Thị trường

Hành khách đi đường bộ, đường biển trong 'vùng xanh', 'vùng vàng' không phải xét nghiệm Covid-19

(VNF) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải của các lĩnh vực vận tải nhằm đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Hành khách đi đường bộ, đường biển trong 'vùng xanh', 'vùng vàng' không phải xét nghiệm Covid-19

Hành khách đi đường bộ, đường biển trong 'vùng xanh', 'vùng vàng' không phải xét nghiệm Covid-19

Theo đó, hướng dẫn tạm thời này áp dụng với hoạt động vận tải của 5 lĩnh vực, gồm: đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, đường sắt và hàng không. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cho biết hướng dẫn tạm thời mới này chỉ điều chỉnh các quy định tổ chức vận tải đối với 3 lĩnh vực đường bộ, hàng hải và đường thủy nội địa.

Riêng hàng không và đường sắt tiếp tục thực hiện theo các hướng dẫn hiện hành cho đến ngày 20/10. Đối với hàng không là các hướng dẫn số 1776 và 1786. Với đường sắt là quyết định số 1782.

Hướng dẫn vận tải mới lần này của Bộ Giao thông Vận tải gắn liền với phạm vi đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể, cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam và cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

Phạm vi đánh giá cấp độ dịch từ quy mô cấp xã, khuyến khích đánh giá từ phạm vi, quy mô nhỏ nhất có thể (dưới cấp xã) nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đối với tất cả các cấp độ dịch, chỉ yêu cầu xét nghiệm một trong các trường hợp như: có nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp 3, đến từ địa bàn có dịch ở cấp 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và không yêu cầu xét nghiệm khi đi lại trong địa bàn.

Đối với vận tải đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải cho biết tại các địa bàn có dịch ở cấp 1, cấp 2 thì tổ chức hoạt động vận tải hành khách với tần suất bình thường.

Với địa bàn có dịch ở cấp 3, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh (bao gồm cả xe buýt có hành trình từ hai tỉnh trở lên), Sở Giao thông Vận tải 2 đầu tuyến báo cáo UBND cấp tỉnh cho phép hoạt động tối đa không vượt quá 50% số chuyến theo lưu lượng đã được Sở công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm); vận tải hành khách theo tuyến cố định nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên không vượt quá 50% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện

Với địa bàn có dịch ở cấp 4, dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe ô tô gồm: vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt, hợp đồng, du lịch (trừ xe công nghệ dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng điện tử), vận chuyển học sinh, sinh viên.

Đối với xe taxi, xe công nghệ dưới 9 chỗ (xe hợp đồng, xe du lịch sử dụng hợp đồng điện tử) phải đáp ứng yêu cầu có vách ngăn với khách, thanh toán điện tử được phép hoạt động không vượt quá 20% tổng số phương tiện của đơn vị và có giãn cách chỗ trên phương tiện.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô phải xây dựng và triển khai phương án tổ chức vận tải bảo đảm tuân thủ quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô và quy định về phòng, chống dịch Covid-19; nắm bắt thông tin về luồng tuyến, hành trình, cấp dịch do địa phương công bố; yêu cầu lái xe chạy đúng hành trình và chỉ dừng, đỗ dọc đường (ăn uống, vệ sinh) và đón, trả khách tại các địa điểm theo quy định.

Ngày 12/10, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Theo đó, việc xét nghiệm được thực hiện theo địa bàn nguy cơ và nhóm nguy cơ.

Các trường hợp có một trong các biểu hiện triệu chứng như sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, khó thở, mất vị giác và khứu giác…; cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chợ đầu mối, bến xe, siêu thị…; nhóm nguy cơ gồm: các trường hợp di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người… như lái xe, người chạy xe mô tô chở khách (xe ôm), người giao hàng hóa (shipper)…

Không chỉ định xét nghiệm đối với những người dân thực hiện đi lại, trừ các trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.

Những người đã tiêm đủ liều vắc xin và người đã khỏi bệnh chỉ phải thực hiện xét nghiệm trong các tình huống: khi có yêu cầu điều tra dịch tễ, người thuộc diện cách ly y tế hoặc theo dõi y tế, người đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa).

Các cơ sở sản xuất kinh doanh được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao. Các địa phương chủ động quyết định đối tượng, địa bàn xét nghiệm phù hợp để xử lý ổ dịch tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ, tình hình dịch bệnh và mức độ của ổ dịch.

Xem thêm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương xem xét lại việc cấp giấy đi đường

Tin mới lên