M&A

Hậu vận 'nhân duyên' quỹ ngoại - doanh nghiệp nội

(VNF) - Mặc dù rất nhiều doanh nghiệp nội đã thành công khi hợp tác với quỹ ngoại nhưng không phải thương vụ nào cũng suôn sẻ. Trường hợp của Ba Huân và VinaCapital là một điển hình.

Hậu vận 'nhân duyên' quỹ ngoại - doanh nghiệp nội

Nếu như mấy năm trước MWG không lựa chọn Mekong Capital thì Việt Nam sẽ không bao giờ có một MWG như ngày nay.

Dragon Capital và Mekong Capital thường tìm kiếm các cơ hội tiềm năng và các chủ doanh nghiệp (DN) có tầm nhìn để đầu tư vào, đồng hành và hỗ trợ cho các DN này phát triển hết tiềm năng để khai phá thị trường. Sự lớn mạnh của các DN nhận vốn đầu tư này sẽ mang lại lợi nhuận cho các quỹ PE phương Tây thông qua giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh lên gấp nhiều lần nhờ tăng trưởng mạnh doanh số, lợi nhuận... của DN.

Chẳng hạn như trường hợp Mekong Capital đến với Thế giới di động (MWG) của doanh nhân Nguyễn Đức Tài khi DN mới có 5 cửa hàng bán điện thoại đầu tiên ở TP HCM cách đây 7-8 năm, nhưng chủ DN có tầm nhìn và dám ước mơ.

Các chuyên gia của Mekong đã giúp chủ DN hiện thực hóa giấc mơ bằng việc ra quyết định đầu tư vào MWG, đưa chuyên gia về Marketing, quản lý hệ thống phân phối, Logistics từ các nước trong khu vực đến giúp DN nâng tầm cách quản trị hệ thống bằng hệ thống quản trị ERP để ngay lập tức biết cửa hàng nào bán tốt, cửa hàng nào bán kém tại từng thời điểm trong ngày, cần duy trì lượng tồn kho maximum và minimum là bao nhiêu tại từng điểm...

Ngoài ra, MWG cũng được hỗ trợ đàm phán mua hàng trực tiếp từ các nhà sản xuất di động hàng đầu của thế giới thay vì phải mua qua các kênh trung gian như FPT… và dần gạt bỏ cả hệ thống thắt nút cổ chai chuyên ngồi trên đầu trên cổ các DN bán lẻ phân phối. Nhờ đó, MWG đã tăng trưởng lợi nhuận và doanh số tối đa.

Nhờ có sự hỗ trợ đó, giúp Việt Nam có một DN hàng đầu như MWG ngày nay với hơn 5.000 cửa hàng bán lẻ và đang phát triển mạnh mẽ sang cả hệ thống Bách Hóa Xanh. Khoản đầu tư vào MWG của Mekong Capital nhờ đó cũng đạt lợi nhuận ngoạn mục với 57 lần cao hơn so với khoản tiền đầu tư vốn ban đầu.

Hay đối với trường hợp của Vingroup (VIC) và Credit Suisse cùng Warburg Pincus. Giữa tâm cơn bão khủng hoảng tài chính những năm 2011-2015, Warburg Pincus và Credit Suisse đã cấp 300 triệu USD qua 2 lần mua trái phiếu chuyển đổi cho VIC.

Điều khác biệt với các quỹ trong nước là mặc dù Warburg Pincus và Credit Suisse cũng đặt tiêu chí xét cấp vốn cho DN như VIC là dự án đó phải đạt chỉ số hoàn vốn nội bộ >= 18%, nhưng trong tâm cơn bão khủng hoảng tài chính những năm đó, lãi suất gửi tiết kiệm của người dân vào ngân hàng đã nằm trong khoảng 18 - 22%/năm, còn lãi suất mà các DN đi vay của ngân hàng là trên 22% - 24%/năm.

Chưa hết, những năm 2011 - 2015 còn là giai đoạn đồng Việt Nam mất giá mạnh, từ 15.500 VND/USD vọt lên hơn 21.000 VND/USD. Điều kiện duy nhất nhằm bảo toàn vốn vay cấp cho VIC là giá cổ phiếu VIC phải được giữ trên một mức giá nhất định vì đó là tài sản thế chấp để vay vốn.

Ông Nguyễn Xuân Phong, một nhà đầu tư cho biết, ông may mắn có cơ hội đàm phán với Warburg Pincus và Credit Suisse thời điểm đó trong một thương vụ khác, nhưng được Credit Suisse thường xuyên thông báo cho tình hình cấp tài chính của họ cho các DN Việt Nam, trong đó bao gồm cả VIC, HAG, NVL và một số DN khác gặp khó khăn về vốn.

Có thể nói, chính nhờ khoản vay 300 triệu USD bằng trái phiếu chuyển đổi của cả Warburg Pincus và Credit Suisse mà VIC lớn mạnh vượt bậc như ngày này, trở thành một thế lực được sánh ngang với các Chaebol của Hàn Quốc.

Tuy nhiên, không phải thương vụ nào cũng suôn sẻ. Đối với sự việc lùm xùm xảy ra với Ba Huân gần đây, VinaCapital đưa ra điều khoản IRR của Ba Huân phải đạt 22%.

Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến Ba Huân "lật kèo", không muốn nhận đầu tư từ VinaCapital.

Tin mới lên