Tài chính

Hệ sinh thái GFS Group: Hé lộ những doanh nghiệp nợ cao ngất, lãi mỏng dính

(VNF) – Trong hệ sinh thái GFS Group của ông Phạm Thành Công, có những doanh nghiệp doanh thu cả trăm tỷ nhưng lãi không nổi 1 tỷ, lại có doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lên tới hàng chục lần. Cá biệt có doanh nghiệp còn âm vốn chủ sở hữu nhiều năm liên tiếp.

Hệ sinh thái GFS Group: Hé lộ những doanh nghiệp nợ cao ngất, lãi mỏng dính

Hệ sinh thái GFS Group: Hé lộ những doanh nghiệp nợ cao ngất, lãi mỏng dính (ảnh minh họa)

Như VietnamFinance đã thông tin tại bài viết “Bức tranh tài chính Tập đoàn GFS: Lợi nhuận lao dốc, dòng tiền âm nặng”, tập đoàn GFS được thành lập năm 1997, do ông Phạm Thành Công làm chủ tịch.

Đến hết năm 2019, GFS đã có tổng cộng 12 đơn vị thành viên, hoạt động trong 3 lĩnh vực mũi nhọn là tài chính, xây dựng, năng lượng. Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư vào một số lĩnh vực như bất động sản, khoa học - công nghệ, nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao.

Pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế - Đầu tư sản xuất (viết tắt là CIRI). Những năm gần đây, CIRI kinh doanh sa sút, thể hiện ở sự suy giảm rất mạnh của doanh thu, lợi nhuận và tình trạng dòng tiền kinh doanh âm nặng trong nhiều năm.

Ngoài CIRI, nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn GFS cũng có kết quả kinh doanh không tốt, chẳng hạn như: Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội, Công ty Cổ phần Phát triển Nông nghiệp GFS Việt Nam…

Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam: Lãi đổ đèo, nợ leo cao

Được thành lập năm 2001, Công ty Cổ phần Công nghiệp Việt Nam có trụ sở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, Hà Nội. Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc là ông Phạm Quốc Phong. 2 cổ đông cá nhân là Nguyễn Thị Dân và Đỗ Mạnh Tùng, mỗi người sở hữu 1%.

Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy giai đoạn 2016 – 2019, doanh thu của công ty này biến động rất dữ dội. Cụ thể, nếu năm 2016, doanh thu đạt 4,9 tỷ đồng thì sang năm 2017 lại bất ngờ không ghi nhận. Đến năm 2018, doanh thu đột ngột tăng tới 168 tỷ đồng, song đến năm 2019 lại giảm mạnh xuống chỉ còn 97,8 tỷ đồng.

Điều đáng nói là trong suốt giai đoạn trên, lợi nhuận sau thuế của công ty lúc nào cũng chỉ dưới 1 tỷ đồng, đã vậy lại còn suy giảm qua các năm, lần lượt là: 1 tỷ đồng, 563 triệu đồng, 780 triệu đồng và 388 triệu đồng. Tính chung 4 năm, lợi nhuận sau thuế đã giảm 2,5 lần.

Về tài sản, trong các năm 2016 – 2018, tổng tài sản tăng đều đặn từ 241 tỷ đồng lên 419 tỷ đồng. Song tới năm 2020 đà tăng này bị bẽ gẫy, tổng tài sản quay đầu giảm còn 371 tỷ đồng.

Hầu hết tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ phải trả, lên tới hơn 90%. Trong cùng giai đoạn nêu trên, nợ phải trả đã tăng từ 218 tỷ đồng lên 346 tỷ đồng, tương đương tăng 58%. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu lại gần như không đổi (dao động 23 – 24 tỷ đồng). Bởi vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty những năm qua luôn ở mức “ngất ngưởng”, lần lượt là: 9,5 lần (2016), 9,2 lần (2017), 16,2 lần (2018) và 14 lần (2019).

Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội: Âm vốn chủ sở hữu kéo dài

Một doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái GFS có kết quả kinh doanh kém tích cực là Công ty Cổ phần Cơ kim khí Hà Nội. Doanh nghiệp này thành lập từ năm 2002, trụ sở tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất cơ khí, xuất khẩu & nhâp khẩu máy móc thiết bị, vật tư hàng hóa phục vụ cho ngành mạ, kim. Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này là Lê Thúy Hạnh.

Về tình hình kinh doanh, những năm 2016 – 2019, doanh thu của công ty tăng trưởng đều đặn, song giá trị không lớn, lần lượt là: 2,3 tỷ đồng, 4,9 tỷ đồng, 5,3 tỷ đồng và 6,2 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp khá cao, trung bình 50%, nhưng giá trị lãi sau thuế lại không tốt. Cụ thể, những năm 2016 – 2017, công ty báo lỗ sau thuế lần lượt là -1,5 tỷ đồng và -388 triệu đồng. Phải tới giai đoạn 2018 – 2019, lãi sau thuế mới là số dương, lần lượt là: 469 triệu đồng và 716 triệu đồng.

Tuy nhiên, những năm có lãi này vẫn chỉ như “muối bỏ biển” so với khoản lỗ trước đó của công ty. Minh chứng là suốt giai đoạn 2016 – 2019, công ty Cơ kim khí Hà Nội chìm trong cảnh âm vốn chủ sở hữu kéo dài với mức âm lần lượt là: -8,3 tỷ đồng, -8,5 tỷ đồng, -8,1 tỷ đồng và -7,4 tỷ đồng.

Về tài sản, trong cùng giai đoạn nêu trên, tài sản giảm từ 4,8 tỷ đồng xuống còn 3,4 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng giảm từ 13,2 tỷ đồng xuống 10,8 tỷ đồng. Diễn biến đáng lưu ý là trong khi nợ ngắn hạn có xu hướng giảm (từ 11 tỷ đồng xuống 5 tỷ đồng) thì nợ vay dài hạn tăng mạnh từ 1,9 tỷ đồng lên 5,6 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hà Nội – GFS: Lãi mỏng dính, hệ số nợ cao ngất

Là thành viên thuộc mảng nông nghiệp của tập đoàn GFS, Công ty Cổ phần Nông nghiệp Hà Nội được lập ra vào tháng 10/2016, trụ sở tại phố Đào Duy Anh, quận Đống Đa, Hà Nội, tổng giám đốc là ông Phạm Hải Đăng.

Trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu của Nông nghiệp Hà Nội – GFS tăng trưởng rất nhanh, từ 14,5 tỷ đồng lên 82 tỷ đồng rồi 136,5 tỷ đồng. Tính chung 3 năm, doanh thu đã tăng gấp 9,4 lần.

Dù vậy, lãi sau thuế của công ty lại rất mỏng. Không tính năm 2016 lỗ ròng 36 triệu, những năm sau đó, mức lãi của công ty chỉ dao động từ vài chục tới vài trăm triệu đồng, lần lượt là: 58 triệu đồng (2017), 433 triệu đồng (2018) và 302 triệu đồng (2019).

Về tài sản, trong cùng giai đoạn, quy mô tài sản tăng rất mạnh từ 671 triệu đồng (2016) lên 146 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 217 lần. Phần lớn sự gia tăng này được tài trợ bằng nợ phải trả - tăng từ 543 triệu đồng (2017) lên 121 tỷ đồng (2019), tức tăng gấp 222 lần.

Vốn chủ sở hữu của công ty cũng có mức tăng đáng kể từ 671 triệu đồng lên 25 tỷ đồng. Song xét về giá trị tuyệt đối, con số này là quá nhỏ so với khối nợ phải trả. Hệ quả là tại năm 2019, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Nông nghiệp Hà Nội – GFS đã lên tới 4,7 lần…

Tin mới lên