Thị trường

Hiệp hội Vận tải: Coi Uber, Grab là xe taxi sẽ dễ quản lý, đúng bản chất

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho rằng gọi Uber, Grab là xe hợp đồng điện tử thay vì taxi là "cố tình đánh tráo khái niệm".

Hiệp hội Vận tải: Coi Uber, Grab là xe taxi sẽ dễ quản lý, đúng bản chất

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội.

Tại buổi làm việc của Tổ công tác Chính phủ ngày 16/10, đề cập tới điều kiện kinh doanh taxi, ông Nguyễn Công Hùng - Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho rằng đang có quan điểm cố tình đánh tráo khái niệm khi cho rằng ôtô chở khách hoạt động kiểu Uber, Grab không phải là taxi mà là xe hợp đồng điện tử.

Theo ông, quá trình lấy ý kiến các chuyên gia, thẩm định Bộ Tư pháp... đều khẳng định thực chất đây là xe taxi điện tử. Cách gọi qua tổng đài điện thoại hay qua phần mềm, cách đo quãng đường xe chạy và tính tiền bằng đồng hồ hay phần mềm chỉ là hình thức của thủ tục, đều có giá trị tương đương chứ không phải là bản chất của loại hình vận tải.

“Có ý kiến bao biện rằng nếu coi Uber, Grab là taxi sẽ kìm hãm sự phát triển của khoa học công nghệ, rất vô lý. Quy định taxi truyền thống hay taxi công nghệ thì đều là taxi sẽ đúng bản chất, bảo đảm dễ quản lý và bình đẳng các nghĩa vụ, trách nhiệm. Còn anh nào ứng dụng công nghệ tiên tiến thì anh đó sẽ có lợi nhuận cao hơn”, Phó chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội lập luận.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP HCM Tạ Long Hỷ cũng đồng tình việc dự thảo đưa ra định danh các đơn vị vận tải. Theo đó, nếu cung cấp phần mềm, cho thuê phần mềm đơn thuần, không can thiệp vào quá trình vận tải thì chỉ là đơn vị cung cấp phần mềm. Còn nếu đơn vị đó tham gia định giá cước, thu tiền, phân phối lợi nhuận, thậm chí bỏ hàng chục tỷ để khuyến mãi sản phẩm vận tải thì đương nhiên là kinh doanh vận tải.

Vị này cũng cho rằng các xe chở khách 9 chỗ ngồi trở xuống, kết nối qua phần mềm hoặc không kết nối qua phần mềm nhưng trong nội đô và tính chất, bản chất giống nhau thì coi là taxi. “Mặt bằng chung là taxi cái đã, còn taxi loại gì thì Bộ Giao thông có thể quy định riêng. Không nên tạo một sân chơi, chợ riêng cho một loại nào đó mà bản chất là taxi”, ông Hỷ nói.

Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM cũng kiến nghị để phân biệt giữa kinh doanh và không kinh doanh chở khách thì tất cả xe, trước hết là 9 chỗ trở xuống nên có biển số khác hoặc có đặc điểm khác trên biển số. “Cái tối thiểu làm được ngay là Bộ Giao thông quy định nếu anh kinh doanh thì tem kiểm định quy định màu khác hoặc lớn gấp hai lần tem kiểm định bình thường. Anh kinh doanh thì việc kiểm tra phải khác xe gia đình”, ông Hỷ đề nghị.

'52 lần một năm tới Sở xin cấp phép, thời gian đâu làm việc'

Tại cuộc họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tỏ ý không hài lòng về dự thảo sửa đổi Nghị định 86. "Dự thảo Nghị định này không những không gỡ khó mà đưa ra thủ tục phức tạp hơn quy định cũ", ông nhận xét.

Ông dẫn chứng, dự thảo Nghị định thay thế quy định thời gian của phù hiệu tăng cường cuối tuần là “không quá 3 ngày”. Như vậy, doanh nghiệp sẽ phải đến Sở Giao thông vận tải 52 lần một năm để xin cấp phù hiệu tăng cường dịp cuối tuần. "52 lần trong một năm tới Sở thì còn thời gian đâu làm việc nữa", ông nói.

Cũng chỉ ra lỗ hổng trong Nghị định 86 sửa đổi, ông Nguyễn Công Hùng nêu quan điểm: Luật Giao thông đường bộ quy định 5 loại hình vận tải, cần áp dụng công nghệ đối với cả 5, không thể chỉ áp dụng với 2 loại hình vận tải hợp đồng du lịch như dự thảo. Do chưa có phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.

"Bộ Giao thông đã cử các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập ở các nước nhưng không hiểu tại sao lại không áp dụng. Điều này khiến dư luận nghi ngờ có sự thiếu khách quan, cố tình tạo kẽ hở trong xây dựng chính sách vì lợi ích nhóm", ông nói.

Điểm khác tại dự thảo Nghị định 86 sửa đổi gây tranh cãi là quy định doanh nghiệp, hợp tác xã khai thác tuyến cố định “ký hợp đồng với bến xe khách để tổ chức khai thác tuyến”.

"Điểm này cố tình tạo điều kiện để bến xe độc quyền, gây khó khăn cho doanh nghiệp, quay lại tình trạng cách đây 15 năm 'thủ kho to hơn thủ trưởng'”, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải lắng nghe và tiếp thu, "tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, tạo kẽ hở khi Bộ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật". Trả lời ngắn gọn, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Ngọc Đông nói "việc sửa Nghị định 86 rất phức tạp, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ ban hành".

Tin mới lên