Diễn đàn VNF

Hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng

(VNF) - Nước ta đang xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Đây là lần thứ tư một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm được nghiên cứu xây dựng kể từ khi công cuộc đổi mới được khởi xướng vào năm 1986.

Hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng

Hiện thực hóa khát vọng trở thành quốc gia thịnh vượng. (Ảnh minh họa)

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đưa nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2030 và hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia thịnh vượng vào thời điểm kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Mục tiêu chiến lược

Bối cảnh xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội lần thứ tư của nước ta hoàn toàn khác với các chiến lược trước đây. Chiến lược 10 năm 1991-2000 được xây dựng nhằm đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng, đẩy lùi lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tạo đà tăng trưởng kinh tế. Chiến lược 2001-2010 nhằm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chiến lược 2011- 2020 sắp kết thúc với mục tiêu đưa nước ta “cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Những thành tựu quan trọng đạt được trong hơn 30 năm Đổi mới, nhất là trong thập kỷ qua đã củng cố thế và lực của đất nước, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Mặt khác, những yếu kém nội tại bộc lộ trong thập kỷ qua cùng với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế đang đặt ra những vấn đề mới cho việc xây dựng chiến lược lần này. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đang tạo ra những cơ hội và thách thức mới chưa từng có đối với sự phát triển đất nước.

Để xây dựng được một chiến lược phát triển phù hợp cho 10 năm tới, đòi hỏi phải đánh giá đầy đủ, thực chất và sâu sắc các yếu tố đó, làm cơ sở cho việc xác định đúng mục tiêu cần và có thể vươn tới của nước ta vào năm 2030.

Thực tế cho thấy, mục tiêu đưa nước ta “cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm 2020 là quá tham vọng, cho dù nội hàm của mục tiêu này được cắt nghĩa như thế nào đi nữa. Mặt khác, mục tiêu này cũng chưa thật rõ ràng vì thiếu đi các tiêu chí định lượng. Thế nào là “cơ bản”, “nước công nghiệp”, “theo hướng hiện đại”. vẫn là những câu hỏi gây nhiều tranh luận. Mặc dù, chưa có đánh giá chính thức về mức độ đạt được trong việc thực hiện mục tiêu này, song thật khó để cho rằng, Việt Nam “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm tới.

Bởi lẽ, mặc dù cơ cấu kinh tế đã được chuyển dịch đáng kể, (công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 75,5% GDP, nông nghiệp chỉ còn chiếm 14,5% GDP), nhưng vẫn có tới 64% dân số sống ở nông thôn và thu nhập của họ rất thấp so với mức bình quân đầu người của cả nước. Năng suất lao động vẫn còn rất thấp và GDP bình quân đầu người của nước ta năm 2018 mới đạt 2587 USD, chỉ bằng 23% của Malaysia hay 8,6 % của Hàn Quốc vào cùng thời điểm.

Từ những điều nói trên, việc xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 cần được thay đổi theo hướng:

Thứ nhất, xác định rõ hơn mục tiêu định lượng và coi trọng hơn tính khả thi của mục tiêu đề ra, khắc phục tình trạng duy ý chí trong việc xác định mục tiêu về kinh tế. Theo đó, nên chăng cần phấn đấu đưa nước ta từ nước có thu nhập trung bình thấp trở thành nước có thu nhập trung bình của thế giới vào năm 2030 với GDP bình quân đầu người khoảng 6.500 USD.

Thứ hai, cần coi trọng và xác định rõ hơn các mục tiêu văn hóa- xã hội. Trong khi khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân làm động lực cho phát triển nền kinh tế, cần đề ra mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhóm người nghèo, người yếu thế nhằm tránh xung đột xã hội do khoảng cách giàu nghèo quá lớn. Đồng thời, chiến lược lần này cần đề ra mục tiêu giảm dần khoảng cách phát triển giữa thành thị với nông thôn và miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ ba, coi trọng hơn nữa mục tiêu bảo vệ môi trường, phát triển hài hòa với thiên nhiên, khả năng chống chọi và thích nghi với biến đổi khí khậu.

Tóm lại, mục tiêu của chiến lược 2021-2030 là đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, người dân có cuộc sống no đủ, bình yên trong một xã hội công bằng, dân chủ và một môi trường sống gần gũi hài hoà với thiên nhiên, tạo tiền đề để đến năm 2045 trở thành quốc gia thịnh vượng. Khái niệm thịnh vượng được bàn đến ở đây không nhất thiết phải là nước có thu nhập cao của thế giới mà là nước có chất lượng cuộc sống cao, người dân có cuộc sống sung túc trong một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và một môi trường sống hài hoà với thiên nhiên.

