Tài chính

Hàng loạt tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài được giao đạt… 0%

(VNF) – Các tỉnh chưa giải ngân được kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2020 (tỷ lệ 0%) gồm: KonTum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long…

Hàng loạt tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài được giao đạt… 0%

Hàng loạt tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài được giao đạt… 0%

Năm 2020 là năm cuối cùng để cả nước cùng nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ còn lại của toàn bộ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được giao, bao gồm việc tập trung đẩy mạnh việc giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2020.

Nguồn vốn nước ngoài có nhiều đặc thù, khác biệt so với nguồn vốn khác của ngân sách nhà nước. Thực tế triển khai trong các năm qua cho thấy việc giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Điều này dẫn đến tỷ lệ giải ngân cả nước của nguồn vốn này trong các năm qua còn thấp, nhìn chung chưa đạt được các mục tiêu đặt ra (trung bình chỉ đạt từ 3-5% trong 6 tháng đầu các năm qua và chỉ đạt khoảng 60-70% kế hoạch hàng năm).

Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính tại văn bản số 7764/BTC-ĐT ngày 25/6/2020 (về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước lũy kế 5 tháng năm 2020 và ước thực hiện 6 tháng năm 2020), lũy kế giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019 kéo dài sang năm 2020 từ đầu năm 2020 đến ngày 31/5/2020 là 1.436,816 tỷ đồng. Ước tính, số giải ngân từ đầu năm đến ngày 30/6/2020 đạt 1.973,129 tỷ đồng.

Cụ thể, luỹ kế giải ngân kế hoạch đầu tư công vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương được giao trong năm 2020 từ đầu năm đến ngày 31/5/2020 là 4.327,271 tỷ đồng;

Ước giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 5.778,482 tỷ đồng (đạt 10,24% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Mặc dù mức giải ngân này cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019 (2.050 tỷ đồng) nhưng so với kế hoạch vốn nước ngoài được giao, tỷ lệ này còn chưa cao.

Theo Bộ Tài chính, một số cơ quan chủ quản đạt tỷ lệ giải ngân cao so với trung bình chung cả nước gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, tỉnh Lào Cai, tỉnh Ninh Bình…

Một số cơ quan chủ quản lại có tỷ lệ giải ngân thấp gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Quảng Ninh…

Đáng chú ý, một số cơ quan chưa giải ngân được kế hoạch vốn nước ngoài được giao năm 2020 (tỷ lệ 0%) gồm: KonTum, Quảng Ngãi, Bến Tre, Cần Thơ, Long An, Vĩnh Long…

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 giải ngân trong 6 tháng đầu năm trên thực tế có thể cao hơn. Nguyên do là thông tin về số liệu giải ngân theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện còn chưa có tính cập nhật cao, còn có độ trễ nhất định về thời gian vì chưa phản ánh đúng số vốn nước ngoài giải ngân thực tế theo khối lượng thi công tại hiện trường của các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Đặc biệt là những dự án phân cấp chủ đầu tư tới tận huyện, xã thì số liệu theo hệ thống TABMIS của ban quản lý dự án tỉnh không bao gồm số liệu của ban quản lý các huyện, xã.

Hàng loạt dự án chuẩn bị sơ sài, phải điều chỉnh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng chậm giải ngân nói trên do nhiều nguyên nhân. Một trong số đó là do công tác chuẩn bị dự án sơ sài, nhiều dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi phải thực hiện điều chỉnh dự án (tổng mức đầu tư, gia hạn thời gian thực hiện, phạm vi dự án, thiết kế chi tiết các hạng mục xây lắp...), gia hạn, điều chỉnh hiệp định vay.

Cụ thể, chất lượng thiết kế một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và chưa phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương nên phải sửa đổi nhiều lần, như: dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long; tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú, tỉnh An Giang; dự án hệ thống thủy lợi ngăn mặn, tiếp ngọt khu vực huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu; dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam-tiểu dự án thành phố Vĩnh Long”.

Một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư nên chưa thể triển khai các công tác đấu thầu xây lắp, giải ngân của dự án như: dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; dự án tăng cường giao thông đô thị bền vững cho dự án đường sắt đô thị số 3 Hà Nội...

Một số dự án phải điều chỉnh hiệp định với nhà tài trợ, thủ tục điều chỉnh mất nhiều thời gian làm ảnh hưởng đến tốc độ giải ngân của dự án như: dự án thoát nước mưa, thoát nước thải và quản lý chất thải rắn Hải Phòng, giai đoạn I.

Một số dự án phải điều chỉnh gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư dẫn đến tỷ lệ giải ngân chậm, như: dự án phát triển toàn diện kinh tế xã hội các đô thị Việt Trì, Hưng Yên và Đồng Đăng - hợp phần dự án tại thành phố Hưng Yên; dự án phát triển đô thị Phủ Lý (phần bổ sung); dự án nâng cấp hạ tầng thủy lợi huyện Hải Hậu; phát triển cơ sở hạ tầng ven biển ứng phó biến đối khí hậu huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình...

Ngoài nguyên nhân nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một yếu tố khác khiến công tác giải ngân chậm là tính sẵn sàng của các dự án còn thấp, gây vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Các dự án mắc phải khuyết điểm này gồm: dự án thủy lợi vùng cao thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang; tiểu dự án tăng cường khả năng thích ứng và quản lý nguồn nước cho vùng thượng nguồn sông Cửu Long, huyện An Phú, tỉnh An Giang; dự án mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam, tiểu dự án thành phố Long Xuyên; dự án nâng cấp đô thị Việt Nam – tiểu dự án thành phố Bến Tre…

Tin mới lên