Diễn đàn VNF

Hào khí tháng 8 và khát vọng của dân tộc

(VNF) - Cách mạng tháng 8/29145 là sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc ta, xóa bỏ chế độ thực dân, giành độc lập dân tộc, thành lập chính quyền của dân. Từ đó đến nay đã 74 năm, dân tộc ta đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong 30 năm, đất nước thống nhất, tiến hành xây dựng kinh tế trong hòa bình.

Hào khí tháng 8 và khát vọng của dân tộc

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, ttrước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày nay với hào khí cách mạng tháng 8 và khát vọng của dân tộc vươn lên tầm cao mới, Việt Nam đang chuyển đổi theo mô hình tăng trưởng lấy đổi mới, sáng tạo làm động lực chính, hướng đến nền kinh tế số của nước công nghiệp phát triển thu nhập cao, người dân có cuộc sống hạnh phúc.

30 năm chiến tranh

Ngay sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, thực dân Pháp đã gây chiến nhằm tái xâm lược nước ta. Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, thực hiện đường lối “kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài”. Trải qua 9 năm (1945 - 1954) vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, càng đánh càng mạnh, giành được nhiều thắng lợi mà đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Genève (21/7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam; đất nước tạm thời chía làm hai miền: miền Bắc quá độ lên chủ nghía xã hội, miền Nam chịu sự quản lý của chính quyền Sài Gòn.

Đế quốc Mỹ đã thay chân thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược nhằm biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới.Từ 1965, Mỹ và một số nước đồng minh đưa quân vào miến Nam, lúc cao nhất gần 55 vạn quân Mỹ và 7 vạn quân đồng minh, khoảng 1 triệu quân của ngụy quyền Sài Gòn với nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại; đồng thời tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại ở miền Bắc.

Để đối phó với đế quốc Mỹ, BCHTU Đảng đã ra Nghị Quyết 15 (tháng 1/1959): “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam nhằm thực hiện mục tiêu chung là giải phóng hoàn toàn miền Nam, bảo vệ miền Bắc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, tạo điều đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Đường lối của Đảng đã tập hợp được mọi lực lượng tạo thành khối đại đoàn kết thống nhất, biến thành hành động thực tiễn của các tầng lớp dân cư bằng các phong trào như đơn vị vũ trang “Ba nhất”, thanh niên “Ba sẵn sàng”, phụ nữ “Ba đảm đang” ở miền Bắc; các phong trào “Bám đất, giữ làng”, “ Đồng khởi” , “Một tấc không đi, một li không dời”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” ở miền Nam.

Các chiến lược chiến tranh của Mỹ như “chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), “chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1973) lần lượt thất bại, buộc Chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1/1973), rút hết quân viễn chinh về nước (3/1973).

Cuối năm 1974, đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Bộ Chính trị đề ra “Kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam”, ra lời kêu gọi động viên nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ở cả hai miền đẩy mạnh đấu tranh, tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành toàn thắng. Chỉ trong 55 ngày đêm, quân dân ta diệt, làm tan rã hơn 1,1 triệu quân địch, đập tan bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn, giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang 30 năm (1945 - 1975) chiến tranh giải phóng dân tộc để thống nhất Tổ quốc.

Trong 30 năm chiến tranh hàng triệu người con ưu tú của dân tộc đã hy sinh, nền kinh tế bị tàn phá nặng nề, hậu quả chiến tranh phải mất nhiều thập niên mới khắc phục được; nhưng đã thể hiện bản lĩnh, ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam.

10 năm trước “Đổi mới”

Ngày 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc ta như một mốc son chói lọi “Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau/Trời ta chỉ một trên đầu/Bắc Nam liền một dải” (Tố Hữu). Lịch sử dân tộc đã mở ra trang mới, có điều kiện thuận lợi để khôi phục và chấn hưng kinh tế trong hòa bình, nên nhiều mục tiêu đầy tham vọng đã được đề ra nhằm nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đưa nước ta tiến lên với tốc độ phát triển cao, có vị thế xứng đáng trong khu vực và trên thế giới.