Một số giải pháp

Để ra khỏi nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, đòi hỏi phải có các giải pháp chiến lược nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bình quân khoảng 7%/năm trong thập kỷ tới. Điều này trước hết đòi hỏi phải tiếp tục thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược đã được đề ra từ Đại hội Đảng lần thứ XI, đó là đột phá về thể chế, về kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực.

Đột phá về thể chế kinh tế cần đặt trọng tâm vào việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đằng, sử dụng hiệu quả tài sản nhà nước và nguồn tài nguyên thiên nhiên, khơi dậy các nguồn lực và động lực tăng trưởng và các động lực mới từ cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế kết nối và chia sẻ.

Đột phá về kết cấu hạ tầng không chỉ nhằm khắc phục điểm nghẽn mà còn trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, điện, cấp thoát nước và kết cấu hạ tầng xã hội. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước rất hạn hẹp, để tạo đột phá về kết cấu hạ tầng, nhất thiết phải xác định rõ các công trình trọng điểm theo thứ tự ưu tiên và phải đẩy mạnh hơn nữa chủ trương xã hội hoá đầu tư, huy động các nguồn lực, nhất là đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài để sớm triển khai các công trình trọng điểm và các dự án ưu tiên.

Đột phá về chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quyết định chất lượng tăng trưởng. Chiến lược 2021 - 2030 phải thực sự là một chiến lược “vì con người và do con người”, khơi dậy được trí tuệ và khát vọng của con người Việt Nam. Thực tế cho thấy, đây là vấn đề lớn, không dễ, còn bộn bề công việc phải làm và rất cần được thực hiện khẩn trương, quyết liệt hơn.

Cần khẳng định rằng, chủ trương tạo các đột phá chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội được đề ra từ Đại hội lần thứ XI của Đảng là đúng đắn và còn giữ nguyên giá trị của nó. Vấn đề là cách thức và giải pháp thực hiện chủ trương này trong thời gian qua chưa quyết liệt và hiệu quả. Do đó, cần tiếp tục tạo các đột phá chiến lược bằng cách làm mới, quyết liệt và khoa học hơn, bằng những con người mới, trên cơ sở đánh giá đúng nguyên nhân dẫn tới các mặt hạn chế trong thời gian qua. Chẳng hạn, để tạo đột phá kết cấu hạ tầng nhất thiết phải sửa đổi hoàn chỉnh luật pháp chính sách để các tập đoàn tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài tham gia mạnh mẽ hơn.

Chiến lược 10 năm không thể là phép cộng của hai kế hoạch 5 năm. Cùng với chiến lược tổng thể, nhất thiết phải có các chiến lược đối với từng lĩnh vực gắn với các quy hoạch cụ thể như chiến lược thu hút và sử dụng vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, điều chỉnh quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng với các mục tiêu ưu tiên, quy hoạch đất đai, phát triển đô thị, quy hoạch các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề...

Để thực hiện mục tiêu về xã hội, đòi hỏi cấp bách là phải hoàn thiện luật pháp chính sách, làm trong sạch bộ máy từ TW đến địa phương, có các chế tài và giải pháp nhằm tiếp tục ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, bất công trong tiếp cận các nguồn lực, sự tha hoá đạo đức xã hội.

Để bảo vệ môi trường, một trong những giải pháp quan trọng là phải chuyển dịch mạnh hơn nữa cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh các ngành du lịch, dịch vụ và nông nghiệp hiệu quả cao, nông nghiệp công nghệ cao; hạn chế đầu tư vào các lĩnh vực, các dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên không tái tạo; không đầu tư mới các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường. Tựu trung lại, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho thập kỷ tới phải chuyển mạnh sang “phát triển xanh” bằng một hệ thống các giải pháp đồng bộ.

Cuối cùng, đề xây dựng và thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các mục tiêu cơ bản như nêu ở trên, đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới tư duy và tăng cường hành động, chống giáo điều, duy ý chí và bảo thủ; phải “nhìn thẳng sự thật, nói rõ sự thật” như tinh thần Đại hội VI năm 1986 của Đảng để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ các rào cản đối với quá trình phát triển. Trong quá trình đó, chất lượng cán bộ các cấp là yếu tố quyết định, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” của sự thành bại.

Tin mới lên