Ngân hàng

Hé lộ tín hiệu mới về xử lý ngân hàng yếu kém và ngân hàng 0 đồng

(VNF) - Một trong những quyết định chính sách quan trọng nhất liên quan đến việc xử lý các ngân hàng 0 đồng đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức tiết lộ với các đối tác phát triển tại Diễn đàn phát triển Việt Nam tổ chức tại Hà Nội sáng 9/12.

Hé lộ tín hiệu mới về xử lý ngân hàng yếu kém và ngân hàng 0 đồng

Ngân hàng 0 đồng và ngân hàng yếu kém có thể sẽ được xử lý với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế

Theo Thủ tướng, Việt Nam xem việc xử lý nợ xấu là hết sức quan trọng như các ý kiến chuyên gia nêu tại Diễn đàn, theo đó nếu không xử lý tốt sẽ ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng.

"Chính phủ tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nhất là xử lý tài sản bảo đảm; nâng cao năng lực và cơ sở pháp lý của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); phát triển thị trường mua bán nợ. Yêu cầu các tổ chức tín dụng tự xử lý nợ xấu, gắn với cơ cấu lại nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm công khai minh bạch, tiếp cận chuẩn mực quốc tế", Thủ tướng cho biết.

Đáng chú ý là, Thủ tướng nói ông muốn "nêu vấn đề với Ngân hàng Thế giới, cụ thể là Tổ chức Tài chính quốc tế IFC giúp đỡ chúng tôi giải quyết vấn đề nợ xấu một cách thực chất".

"Tôi xin tiết lộ với quý vị là Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cùng với một đối tác tư nhân Việt Nam cũng đang có kế hoạch xử lý mua lại một Ngân hàng Thương mại yếu kém của Việt Nam và có thể giới thiệu cho những đối tác khác để hỗ trợ Việt Nam trong xử lý nợ xấu và các Ngân hàng thương mại yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng", Thủ tướng nói.

Cần nhắc lại là trong Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/12, trong phần kiến nghị của mình, Nhóm Công tác Thị trường Vốn tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã đề cập đến vấn đề này.

Theo nhóm công tác, để thu hút được dòng vốn mới của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán và vào những doanh nghiệp Nhà nước mới được cổ phần hóa, Việt Nam cần minh bạch hóa và tạo môi trường thuận lợi cho việc tăng sở hữu nước ngoài.

Đồng thời, cần cho phép sở hữu nước ngoài lên đến 100% trong các công ty đại chúng, trừ trường hợp luật pháp Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định cụ thể và rõ ràng về tỷ lệ sở hữu nước ngoài nhỏ hơn.

Riêng với lĩnh vực ngân hàng, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất rằng các ngân hàng 0 đồng "có thể được bán toàn bộ cho nhà đầu tư ngoại".

"Riêng đối với lĩnh vực ngân hàng, nhóm đề xuất tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài theo đó đối với ngân hàng mà Nhà nước là cổ đông lớn hoặc ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 35% cổ phần; còn đối với đối với ngân hàng đã bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng: nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu 100%", bản kiến nghị của nhóm viết.

Hồi đầu tháng 11, phát biểu tại Hội nghị "Ngân hàng Châu Á: Hướng tới Hội nhập toàn cầu" trong khuôn khổ Đại hội đồng và hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội ngân hàng châu Á (ABA), Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra sâu rộng.

"Hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam vừa trải qua 5 năm tái cơ cấu, chúng tôi đang báo cáo Chính phủ về Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng 5 năm tới (2016-2020). Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Việt nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và thế giới, không ngừng nâng cao năng lực, áp dụng chuẩn mực quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường của chúng tôi. Trong giai đoạn cải cách mạnh mẽ sắp tới, tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước. Tôi tin tưởng rằng giai đoạn này sẽ mang lại nhiều cơ hội lớn hơn nữa cho tất cả", Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.

Tin mới lên