Tuy vậy, giai đoạn 1975 - 1990 nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức to lớn. Cuối 1978 và đầu 1979 phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh: biên giới Tây Nam chống lại bè lũ Pônpôt xâm lược một số khu vực biên giới của nước ta, hỗ trợ quân dân Cămpuchia trước họa diệt chủng và biên giới phía Bắc chống quân xâm lược Trung Quốc. Tiếp đó là chủ trương cấm vận quốc tế do một số nước tư bản áp đặt đối với Việt Nam, Liên Xô (cũ) chia ra nhiều quốc gia độc lập, phe XHCN không còn tồn tại như một thực thể đối lập với phe TBCN, quan hệ Việt Nam- Trung Quốc vẫn trong trạng thái băng giá.

Đường lối, chính sách kinh tế phạm những sai lầm to lớn, nóng vội trong việc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh và hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam, phát triển kinh tế theo mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp, hình thành cơ cấu kinh tế dựa vào sở hữu công cộng với hai thành kinh tế chủ yếu là quốc doanh và tập thể; kinh tế tư nhân không được khuyến khích phát triển. Do vậy, đất nước rơi vào khủng hoảng kinh tế- xã hội nghiêm trọng, lạm phát phi mã ở mức ba con số trong nhiều năm, đời sống của nhân dân thành thị và nông thôn rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, không ít tổ chức, địa phương đã “phá rào” với nhiều sáng kiến nhằm khắc phục một phần trạng thái trì trệ trong sản xuất và phân phối hàng hóa. Một số xí nghiệp công nghiệp thực hiện sản xuất ngoài kế hoạch nhà nước, bán sát giá thị trường, thường là “chân ngoài dài hơn chân trong”, làm tăng đáng kể thu nhập của người lao động.

Tỉnh An Giang mua nông sản không theo “giá nghĩa vụ” rất thấp do nhà nước quy định, mà theo “giá thỏa thuận” sát giá thị trường, bán hàng công nghiệp cho nông dân cũng sát giá thị trường đã kích thích tính tích cực của nông dân, tạo ra những vụ mùa bội thu. Tỉnh Long An chủ trương “bù giá vào lương”, bỏ tem phiếu, bán hàng theo giá thị trường đã giảm thiểu tình trạng mất cân đối cung- cầu, không còn “các kho dự trữ hàng hóa” của từng gia đình như khi còn tem phiếu.

Từ năm 1975 đến trước Đại hội lần thứ VI, một số cuộc cải cách đã được tiến hành, nhiều chủ trương, chính sách mới được ban hành.

Đối với nông nghiệp, nổi bật hơn cả là Chỉ thị 100 của Ban Bí thư năm 1981 chủ trương khoán sản phẩm đến người lao động, khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Các tỉnh miền Nam được hoãn tiến độ hợp tác hóa, chủ yếu duy trì hợp tác xã cấp thấp, khuyến khích kinh tế gia đình.

Đối với công nghiệp, năm 1979 đã có Nghị quyết TƯ 6 khóa IV về “phát triển công nghiệp hàng tiêu dùng, công nghiệp địa phương”, năm 1981 có Quyết định 25 và 26 CP về cải tiến kế hoạch hóa, chia kế hoạch xí nghiệp thành ba phần “kế hoạch pháp lệnh, kế hoạch tự sản xuất sản phẩm chính và kế hoạch sản xuất sản phẩm phụ”.

Đối với thương nghiệp và dịch vụ là thu hẹp phạm vi và điều chỉnh nâng giá thu mua theo nghĩa vụ đối với sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp, khuyến khích sản xuất và kinh doanh cá thể để tăng thêm hàng hóa cung ứng cho thị trường.

Một số cuộc cải cách “giá cả- tiền lương- tiền tệ” đã được thực hiện nhằm giải quyết vấn đề quản lý kinh tế vĩ mô. Cuộc cải cách “giá- lương- tiền” cuối cùng trước khi có chủ trương đổi mới được tiến hành tháng 10/1985, bao gồm đổi tiền cũ lấy tiền mới, điều chỉnh tiền lương cho công nhân, viên chức và sửa đổi hệ thống giá cả vật tư và hàng tiêu dùng. Cuộc cải cách đó đã thất bại, gây hậu quả nghiêm trọng về kinh tế- xã hội.

