Thị trường

Hiệp hội taxi Hà Nội ‘đòi’ xe hợp đồng điện tử phải ‘đeo mào’

(VNF) - Sau khi ”tố” nhiều hệ luỵ, thiếu bình đẳng giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng tiếp tục kiến nghị Chính phủ buộc xe taxi công nghệ phải ”đeo mào” như taxi truyền thống để bình đẳng như nhau.

Hiệp hội taxi Hà Nội ‘đòi’ xe hợp đồng điện tử phải ‘đeo mào’

Grab không được sử dụng dịch vụ đi chung xe, đồng thời, kiến nghị phải gắn hộp đèn taxi điện tử hoặc xe hợp đồng điện tử

Hiệp hội taxi không đơn độc trong đề xuất

Không đồng tình với Tờ trình dự thảo Nghị định“Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô” thay thế cho Nghị định 86/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2018 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), ông Nguyễn Công Hùng chỉ rõ:

Tại mục 5.1 của Tờ trình có viết: theo đề xuất của Hiệp hội taxi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, toàn bộ các phương tiện kinh doanh vận tải có sức chứa dưới 9 chỗ ứng dụng phần mềm tính tiền (bao gồm cả các phương tiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử như đang hoạt động thí điểm hiện nay) phải là xe taxi”

”Tôi không đồng ý với nội dung này, bởi chúng tôi không đơn độc. Ngoài Hiệp hội taxi Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ra còn có rất nhiều cơ quan quản lý cũng như dư luận cũng có quan điểm như chúng tôi”, ông Hùng nói.

Cụ thể, ông Hùng dẫn ý kiến của Sở GTVT Hà Nội gửi Bộ GTVT tại văn bản số 3549/SGTVT-QLVT ngày 16/11/2015, trong đó nêu rõ: ”bản chất của loại hình kinh doanh vận tải công nghệ chính là hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng taxi”.

Hoặc như tại văn bản số 1000/UBND ngày 14/02/2017 của UBND TP Đà Nẵng gửi Bộ GTVT nêu “Về cơ bản, loại hình kinh doanh vận tải này hoạt động tương tự như kinh doanh vận tải bằng xe taxi ...”.

Báo cáo số 19762/SGTVT-VTĐB ngày 1/12/2017 của Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cũng có nêu: về bản chất, loại hình hoạt động xe hợp đồng 9 chỗ trở xuống có ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) là dạng đặc thù của kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi. Do đó, cần phải xem đây là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi (việc này đã được các chuyên gia, truyền thông, báo chí và người dân cũng xem đây là loại hình taxi công nghệ).

Tại văn bản của số 350/UBND-ĐT ngày 25/1/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc đóng góp ý kiến về thực hiện thí điểm ứng dụng KHCN trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng, tại mục 2 đã kiến nghị “Quy định để phân định rõ ràng giữa xe dưới 9 chỗ sử dụng hợp đồng vận tải điện tử thông qua các phần mềm phải được quản lý hoạt động như xe taxi”.

Thậm chí, tại cuộc họp ngày 13/7/2018 để lấy ý kiến lần cuối cho dự thảo Nghị định 86 trước khi trình Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể kết luận bản chất hoạt động Grab là taxi thì phải quản lý như taxi. Bộ trưởng chỉ đạo phải đưa Grab vào nhóm taxi điện tử và gắn hộp đèn.

”Như vậy, nội dung tại điểm 5.1 của Tờ trình đã phản ánh không trung thực, bỏ qua rất nhiều ý kiến góp ý, tạo ra góc nhìn không khách quan cho Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ cũng như người dân khi xem xét Nghị định”, ông Hùng bức xúc nói.

Xe hợp đồng điện tử và taxi điện tử khác gì nhau?

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, việc nhận diện đối với loại hình xe hợp đồng điện tử đang rất mơ hồ, trong khi quy định về nhận diện đối với xe taxi điện tử (là loại hình tương tự) thì rất rõ ràng là phải gắn hộp đèn taxi điện tử.

Trong Tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 86, khoản 6 Điều 3 nêu khái niệm “Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của khách hàng; cước tính theo đồng hồ tính tiền hoặc thông qua phần mềm căn cứ vào ki lô mét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi”.

Phản biện vấn đề này, Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm để tính tiền như hiện nay cũng có lịch trình theo yêu cầu của khách, giá cước tính theo ki lô mét và thời gian chờ đợi. Điều này hoàn toàn giống như taxi điện tử.

”Hiện các doanh nghiệp taxi đều đã có phần mềm điện tử để gọi xe. Phần mềm cũng báo trước lịch trình và giá cước, khách hàng cũng hoàn toàn có quyền lựa chọn như loại hình xe hợp đồng điện tử. Vì vậy, không thể tồn tại hai khái niệm khác nhau cho cùng một hành vi thương mại với cùng một loại hình kinh doanh”, ông Hùng kiến nghị.

Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, rõ ràng nội dung Tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 68 của Bộ GTVT chưa quản lý được 2 loại hình nói trên, vì vậy thị trường vận tải tiếp tục nhiễu loạn, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ phá sản bởi sự bất bình đẳng quá lớn về điều kiện trong kinh doanh cũng như sự thiếu hợp lý trong chính sách quản lý.

”Chúng tôi khẩn thiết mong Thủ tướng Chính phủ cùng các thành viên Chính phủ lắng nghe, xem xét xếp loại hình xe hợp đồng điện tử vào cùng loại hình với taxi điện tử theo quy định tại Khoản 2, Điều 6 của Nghị định”, ông Hùng kiến nghị.

Trường hợp không thể gộp chung 2 loại hình này thì ông Hùng kiến nghị Chính phủ quy định bắt buộc phải gắn hộp đèn hợp đồng điện tử và taxi điện tử trên xe. Đồng thời, phải chịu các quy định về điều kiện kinh doanh như: phương tiện, người lái, trung tâm điều hành, chế độ báo cáo... của hai loại hình này sẽ tương đương nhau.

”Chúng tôi khẳng định các kiến nghị nêu trên không hề ảnh hưởng đến việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải trong thời đại 4.0 mà ngược lại nó sẽ giúp cho việc quản lý tốt hơn, đảm bảo công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Nguyễn Công Hùng kiến nghị

Tin mới lên