M&A

Hấp lực của doanh nghiệp nhà nước khi bán vốn

(VNF) - Một lượng vốn đầu tư lớn được kỳ vọng sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán khi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) IPO, thoái vốn. Hoạt động của các DNNN được kỳ vọng sẽ hiệu quả, minh bạch hơn, qua đó gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Hấp lực của doanh nghiệp nhà nước khi bán vốn

Thành công của thương vụ thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Sabeco là minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của doanh nghiệp nhà nước.

Sức hấp dẫn từ vốn, tài sản, nhân lực

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trước đây đã chứng kiến nhiều thương vụ IPO thành công của các DNNN thuộc nhiều lĩnh vực như bất động sản, ngân hàng, thực phẩm… Năm 2016, thương vụ IPO Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN) với 11.328.002 cổ phiếu được chào bán với giá 55.000 đồng/cổ phiếu đã đấu giá thành công 100%, giá trúng thầu bình quân là 80.053 đồng/cổ phiếu (gấp đến 4,7 lần giá khởi điểm), với 6 nhà đầu tư (1 nhà đầu tư tổ chức) trúng thầu. Cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã chào bán thành công hơn 343 triệu cổ phiếu Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với mức giá bình quân là 320.000 đồng/cổ phiếu, tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco, nhà nước thu về hơn 109.972 tỷ đồng, cao hơn 5 năm trước đó cộng lại.

Sự hứng thú của nhà đầu tư nước ngoài đối với các DNNN vẫn còn nguyên giá trị bởi một trong những đặc tính hấp dẫn của loại hàng hóa thuộc sở hữu nhà nước chính là tính độc quyền hoặc ưu đãi đặc biệt, trong khi bản thân doanh nghiệp chưa phát huy thế mạnh đang có. Vì vậy, chỉ cần có “luồng gió mới” đưa vào thì có thể thúc đẩy doanh nghiệp tăng tốc.

Báo cáo đánh giá về hiệu quả hoạt động của khu vực DNNN cho thấy, khu vực này đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao. Chỉ riêng các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước đang nắm giữ khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ doanh nghiệp trên thị trường.

Theo tính toán sơ bộ, tổng tài sản của khối DNNN theo giá trị sổ sách năm 2021 khoảng 4 triệu tỷ đồng; quy mô tài sản bình quân khoảng 4.100 tỷ đồng, cao gấp 10 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và gấp 109 lần doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%, cao hơn mức lãi suất ngân hàng trong cùng giai đoạn. Số thuế và các khoản phải nộp bình quân của doanh nghiệp nhà nước là 576 tỷ đồng, gấp 43 lần doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 14 lần doanh nghiệp dân doanh.

Đặc biệt, DNNN đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: dầu khí, điện lực, tài chính, ngân hàng, viễn thông, hạ tầng giao thông và sản xuất, cung ứng một số nguyên vật liệu đầu vào cơ bản cho nền kinh tế… Hiện nay, có tới 96% khách hàng sử dụng mạng điện thoại di động của Viettel, VNPT và Mobifone. Các ngân hàng thương mại nhà nước như BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank chiếm gần 50% tổng dư nợ cho vay của toàn ngành.

Nhiều DNNN có vai trò quan trọng trong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích và đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cần thiết cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2016-2020, vốn đầu tư của khối doanh nghiệp nhà nước chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư của Nhà nước và chiếm 12% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Cơ quan Xúc tiến đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho biết, luồng vốn đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam tăng trưởng, ngay cả đại dịch cũng không ảnh hưởng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hàn Quốc muốn nghiêng về hình thức mua trọn cổ phần chi phối tại DNNN. Nếu như năm 2019, có khoảng 78% doanh nghiệp Hàn Quốc muốn thực hiện các thương vụ thâu tóm cổ phần chi phối, thì năm 2020, con số này đã tăng lên 95%. Theo dữ liệu từ MergerMarket, các nhà đầu tư Hàn Quốc đã thực hiện 69 thương vụ M&A tại Việt Nam từ năm 2005 đến kỳ gần nhất 2021, với tổng giá trị 5,1 tỷ USD.

Tháo điểm nghẽn để tăng tốc

Trong số các doanh nghiệp được IPO, thoái vốn sắp tới có một số tên tuổi đáng chú ý như BSR, PV Oil, PV Power, Satra, Tổng công ty Bến Thành, Vinafood2, Mobifone hay Petrolimex. Hầu hết các doanh nghiệp này là công ty đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ và tiêu dùng của Việt Nam. Do đó, đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư muốn trở thành cổ đông chiến lược để có thể phát triển hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam.

Các thông tư, nghị định gần đây của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn cũng là điểm tích cực đáng chú ý. Nghị định 126/2017/NĐ-CP liên quan đến IPO được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư chiến lược (cắt giảm thời gian hạn chế chuyển nhượng từ 5 năm xuống 3 năm), đảm bảo thông tin được công khai, minh bạch hơn (trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày kết thúc IPO, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM).

Trong bối cảnh Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực xây dựng các giải pháp thúc đẩy hoạt động của DNNN, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong một hội nghị gần đây cũng cho biết, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện đồng bộ pháp luật, cơ chế chính sách đảm bảo hiệu quả, hiệu lực để “cởi trói” DNNN, trong đó tập trung vào 8 giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, tăng đầu tư, tăng đổi mới sáng tạo và áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ hai, gắn phát triển DNNN với thực hiện chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.

Thứ ba, thay đổi nhận thức, quan điểm về cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp. Trong đó, mục tiêu của cổ phần hóa, thoái vốn không phải là rút vốn nhà nước ra khỏi doanh nghiệp nhà nước, thu hẹp phạm vi, quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước, mà tái cơ cấu danh mục đầu tư, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả và giá trị đầu tư. Không áp đặt mệnh lệnh hành chính đối với cổ phần hóa, thoái vốn. Thay vào đó, thực hiện theo nguyên tắc và tín hiệu thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả để cơ cấu lại và huy động thêm vốn phục vụ phát triển.

Thứ tư, xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ về DNNN, tài sản nhà nước để đánh giá, theo dõi và giám sát; qua đó, có định hướng phù hợp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần phải thay đổi cách thức làm việc, chủ động thực hiện đầy đủ và hiệu lực các quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp theo quy định pháp luật và thông lệ quốc tế; không can thiệp vào quá trình điều hành, quản trị kinh doanh tại doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với DNNN thông qua việc phân công một Bộ làm đầu mối quản lý nhà nước thực hiện giám sát hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Thứ bảy, xây dựng cơ chế giám sát và nâng cao hiệu quả giám sát hơn theo các phương thức đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể; nâng cao trách nhiệm giải trình nước trước cơ quan đại diện chủ sở hữu, Quốc hội.

Thứ tám, nghiên cứu cơ chế, chính sách tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2021 - 2025, SCIC dự kiến thoái toàn bộ vốn tại 130 doanh nghiệp trong tổng số 148 doanh nghiệp đang nắm cổ phần chi phối, chỉ giữ lại vốn lâu dài tại 18 doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, phù hợp với khẩu vị đa dạng của nhà đầu tư trong và ngoài nước. SCIC thoái vốn chủ yếu thông qua bán đấu giá, dựa trên bản báo cáo minh bạch và nhà đầu tư sẽ đặt cọc 10% giá trị khoản thoái vốn. So với các nước khác, nhà đầu tư nước ngoài muốn mua phần vốn thoái từ SCIC không cần qua thủ tục tiến hành soát xét đặc biệt. Đây là điều khá thuận lợi mà nhà đầu tư nên cân nhắc khi tiến hành M&A ở Việt Nam.

Tin mới lên