Tiêu điểm

Hàng loạt ‘ông lớn’bị Kiểm toán Nhà nước ‘vạch áo’ sai phạm

(VNF) – Phản ánh không đúng thu chi, quản lý nợ và tài sản yếu kém, đầu tư vào bất động sản gây lãng phí… là một loạt những sai sót của các tập đoàn, tổng công ty được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán 2015.

Hàng loạt ‘ông lớn’bị Kiểm toán Nhà nước ‘vạch áo’ sai phạm

Mobifone là một trong những doanh nghiệp quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn, ước tính hơn 300 tỷ đồng. Ngoài ra, còn nhiều sai sót khác.

Quản lý nợ, tài sản yếu kém

Trong năm 2015, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2014 tại 234 doanh nghiệp, thuộc 38 tập đoàn, tổng công ty và công ty.

Qua công tác, KTNN phát hiện nhiều hạn chế, yếu kém về quản lý nợ, quản lý tài sản của các tập đoàn, tổng công ty.

Kết quả cho thấy nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Điển hình như MobiFone có 327 tỷ nợ phải thu, Vinataba có 100 tỷ, COMA có 76 tỷ, EVN có 154 tỷ, PVN có 314 tỷ…

Một số đơn vị xóa nợ khi chưa đủ điều kiện (CCI, IDICO), trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi không đúng quy định (Vinaconex, PVN, Hapro…), chưa ban hành quy chế quản lý các khoản nợ phải thu (Tổng công ty Mía đường II, Vinaconex, Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn…), nợ tạm ứng tồn đọng nhiều năm với số tiền lớn chưa được thu hồi (TCT 15, IDICO, TCT Đường sông Miền nam…).

Quá trình của KTNN cũng chỉ một số doanh nghiệp sử dụng tài sản sau đầu tư không hiệu quả, gây lãng phí vốn hoặc thua lỗ; đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Chẳng hạn như Vinalines có 51/63 đơn vị thua lỗ hoặc hiệu quả thấp; COMA có 6/10 công ty con thua lỗ, PVN mất 800 tỷ đồng khi đầu tư vào Oceanbank…

Một số tập đoàn, tổng công ty khác vẫn góp vốn đầu tư vào các đơn vị có tình trạng tài chính xấu, thua lỗ, giải thể; cho vay không đúng chức năng, nhiệm vụ hoặc một số khoản cho vay, bảo lãnh tiềm ẩn nguy cơ khó đòi, mất vốn.

Đặc biệt, KTNN cảnh báo hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện nay chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng, dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, có khi lên tới hàng trăm lần như Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (thuộc Vinalines) có hệ số 153,92 lần.

Đáng lo ngại hơn, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty phản ánh không đúng doanh thu, chi phí. Mobifone chưa thực hiện đầy đủ các quy định về khuyến mãi, về xác định và báo cáo giá thành, giá cước dịch vụ viễn thông; TCT Dầu Việt Nam – Công ty TNHH MTV thuộc PVN kinh doanh xăng dầu chưa đúng quy định…

Hàng nghìn hecta đất dùng không hiệu quả

Bên cạnh quản lý nợ, tài sản, báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra, hầu hết các tập đoàn, tổng Công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ như Vinalines, Habeco, ACV, IDOCO, CC1…

Một số tập đoàn, tổng công ty có một số dự án phải tạm dừng triển khai gây lãng phí vốn đầu tư như Vinalines (1 dự án), ACV(1 dự án), IDICO (2 dự án), PVN (4 dự án), Vinataba (1 dự án), Vinaincon (3 dự án).

Một số tập đoàn, tổng công ty ôm hàng trăm hecta nhưng chưa sửa dụng hết diện tích đất đang quản lý hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích; bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý.

Đặc biệt, hàng loạt doanh nghiệp lớn vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất như TCT Mía đường II, TCT Nông nghiệp Sài Gòn, TCT Văn hóa Sài Gòn, TCT Công nghiệp Sài Gòn, COMA, Vinataba, ACV…

KTNN đánh giá hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã ban hành quy chế giám sát tài chính và hiệu quả hoạt động… Tuy nhiên, công tác giám sát tại một số đơn vị còn hạn chế, người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ.

Cơ bản các doanh nghiệp được cổ phần hóa đã xử lý các vấn đề tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá trị vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định. Song, việc xử lý tài chính của Công ty mẹ - HUD còn sai sót, một số đơn vị xác định giá trị doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa đúng đắn.

Tin mới lên