Chỉ vài tháng sau khi thực hiện tình hình kinh tế trở nên xấu đi, việc đổi tiền đã đẩy chỉ số giá cả tăng vọt không thể kiểm soát được, nhiều cán bộ và người dân mất gần hết khoản tiền tiết kiệm gửi ở ngân hàng do giá trị đồng tiền bị giảm sút, đời sống cán bộ và nhân dân khó khăn hơn trước.

Tại Đại hội lần thứ VI (12/1986) Đảng đã công khai thừa nhận sai lầm về đường lối xây dựng kinh tế và quyết định thực hiện công cuộc Đổi mới theo kinh tế thị trường và Hội nhập quốc tế.

34 năm “Đổi mới”

Từ 1987 đến 1990 là thời kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế- xã hội diễn ra nghiêm trọng, hàng hóa tiêu dùng vẩn được phân phối định lượng bằng tem phiếu, thu hút đầu tư nước ngoài còn ít, khoảng 1 tỷ USD vốn thực hiện.

Từ 1991 đến 1998 là thời kỳ hoàng kim của kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,6%/năm, cao hơn dự kiến (5,5%/năm), tất cả chỉ tiêu kế hoạch đều được thực hiện vượt mức khá xa.

Một số sự kiện hội nhập quốc tế quan trọng:

Ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 diễn ra cuộc gặp cấp cao Việt Nam và Trung Quốc tại Thành Đô; hai bên đã ký văn kiện quan trọng về việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Ngày 3 tháng 2 năm 1994 Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận đối với Việt Nam và lập cơ quan liên lạc giữa hai nước.

Tháng 7 năm 1995 Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao; Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á- ASEAN và ký Hiệp định khung với Liên minh Châu Âu- EU về quan hệ kinh tế và văn hóa.

Năm 1997, Hội nghị cấp cao lần thứ năm của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương- APEC họp tại Canada từ 24 đến 25 tháng 11 đã quyết định kết nạp Việt Nam vào APEC năm 1998.

Ngày 2 tháng 7 năm 1997 cuộc khủng hoảng tiền tệ khu vực bắt đầu từ Thái Lan với chủ trương thả nổi tỷ giá đồng Bath sau 13 năm neo với USD (1USD=24-25 Bath), làm cho đồng Bath mất giá nhanh chóng, dự trữ ngoại tệ của nước này sụt giảm nghiêm trọng, tác động đến nhiều nước trong khu vực. Việt Nam chịu tác động với độ trễ, nên từ 1999 đến 2004 tốc độ tăng trưởng kinh tế, xuất nhập khẩu hàng hóa, thu hút FDI giảm sút.

Từ 2005 đến 2008 là giai đoạn khôi phục kinh tế, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 8%/ năm, xuất nhập khẩu tăng hai con số, thu hút FDI đạt kỷ lục với vốn thực hiện năm 2008 là 8 tỷ USD.

Năm 2008 cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tác động tiêu cực đến nước ta kéo dài đến năm 2010. Từ 2011 đến nay tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng xấp xỉ 7%/năm, nhiều năm xuất siêu, vốn FDI thực hiện tăng 7-8%/năm.

Từ 1991 đến nay Việt Nam thu được những thành tựu quan trọng như Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1991- 2018 trung bình gần 7%/năm, có 3 năm trên 7%, 7 năm trên 8% và 2 năm trên 9%; GDP/người năm 1991 là 188 USD thuộc nhóm thấp nhất, năm 2011 là 1260 USD, gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình (thấp), năm 2018 đạt 2587 USD, bằng 2,23 lần năm 2011 và 13,76 lần năm 1991; Kim ngạch ngoại thương năm 1991 là 5156,4 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 2087,1 triệu USD, các con số tương ứng năm 2018 là 480,17 tỷ USD, 243,48 tỷ USD và 236,69 tỷ USD, xuất siêu 6,79 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu 2018 bằng 47,2 lần năm 1991...

