Thị trường

Hàng Việt Nam trước áp lực từ hàng ngoại

Các hiệp định thương mại đa phương và song phương mở ra nhiều cơ hội cho hàng Việt Nam ra nước ngoài, nhưng kèm theo đó là không ít thách thức khi phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập ngay tại sân nhà.

Hàng Việt Nam trước áp lực từ hàng ngoại

Hàng Việt chịu áp lực cạnh tranh trên chính sân nhà. Ảnh: X.TH

Kết quả cuộc điều tra bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2019 của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao mới công bố cho thấy sản phẩm trong nước vẫn chiếm ưu thế trên thị trường Việt Nam, với tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng lần lượt là 89% và 93%. Trong khi đó, với hàng ngoại, tỷ lệ người tiêu dùng yêu thích qua 3 năm khảo sát lại cao hơn tỷ lệ mua dùng.

Với xu thế này, có thể trong tương lai gần, tỷ lệ mua dùng sẽ chuyển dịch sang các sản phẩm ngoại nhập, nhất là hàng của Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan.

Cũng theo khảo sát của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, yếu tố chất lượng (do người tiêu dùng cảm nhận) như ngon, hợp khẩu vị, bền, chất liệu tốt và an toàn khi sử dụng đang được quan tâm nhất.

Thông tin sản phẩm rõ ràng, dễ tìm mua hay thương hiệu nổi tiếng rất được người tiêu dùng chú ý khi mua sản phẩm trong khi giá cả, khuyến mãi chỉ còn sức hút đối với một bộ phận nhỏ người tiêu dùng.

Các hiệp định thương mại đa phương và song phương ký kết thời gian qua đã tạo cơ hội cho hàng Việt chinh phục thị trường nước ngoài. Thế nhưng, bên cạnh cơ hội cũng có không ít thách thức.

Tại thị trường trong nước, hàng Việt cũng chịu không ít cạnh tranh khi hàng ngoại vào Việt Nam ngày càng nhiều hơn. Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết áp lực cạnh tranh với hàng ngoại nhập từ Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... của các doanh nghiệp Việt Nam rất lớn. Với hàng Trung Quốc, các doanh nghiệp gặp áp lực khi phải đối mặt với hàng giá rẻ và hàng giả.

Hiện nay, doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn vì chi phí sản xuất, kinh doanh bị đẩy lên bởi các cuộc kiểm tra, làm khó dễ ở cửa khẩu, nhà máy hay ở khâu kê khai thuế... Những chi phí này được doanh nghiệp gọi chung là "chi phí ban ngành".

Ngay cả những lĩnh vực vốn là thế mạnh của doanh nghiệp trong nước như nông sản, thực phẩm, mức độ cạnh tranh càng khốc liệt. Bởi lẽ, các doanh nghiệp nước ngoài không chỉ mạnh về công nghệ, tài chính mà còn có những chiến lược tiếp thị, truyền thông có chiều sâu để lấy lòng người tiêu dùng, khách hàng.

Áp lực này khiến nhiều doanh nghiệp phải co cụm địa bàn phân phối, giảm doanh mục hàng hóa, tập trung vào những ngành chuyên sâu, có thế mạnh.

Bà Vũ Kim Hạnh cho biết hiện nay việc thâm nhập thị trường phía Bắc của nhiều doanh nghiệp đã không còn quyết liệt như trước. "Hầu hết doanh nghiệp đã không còn nỗ lực bằng mọi cách để thâm nhập thị trường Hà Nội và miền Bắc như trước kia nữa vì áp lực từ hàng Trung Quốc, hàng giả và chi phí vận chuyển cao", bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

Không chỉ vậy, hiện nay doanh nghiệp trong nước còn gặp khó khăn vì chi phí sản xuất, kinh doanh bị đẩy lên bởi các cuộc kiểm tra, làm khó dễ ở cửa khẩu, nhà máy hay ở khâu kê khai thuế... Những chi phí này được doanh nghiệp gọi chung là "chi phí ban ngành".

Khó khăn và những lực áp lực đó đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân phải bán công ty cho những đơn vị lớn hơn trong ngành. "Bản thân tôi được nhờ cậy tìm người mua cho không ít doanh nghiệp. Một số khác thì bán xong rồi mới thông báo chính thức. Tất nhiên, cũng có những doanh nghiệp mua lại công ty từ nước ngoài nhưng số lượng này không nhiều", bà Vũ Kim Hạnh cho biết.

Ở góc độ của một doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bà Lã Thị Lan - Tổng giám đốc Tiến Lộc Group, cho biết áp lực là vô cùng. Hiện tại, Việt Nam là nước có năng suất sản xuất gần thấp nhất thế giới vì trình độ kỹ thuật tay nghề công nhân thấp, công nghệ máy móc thiết bị già cỗi. Rất nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng những máy móc thiết bị mà nước ngoài đã sử dụng cách nay 50 năm.

Nội lực doanh nghiệp kém, chính sách vĩ mô theo kiểu "tư duy theo nhiệm kỳ" và hành chính nhiêu khê là thực tại đang diễn ra hiện nay. "Mặc dù nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ vay, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn cho sản xuất nhưng doanh nghiệp vẫn không dám vay, không dám mua đất xây xưởng vì có quá nhiều áp lực cạnh tranh, quá nhiều rủi ro", bà Lã Thị Lan nói.

Các doanh nghiệp đều cảm nhận được sức cạnh tranh gay gắt trong năm tới khi làn sóng hàng ngoại tràn vào. Đặc biệt, từ đầu năm 2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, sân chơi mới mở ra nhưng cũng đồng thời khép lại cơ hội nếu các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng.

Trong bối cảnh hội nhập, vai trò của tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế về an toàn, chất lượng là rất quan trọng đối với sản phẩm, hàng hóa. Do vậy, muốn cạnh tranh, xuất khẩu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận, đó là phải làm theo tiêu chuẩn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tin mới lên