Bất động sản

Hàng trăm dự án 'đóng băng' vì pháp lý

Hầu hết doanh nghiệp đang thất thủ với hàng trăm dự án không thể triển khai vì vướng pháp lý.

Novaland mới đây đã gửi đơn cầu cứu Bộ trưởng Xây dựng để tìm giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án 32 ha chậm triển khai do vướng pháp lý. Nhưng Novaland không phải doanh nghiệp duy nhất "thất thủ" vì việc này hiện nay.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa trình Ban kinh tế Trung ương bản kiến nghị kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và cạnh tranh. 

Hiệp hội dẫn nguồn dữ liệu các dự án nhà ở trên đà sụt giảm những năm gần đây tại TP HCM. Từ tháng 10/2015 đến hết năm 2018, có đến 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng. Thêm vào đó, thành phố còn ghi nhận 158 dự án bất động sản có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát lại thủ tục pháp lý, cá biệt có một số trường hợp thuộc diện phải thanh tra, điều tra.

Trong năm 2019, lãnh đạo thành phố và cơ quan có thẩm quyền của Trung ương đã quyết định cho 124 dự án được vận hành trở lại, nhưng hầu hết vẫn chưa thể hoạt động lại.

Việc rà soát là cần thiết, nhằm phát triển thị trường minh bạch, bền vững do đây cũng là đợt sàng lọc để loại những doanh nghiệp làm ăn chụp giật, thậm chí lừa đảo. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở đang sụt giảm mạnh ở ngưỡng báo động.

Thị trường bất động sản TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa

Năm 2019, toàn thành phố chỉ có một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm 12 dự án, tương đương với tỷ lệ giảm 92%. Sài Gòn chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, giảm 24 dự án, ứng với tỷ lệ giảm 85%. Thành phố cũng chỉ có 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm 64 dự án, giảm 80%. Có 47 dự án với 23.485 căn hộ chung cư đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, giảm 14,1% so với năm 2018.

HoREA cho biết, năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp thị trường bất động sản và các doanh nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức. Hàng trăm dự án nhà ở bị "đứng hình" và môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo tính minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh.

Cùng mặt bằng pháp lý như nhau, nhưng các dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp tại TP HCM lại bị vướng, còn tại các địa phương khác lại triển khai bình thường. Các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, xen kẹt đất nhà nước quản lý tương tự nhau, nhưng có một số được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong khi nhiều dự án khác lại không, nên chưa đảm bảo tính công bằng.

Quy mô thị trường và nguồn cung dự án, nguồn cung sản phẩm nhà ở bị sụt giảm mạnh, nhất là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội. Giá nhà tăng cao, trong đó, căn hộ chung cư tăng giá khoảng 15-20% (cá biệt, có dự án nhà ở tại quận 9 có mức giá bán căn hộ tăng đến 39%) so với năm 2018. Nguồn cung "đóng băng" nên hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, hai năm qua, rất nhiều kiến nghị đã được Hiệp hội gửi đến cơ quan quản lý Nhà nước, các bộ, ban ngành, tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc pháp lý. Nếu kịp thời giải tỏa các dự án này có thể tránh được nguy cơ phá sản của hàng loạt doanh nghiệp, tránh gây hệ luỵ lớn cho xã hội.

"Trong tuần tới, lãnh đạo TP HCM sẽ có buổi làm việc với Hiệp hội và các doanh nghiệp bất động sản để tiếp tìm hướng giải quyết cho các dự án bị ách tắc. Trên cơ sở đó, có thể kỳ vọng càng về cuối năm 2020 thị trường sẽ ổn định hơn", ông Châu cho hay.

Tin mới lên