cá nhân nào đó. Điều kiện về nhân lực đang được thiết kế với đầy đủ bằng cấp chuyên môn, thậm chí còn phải trải qua kì sát hạch cấp chứng chỉ - điều này chứng tỏ các cá nhân đó đã đủ trình độ. Việc yêu cầu kinh nghiệm chỉ làm gia tăng thêm khó khăn cho những đối tượng có trình độ nhưng thiếu số năm kinh nghiệm, đồng thời cản trở cho nhiều chủ thể muốn khởi nghiệp", VCCI nhận xét.

Hàng loạt điều kiện kinh doanh bị các Bộ ngành ‘đánh dấu bản sắc’ ảnh 1

Các Bộ ghi "dấu ấn" vào các điều kiện kinh doanh (nguồn ảnh: báo Nhân Dân) 

Đối với các ngành nghề do Bộ Công Thương quản lý, "dấu ấn" của Bộ thể hiện ở yêu cầu về quy mô doanh nghiệp, chủ yếu ở các yêu cầu phải đáp ứng một cơ sở vật chất nào đó, với diện tích/dung tích tối thiểu, hoặc vốn tối thiểu.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu doanh nghiệp đi theo hình thức kinh doanh "xơ cứng". Cụ thể, Bộ chia hoạt động phân phối thành: hoạt động phân phối, hoạt động bán buôn, hoạt động bán lẻ/hoạt động nhập khẩu, hoạt động phân phối, tổng đại lý, đại lý (có thể thấy rất rõ trong kinh doanh khí, kinh doanh rượu, kinh doanh thuốc lá).

Các điều kiện kinh doanh ở mỗi hình thức phân phối này lại được thiết kế theo hướng phụ thuộc lẫn nhau. Chẳng hạn cửa hàng bán LPG chai thuộc sở hữu của thương nhân là đại lý hoặc tổng đại lý, hoặc thương nhân kinh doanh LPG đầu mối. Như vậy sẽ không còn chỗ cho cửa hàng bán LPG chai tự do.

Hay hệ thống kinh doanh rượu được phân cấp theo: nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ. Tương ứng với mỗi hình thức phân phối là các quyền mua bán rượu bị giới hạn. Theo đó, thương nhân bán lẻ rượu chỉ được mua rượu từ thương nhân bán buôn (không được mua từ thương nhân bán lẻ hoặc thương nhân phân phối), thương nhân bán buôn không được mua của thương nhân nhập khẩu rượu trực tiếp tại nước ngoài; thương nhân phân phối rượu không được bán rượu cho các thương nhân ngoài hệ thống.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, xu hướng của Bộ lại là quy định các ngành nghề để hướng tới mục tiêu đảm bảo hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.  Ví dụ như các điều kiện về trình độ chuyên môn của các nhân viên phục vụ. yêu cầu về tổ chức bộ máy phải có bộ phận pháp chế và kinh doanh, yêu cầu đăng ký chất lượng dịch vụ.

VCCI kiến nghị, đối với 5 ngành nghề - tương ứng 195 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương cần bỏ 56 điều kiện, sửa đổi 4 điều kiện; đối với 4 ngành nghề - tương ứng với 116 điều kiện kinh doanh của Bộ Giao thông vận tải, đề xuất bỏ 27 điều kiện, sửa đổi 4 điều kiện; đối với 5 ngành nghề - tương ứng 91 điều kiện kinh doanh của Bộ Khoa học công nghệ, đề xuất bỏ 12 điều kiện, sửa đổi 5 điều kiện.

Tin mới lên