Tài chính quốc tế

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

(VNF) - Sau khi được ký kết vào năm 2020 bởi 10 quốc gia ASEAN cùng 5 nước đối tác thương mại lớn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, hay còn gọi là RCEP, sẽ có hiệu lực vào đầu năm 2022.

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực RCEP sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2022.

Theo thông báo của Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), RCEP đã đạt đủ điều kiện và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022.

Điều kiện để RCEP được hoạt động là có tối thiểu 6 thành viên ASEAN và 3 nước ký kết ngoài ASEAN phê chuẩn hiệp định. Sau 60 ngày kể từ khi đạt được điều kiện này, RCEP sẽ chính thức có hiệu lực.

Đến nay, các nước ASEAN đã phê chuẩn thỏa thuận là Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan và Việt Nam, theo trang web của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia. Các quốc gia khác ngoài ASEAN cũng đã phê chuẩn RCEP là Trung Quốc và Nhật Bản, gần đây nhất là Australia và New Zealand.

Việc RCEP đạt đủ điều kiện để có hiệu lực đã giúp hiệp định này đạt được một “cột mốc quan trọng”.

"Quá trình phê chuẩn nhanh chóng của các quốc gia ký kết là sự phản ánh chân thực cam kết mạnh mẽ của chúng tôi đối với một hệ thống thương mại đa phương công bằng và cởi mở vì lợi ích của người dân trong khu vực và trên thế giới", Tổng thư ký ASEAN, Dato Lim Jock Hoi, nói.

Tổng thư ký nhấn mạnh: "Việc thực hiện thỏa thuận sẽ tạo ra một động lực to lớn cho các nỗ lực phục hồi kinh tế sau Covid-19".

Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ dân và 26.200 tỷ USD, tương đương 30% dân số cũng như GDP toàn cầu. Hiệp định này cũng lớn hơn các khối thương mại khu vực khác như Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) hay Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng lợi ích kinh tế của RCEP rất khiêm tốn và sẽ mất nhiều năm để hiện thực hóa. Tuy nhiên, thỏa thuận được coi là một chiến thắng địa chính trị đối với Trung Quốc vào thời điểm ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương đang suy yếu.

Hiệp định cũng taọ ra thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh gián đoạn các chuỗi cung ứng gần đây. Việc thực thi RCEP cũng tạo nên khuôn khổ pháp lý ràng buộc trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử và tạo ra sân chơi công bằng trong khu vực.

Xem thêm >>Doanh nghiệp Việt giữa cuộc chơi RCEP: Đã yếu lại còn gặp... Trung Quốc

Tin mới lên