Tiêu điểm

Hé lộ 8 điểm nhấn thú vị từ đề xuất của Hiệp hội vàng

(VNF) - Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam vừa có tờ trình gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất một số giải pháp nhằm ổn định và phát triển thị trường vàng.

Hé lộ 8 điểm nhấn thú vị từ đề xuất của Hiệp hội vàng

Tuy nhiên, đáng chú ý là từ bản đề xuất này, đã hé lộ nhiều thông tin đáng chú ý về thị trường vàng hiện nay. VietnamFinance xin điểm lại 8 điểm nhấn chính dựa theo tờ trình này.

Kinh doanh vàng miếng: 12 ngàn đơn vị chỉ còn 38

Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn 16/2012/TT-NHNN của NHNN có hiệu lực, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng trên thị trường đã diễn ra dưới sự quản lý của NHNN, không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước đây; tính hấp dẫn của vàng miếng và hoạt động đầu cơ vào vàng miếng cũng đã giảm đáng kể; vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao; ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán. Đặc biệt, mạng lưới kinh doanh vàng miếng đã được thu hẹp đáng kể, từ khoảng 12.000 đơn vị kinh doanh vàng miếng nay chỉ còn 38 đơn vị kinh doanh vàng miếng.

Mua vàng trôi nổi, "tiếp sức" thị trường ngoại tệ "chợ đen"

Nhiều năm nay, các doanh nghiệp không được cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, nên các doanh nghiệp buộc phải mua vàng nguyên liệu trôi nổi trên thị trường, vô tình đã tiếp tay cho những kẻ buôn lậu vàng, tạo điều kiện cho thị trường ngoại tệ "chợ đen" phát triển do những kẻ buôn lậu thu gom ngoại tệ để nhập lậu vàng, tác động tiêu cực đến công tác quản lý thị trường vàng và công tác điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Vàng trang sức đang "mất sức"

Các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng trang sức hiện đang hoạt động cầm chừng, thậm chí nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa ngừng hoạt động, hoặc chuyển sang kinh doanh các ngành nghề khác, do không có vàng nguyên liệu và không được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức. Điều này đã khiến hàng nghìn lao động trong ngành vàng bạc đá quý không có việc làm, đồng thời khiến ngành kim hoàn Việt Nam ngày càng tụt hậu xa so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Sắp tới, với việc thuế nhập khẩu vàng trang sức sẽ giảm dần xuống 0%, hàng ngoại nhập với kiểu dáng, mẫu mã đẹp, giá thành thấp sẽ tràn vào thị trường Việt Nam, làm cho các sản phẩm nữ trang nội địa bị "lép vế" ngay trên sân nhà, khiến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành các đại lý bán thuê sản phẩm nữ trang cho nước ngoài.

Nhập 20 tấn nguyên liệu mỗi năm để làm vàng trang sức

Theo ước tính của Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam dựa trên số liệu thống kê từ các doanh nghiệp hội viên, nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu hàng năm cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ở Việt Nam hiện khoảng hơn 20 tấn/năm. Do vậy, theo Hiệp hội, nếu NHNN cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu, thì cũng không đáng ngại. Bởi vì, với việc giá vàng trong nước đang biến động theo sát giá vàng quốc tế như hiện nay, thậm chí có nhiều thời điểm giá vàng trong nước còn thấp hơn giá vàng quốc tế, thì hoạt động xuất khẩu và xuất khẩu tại chỗ vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp sẽ tái tạo ngoại tệ, góp phần cân đối cung cầu ngoại tệ cho đất nước.

Doanh nghiệp vàng khát vốn

Theo quy định tại Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng và Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thì NHNN không cấm các TCTD cho vay vốn để doanh nghiệp mua vàng nguyên liệu cho mục đích sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ, nhưng phải được sự chấp thuận của Thống đốc NHNN đối với từng trường hợp cụ thể. Mặc dù vậy, nhưng đã hơn 4 năm nay chưa có doanh nghiệp nào được vay vốn để sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, và NHNN cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về việc này.

500 tấn vàng còn "chìm" trong dân

Trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng, trong khi xuất khẩu kim loại quý này không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Mặc dù Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo NHNN thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay chưa có giải pháp nào được thực hiện. Hơn nữa, theo Bộ Tài chính, dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay vốn ODA, mà phải chuyển sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường với mức lãi suất cao. Trong khi đó, nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong những năm tới là rất lớn. Bởi vậy, theo Hiệp hội kinh doanh vàng, việc nghiên cứu giải pháp huy động có hiệu quả nguồn lực vàng trong dân cho phát triển kinh tế là rất cấp bách trong điều kiện hiện nay.

Muốn giảm thuế xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ về 0%

Theo Thông tư số 36/2015/TT-BTC ngày 23/3/2015 của Bộ Tài Chính, vàng trang sức, mỹ nghệ có hàm lượng từ 95% trở lên đang chịu thuế suất xuất khẩu là 2%. Với mức thuế suất này, các doanh nghiệp không xuất khẩu được mặt hàng này, bởi vì các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ,… đang có rất nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Việt Nam (thuế xuất khẩu bằng 0, nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, hoặc được tự do nhập khẩu, chi phí nhân công rẻ hơn, thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại hơn…) và đang thống lĩnh xuất khẩu các sản phẩm trang sức, mỹ nghệ trên thế giới, kể cả vàng trang sức có hàm lượng cao. Hiệp hội kinh doanh vàng đề xuất xem xét giảm thuế xuất khẩu xuống 0% như những năm trước năm 2015.

Kiểm định vàng mỗi nơi một phách

Mặc Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường đã có hiệu lực được hơn 2 năm nay, nhưng tình trạng gian lận tuổi vàng, thiết bị cân đo không đạt chuẩn vẫn còn khá phổ biến. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng cho biết vàng trang sức, mỹ nghệ rất khó lưu thông từ tỉnh, thành này sang tỉnh, thành khác vì việc đánh giá chất lượng vàng vẫn chưa thực sự đồng nhất. Chẳng hạn, một sản phẩm vàng trang sức tại TP.Cần Thơ được kiểm định có hàm lượng vàng là 65%, nhưng về tỉnh Bình Dương kiểm định còn 63% và thậm chí đến TP. Hồ Chí Minh chỉ còn 61%. Điều này cho thấy, chất lượng của thiết bị kiểm định tuổi vàng của phần lớn các doanh nghiệp đang có vấn đề, và cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng "mua ở đâu, bán ở đó".

Tin mới lên