Từ 1991 đến 2018 nước ta đã tiếp nhận được nguồn vốn quốc tế khá lớn, trong đó vốn đầu tư nước ngoài thực hiện khoảng 195 tỷ USD, chiếm khoảng 22% tổng vốn đầu tư xã hội. Từ khi có Luật Doanh nghiệp (1999) đến nay đã có khoảng 1,5 triệu DN tư nhân ra đời, hiện còn khoảng 720 nghìn DN đang hoạt động, trong đó có hơn 11 nghìn DN lớn, một số tập đoàn kinh tế Việt Nam đã có thứ hạng cao trong khu vực, hơn 29 nghìn DN FDI.

Những con số thống kê đã biểu hiện rõ ràng thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, làm cho tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên gấp nhiều lần.

Khoảng cách và khát vọng

Khẳng định thành tựu kinh tế- xã hội rất đáng khích lệ của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, nhiều người có tâm huyết vẫn băn khoăn khi nhìn sang các nước láng giềng trong khu vực đã làm nên “Sự thần kỳ Đông Á”.

Cuốn sách của Angus Maddison: “Kinh tế thế giới-Một thiên niên kỷ phát triển” đã cung cấp những tư liệu về kinh tế của các nước trong thế kỷ XX.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trong thời kỳ 1950-1973 của Nhật Bản là 9,29%, của Hồng Công là 8,13%, của Đài Loan là 9.81%, của Hàn Quốc là 8,13% và của Singapore là 7,93%.

GDP/người của Nhật Bản năm 1950 là 1.926 đôla quốc tế (ĐLQT), năm 1973 là 11.439 ĐLQT, các con số tương ứng của Hồng Công là 2.218 và 7.104 ĐLQT, của Đài Loan là 936 và 4.117 ĐLQT, của Hàn Quốc là 770 và 2.841 ĐLQT và của Singapore là 938 và 4.117 ĐLQT. Trung Quốc đã liên tục tăng trưởng từ 9-10%/năm trong hai thập niên.

Cần lưu ý rằng, các nước này phát triển kinh tế trong điều kiện không mấy thuận lợi khi bắt đầu vào vạch xuất phát. Nhật Bản từ đống tro tàn sau chiến tranh; Đài Loan do Quốc dân đảng tiếp quản sau khi chạy khỏi lục địa Trung Quốc năm 1949; Hàn Quốc bị tàn phá nặng nề của cuộc Chiến tranh Triều Tiên; Singapore tách khỏi Malaysia từ 1965; Trung Quốc là nước đông dân nhất thế giới đối mặt với nhiều vấn đề trong nước và quốc tế.

Lúc này hoặc không bao giờ để khát vọng của dân tộc Việt Nam tiến kịp trình độ phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới: “Đạt đến một xã hội thịnh vượng, sẽ là ngưỡng cao hướng tới của nhóm nước có thu nhập trung bình cao của thế giới. Một nền kinh tế thị trường do khu vực tư nhân dẫn dắt, mang tính cạnh tranh và hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới... nền kinh tế dựa vào tri thức, dựa vào mạng lưới kết nối tốt”. (Bộ KH&ĐT và WB: Tầm nhìn 2035).

Mục tiêu đầy tham vọng đó có thể đạt được (thậm chí sớm hơn) nếu: (1) Tăng trưởng với tốc độ cao hơn hiện nay; (2) Tăng trưởng có hiệu suất, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bao trùm; (3) Phát triển bền vững về xã hội và môi trường và (4) Có thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập.

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh, dân tộc ta có thể tự hào về công cuộc chống ngoại xâm, giành độc lập và đổi mới theo kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; nhưng cũng tự nhận thấy thực trạng kinh tế- xã hội của một nước có thu nhập trung bình thấp để vươn lên mạnh mẽ hơn trong một thế giới đầy thách thức, đồng thời nhiều cơ hội cho đất nước khi chuẩn bị bước sang thập niên thứ ba của thiên niên kỷ mới.

Tin mới lên