Tài chính quốc tế

Hết lạm phát tiền thật, người dân Venezuela lại phải đối mặt với lạm phát tiền ảo

(VNF) - Những người dân Venezuela tuyệt vọng giờ đây đang quay sang mưu sinh bằng trò chơi điện tử. Tiền ảo từ các trò chơi như RuneScape được đánh giá cao ở một quốc gia với đồng tiền thật gần như vô giá trị.

Hết lạm phát tiền thật, người dân Venezuela lại phải đối mặt với lạm phát tiền ảo

Hết lạm phát tiền thật, người dân Venezuela giờ đang đối mặt với lạm phát tiền ảo

Họ bắt đầu đến vùng phía tây Caracas ngay cả trước khi những cánh cửa tiệm Internet được kéo lên vào khoảng 8 giờ 30 sáng. Trong 11 giờ mỗi ngày, những người này sẽ liên tục ngồi trước những chiếc màn hình máy tính và chiếc bàn phím cũ kĩ trong một không gian có phần tối tăm. Thời gian nghỉ chỉ đủ dài để hút điếu thuốc trên cầu thang chật hẹp. Và nếu ai đó kéo dài quá lâu, một người khác sẽ cướp mất chỗ và bắt đầu hành trình săn bắt những con quái vật trong trò chơi điện tử.

Một Venezuela chìm ngập trong khủng hoảng đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho ‘gold farming’. Những ‘gold farmer’ dành hàng giờ chơi các trò chơi trực tuyến như Tibia và RuneScape để có được vàng, điểm chơi hoặc nhân vật ảo nào đó mà họ có thể bán cho người chơi khác bằng tiền thật hoặc các loại tiền như Bitcoin. Hành động này của người dân Venezuela vậy mà lại đang làm lan rộng lạm phát trong thế giới ảo.

Efrain Peña, 29 tuổi, người chơi 7 ngày một tuần tại tiệm cà phê Internet Pizza Mona để nuôi sống vợ và con, cho biết: "Chúng tôi chưa bao giờ làm điều này nhiều như vậy trước đây". Hầu hết các ‘gold farmer’ ở Venezuela đều chỉ kiếm được một khoản tiền tương đương vài đô la mỗi ngày, nhưng về nhiều mặt thì vẫn tốt hơn các công nhân làm công ăn lương, bởi vì thu nhập của họ được lập chỉ mục theo tỷ giá USD của thị trường chợ đen.

Efrain Peña đang chơi game Tibia tại một quán Internet ở Caracas

Lạm phát đã tăng lên mức 4 con số. "Thật là nhục nhã. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng tiền ảo trên trò chơi điện tử còn đáng giá hơn cả đồng tiền của nước chúng tôi", Enegebe Sención, 30 tuổi, một lập trình viên máy tính thất nghiệp, đã chơi trò chơi điện tử Tibia trong 5 tháng vừa qua cho biết.

Chế độ độc tài xã hội chủ nghĩa ở Caracas đã duy trì kiểm soát tiền tệ chặt chẽ trong hơn một thập niên, và mối đe dọa về sự đổ vỡ hoặc lệnh cấm đã khiến cho nhiều ‘gold farmer’ không muốn chia sẻ quá nhiều chi tiết về cơ chế của hoạt động kinh doanh này. 

Các doanh nghiệp trực tuyến với các tên tuổi như PapusGold, SoliderGold, và Tibia Venezuela Coins đã nổi lên, trả tiền cho người chơi bằng những đồng bolívar đổi lấy vàng ảo mà họ kiếm được thông qua chuyển khoản ngân hàng. Thị trường trực tuyến Mercadolibre tràn ngập danh sách các kho báu vật ảo.

Với kết nối internet chậm chạp và phần cứng lỗi thời, những ‘gold farmer’ Venezuela bị hấp dẫn bởi các trò chơi cũ kĩ có yêu cầu hệ thống không quá cao. Willian Natera, 23 tuổi, đã dành toàn thời gian cho thương hiệu yêu thích thời thơ ấu của mình, Tibia, từ bảy tháng nay. 

Trước đó, anh ta phải vật vã với việc chấm dứt làm thợ nề trong một chương trình nhà ở của chính phủ. "Đó là công việc của một con lừa, tôi còn không được trả tiền cho bữa sáng," Natera nói, nhớ lại cách anh ta phải vác bao tải xi măng lên cái cầu thang ổ chuột. Còn bây giờ, anh dành cả ngày để dẫn dắt đội quân anh hùng, ở một thế giới thời trung cổ, đánh bại những con quái vật.

