Học thuật

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là gì? Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là gì? Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là gì? Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập vào năm 1967, hiện đang có 10 thành viên.

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) là gì?

Hiệp hội các nước Đông Nam Á (Association of South East Asian Nations - ASEAN) được thành lập vào năm 1967 với các thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines, hiện nay bao gồm 10 nước khu vực Đông Nam Á. Mục đích chung của nó là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và văn hóa ở khu vực Đông Nam Á. Hoạt động của hiệp hội ngày càng được mở rộng và bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống như kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa trong khu vực. 

10 thành viên của ASEAN bao gồm: Indonesia, Malaysia, Lào, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Cambodia, Brunei, Phillipines, Myanmar.

Sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)

Cộng đồng kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community, viết tắt:AEC) là một khối kinh tế khu vực của 10 quốc gia thành viên ASEAN chính thức được thành lập vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 27 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Dù được gọi với cái tên “Cộng đồng kinh tế” nhưng AEC thực chất chưa thể được coi là một cộng đồng kinh tế gắn kết như Cộng đồng châu Âu (EC) bởi AEC không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ và những điều lệ, quy định có tính chất ràng buộc cao và rõ ràng như EC. AEC thực chất là cái đích hướng tới của các nước ASEAN thông qua việc hiện thực hóa dần dần 04 mục tiêu:

Một thị trường đơn nhất và cơ sở sản xuất chung

Một khu vực kinh tế cạnh tranh

Phát triển kinh tế cân bằng

Hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu

Có thể nói, AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế khu vực chứ không phải là một Thỏa thuận hay một Hiệp định với các cam kết ràng buộc thực chất. Tham gia vào các mục tiêu của AEC là hàng loạt các Hiệp định, Thỏa thuận, Chương trình, Sáng kiến, Tuyên bố… giữa các nước ASEAN có liên quan tới các mục tiêu này. 

Việc hiện thực hóa AEC đã được triển khai trong cả quá trình dài trước đây thông qua việc thực hiện các cam kết tại các Hiệp định cụ thể về thương mại đã ký kết giữa các nước ASEAN, có thể kể đến một số hiệp định quan trọng như:

Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)

Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)

Hiệp định về Di chuyển thể nhân trong ASEAN (MNP)

Các Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về một số lĩnh vực dịch vụ

Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)

Ngoài ra, việc thực hiện hóa AEC vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới (tiếp tục thực hiện theo lộ trình các Hiệp định, Thỏa thuận đã có và các vấn đề mới, nếu có).

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên