Tiêu điểm

'Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ'

(VNF) - Thủ tướng đánh giá hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các doanh nghiệp nhà nước chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

'Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ'

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Ngày 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương về lãnh đạo, chỉ đạo công tác cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Theo báo cáo, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương gồm có 38 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 36 đảng bộ tập đoàn kinh tế, tổng công ty, ngân hàng thương mại nhà nước và 2 đảng bộ cơ quan. Đến ngày 30/12/2021, toàn Đảng bộ Khối có 1.148 tổ chức cơ sở đảng; 156 đảng bộ bộ phận, 5.742 chi bộ trực thuộc, 87.585 đảng viên.

Các doanh nghiệp trong Khối gồm 9 tập đoàn kinh tế, 20 tổng công ty, 6 ngân hàng, 1 tổ chức tài chính nhà nước với tổng số 930 doanh nghiệp trực thuộc. Tổng vốn điều lệ của các doanh nghiệp tính đến hết quý I/2022 là 1,1 triệu tỷ đồng; tổng vốn chủ sở hữu đạt trên 1,64 triệu tỷ đồng; tổng tài sản của các doanh nghiệp đạt trên 9,93 triệu tỷ đồng.

Ông Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy Khối lãnh đạo các đảng ủy trực thuộc lãnh đạo, chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty trong Khối thực hiện nghiêm túc công tác cổ phần hoá theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Kết quả là toàn Khối có 21 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng phải thực hiện cổ phần hóa 61 doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền, bao gồm cả công ty mẹ và các doanh nghiệp thành viên. Đến hết năm 2021, có 18/61 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hoá (đạt 29,5% kế hoạch), thu về 23.164 tỷ đồng. Trong đó, cổ phần hoá công ty mẹ đến hết năm 2020, toàn Khối có 14/36 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối đã thực hiện hoàn thành cổ phần hoá, tăng 04 công ty mẹ so với năm 2016.

Có 18 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng trong Khối thực hiện cổ phần hoá 57 doanh nghiệp thuộc Danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg; Công văn số 991/TTg-ĐMDN, ngày 10/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục Doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hoá theo từng năm giai đoạn 2017-2020.

Từ 2017 đến nay, có 09/18 tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện cổ phần hóa được 15/57 doanh nghiệp, thu về 21.548 tỷ đồng; trong đó, 03/18 tập đoàn, tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa theo Danh mục cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn lại 42 doanh nghiệp chưa thực hiện cổ phần hóa.

Về công tác thoái vốn, đã có 03 tập đoàn, tổng công ty thực hiện nhiệm vụ thoái vốn nhà nước tại 78 doanh nghiệp theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (gồm: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước: 76 doanh nghiệp).

Đến hết năm 2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam chưa thực hiện được việc thoái vốn theo tỷ lệ thoái vốn và tiến độ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1232/QĐ-TTg phê duyệt tỷ lệ vốn tối thiểu dự kiến thoái của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam trong năm 2018 là 24,86%; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam trong năm 2019 là 35,16%).

Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước đã hoàn thành thoái vốn tại 09/45 doanh nghiệp theo Danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với giá vốn 254 tỷ đồng, thu về 500 tỷ đồng, gấp 1,96 lần giá vốn; còn lại 31 doanh nghiệp chưa hoàn thành thoái vốn.

Đến nay, toàn Khối đã thực hiện thoái vốn theo quyết định của các cấp có thẩm quyền phê duyệt tại 165/530 doanh nghiệp (đạt 31,1% kế hoạch), với giá vốn là 12.938 tỷ đồng, thu về 40.971 tỷ đồng, gấp 3,2 lần giá vốn.

Phát biểu tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh, quản lý cán bộ có nơi, có lúc còn mờ nhạt, kết quả chưa cao; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét; nng lực đổi mới sáng tạo còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

Thủ tướng đánh giá hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Các doanh nghiệp nhà nước chưa liên kết chặt chẽ với nhau, chưa tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.

Công tác cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với tiến độ đề ra. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp chưa xứng tầm, chưa theo kịp yêu cầu của thị trường. Chế độ đãi ngộ và xử lý trách nhiệm người quản lý doanh nghiệp chưa tạo được động lực gắn với trách nhiệm theo cơ chế thị trường.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành việc sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu khối doanh nghiệp nhà nước; xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát, những dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.

Theo lãnh đạo Chính phủ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các doanh nghiệp nhà nước cũng phải góp phần quan trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường...

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan nhà nước phải phát huy cao độ chủ động, sáng tạo đối với doanh nghiệp nhà nước, kịp thời phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là trong tình hình hiện nay. 

Tin mới lên