Các trò chơi mới hơn thường bán tiền ảo trực tiếp cho người chơi, nhưng hàng triệu người vẫn tiếp tục chơi các trò chơi kinh điển đã có từ lâu, nơi mà bạn phải hoàn thành các nhiệm vụ thì mới kiếm được vàng ảo. Được phát hành năm 1997, Tibia có hơn 500.000 người chơi. RuneScape, tồn tại từ năm 1999, vẫn có khoảng 1,6 triệu người chơi mỗi tháng. Nhờ đó mà các 'gold farmer' Venezuela có thể bán vàng ảo của mình cho những người có nhu cầu khác.

Những người dân Venezuela giờ đây đang quay sang mưu sinh bằng trò chơi điện tử

José Luis Fragoza, 22 tuổi, đã cố gắng ‘đào vàng’ được vài tháng trong năm nay sau khi rời khỏi căn cứ quân sự, nhưng bỏ chơi vì dịch vụ internet của anh đã bị ngắt kết nối.

Tốc độ kết nối internet của Venezuela là một trong những nước chậm nhất trên thế giới, quốc gia này còn thấp hơn cả Iraq trong một bảng xếp hạng 2017 của 159 quốc gia. Vì vậy, nhiều 'gold farmer' làm việc ca đêm để tránh nghẽn mạng. 

Vợ của Peña, Ruth Villegas, 37 tuổi, đang giết thời gian ở tiệm café Internet Mona Pizza với đứa con gái 6 tuổi, cho biết cô từng coi trò chơi đêm của chồng mình là một điều phiền toái bởi vì nó khiến cô ấy phải thức cả đêm. "Chúng tôi đã có những cuộc tranh cãi và anh ấy nói với tôi:" Tôi sẽ bỏ cô trước khi tôi từ bỏ Tibia ", cô nhớ lại. Nhưng giờ Tibia lại đang nuôi sống gia đình cô ấy. 

Có nhiều lần khi Internet biến mất hoàn toàn. Điều này ngăn không cho Samuel Navas, một nhân viên bán bảo hiểm nhân thọ 28 tuổi, đăng nhập vào Tibia trong hai tháng vừa qua. Điều đó khiến anh mất gần hai phần ba thu nhập của mình và biến vợ mình thành người chăm lo cho gia đình. "Là người đàn ông của gia đình, tôi đáng lẽ phải lo được cho vợ con," anh ta nói, "nhưng đột nhiên mọi thứ cứ vượt ngoài tầm kiểm soát."

Các ‘gold farmer’ bị nhiều người chơi và các nhà phát triển trò chơi khinh miệt. Những người này nói rằng hành động của các 'gold farmer' đang bóp méo giá trị của đồng tiền ảo. Nhà xuất bản các trò chơi cũng nói rằng việc này phá vỡ các điều khoản sử dụng dịch vụ và khuyến khích các hoạt động bất hợp pháp như chiếm đoạt tài khoản và gian lận thẻ tín dụng. 

Joe Wilcox, giám đốc dự án cấp cao của Jagex tại Cambridge, Anh, và là nhà phát triển của game RuneScape cho biết công ty này đã cấm khoảng 10.000 tài khoản mỗi ngày. "Nếu chúng ta tiếp tục cho phép ‘gold farming’, nó sẽ phá huỷ trò chơi", ông cho biết.

Nhóm ‘gold farmer’ của Romer Manuel Peña đã bị cấm chơi RuneScape vài lần, buộc họ phải bắt đầu lại và mất hàng tuần nuôi dưỡng các nhân vật mới trước khi tạo ra thu nhập. Người đàn ông 27 tuổi, từng là kỹ sư dầu khí ở vùng đồng bằng trung tâm của Venezuela, cho rằng các thành viên trong nhóm của anh ta chỉ đơn giản là cố gắng vượt qua, và Jagex đáng lẽ nên hỗ trợ họ. "Đáng lẽ họ phải tự hào rằng toàn bộ gia đình chúng tôi đang được cứu sống nhờ trò chơi của họ?", anh ta nói.

Thậm chí nhiều người chơi đã đăng trên Reddit một hướng dẫn tên là "Killing Venezuelans" cung cấp các mẹo để tiêu diệt nhân vật của những ‘gold farmer’ Venezuela này.

Nhưng kẻ thù lớn nhất của 'gold farmer' Venezuela có thể không phải là những người đó, mà lại là chính họ. Đó là bởi vì khi nhiều người chơi đổ xô vào thế giới trực tuyến để kiếm sống, họ cuối cùng sẽ làm giảm giá của đồng vàng kỹ thuật số.

Vili Lehdonvirta, một nhà kinh tế xã hội học thuộc Đại học Oxford, người đã dành nhiều năm nghiên cứu thị trường kỹ thuật số nói: "Họ đang thực hiện một hành vi tương tự như việc in tiền. Về cơ bản kết quả là siêu lạm phát, vì có rất nhiều đồng tiền đang đổ vào hệ thống."

Tin mới lên