Tài chính quốc tế

'Hồ sơ ô nhiễm' của Formosa: Nhiều lần chịu phạt vì hủy hoại môi trường

(VNF) - Formosa Plastics từng đổ 3.000 tấn chất thải chứa thủy ngân tại một thành phố cảng của Campuchia, gây ra nhiều sự cố môi trường ở Mỹ, bị phạt tới 13 triệu USD.

'Hồ sơ ô nhiễm' của Formosa: Nhiều lần chịu phạt vì hủy hoại môi trường

Một người dân thu nhặt cá chết trên một bãi biển ở huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh: STR/ AFP/Getty Images

Được thành lập năm 1958, Formosa Plastics Group (FPG) là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á có trụ sở tại Đài Loan. Là một trong những công ty đại chúng lớn nằm trong top 1000 thế giới do Forbes xếp hạng, doanh thu hàng năm của toàn bộ các công ty thuộc tập đoàn này lên tới con số 70 tỷ USD. Formosa có hàng trăm dự án đầu tư trên toàn cầu và khoong  mang những điều tiếng xấu trong việc hủy hoại môi trường sống tại nước sở tại.

Tuy mới chỉ hoạt động tại Việt Nam 10 năm, song Formosa đã liên tục để xảy ra những lùm xùm khiến dư luận phẫn nộ, gần đây nhất là nghi án xả thải ra biển khiến cá chết hàng loạt. Mặc dù chưa có kết luận chính thức, người dân và một số nhà khoa học đã đặt ra nghi vấn hệ thống xử lý nước thải của Formosa tại Khu Kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hàng chục tấn cá biển không thể sống sót. 

Tuy nhiến, đây không phải là lần đầu tiên Formosa gặp rắc rối với chính quyền nước sở tại.

Từng "ngậm ngùi" lĩnh giải "Hành tinh đen"

Vào năm 2009, tập đoàn này đã phải "ngậm ngùi" nhận giải "Hành tinh đen". Đây là giải do Ethecon - tổ chức bảo vệ môi trường của Đức dành cho những cá nhân/tổ chức "đóng góp" vào việc phá hủy môi trường.

Ethecon, một tổ chức bảo vệ môi trường ở Đức, đã lập ra các giải hàng năm "Hành tinh xanh" tặng cho các cá nhân/tổ chức có thành tích vượt trội trong bảo vệ môi trường thế giới.

Song song với đó là giải "Hành tinh đen", cho những cá nhân/tổ chức đóng góp nhiều vào việc phá hủy môi trường thế giới.

Trong danh sách nhận giải "Hành tinh đen" có mặt các nhân vật nổi trội như công ty Monsanta (tác giả của chất độc da cam), Công ty điện lực Tokyo (chủ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị vỡ cách đây mấy năm)…

Formosa và CEO của nó là ngài Lee Chih-Tsuen nhận giải Hành tinh đen năm 2009. Bà Diane, người nhận giải Hành tinh xanh năm 2006, đã bay sang Đài Loan để trao giải tận tay người nhận.

Formosa và CEO Lee Chih-Tsuen nhận giải Hành tinh đen năm 2009. Ảnh: Internet.

Nhận lại chất độc đã thải và lời "xin lỗi muộn màng" tại Campuchia

Sihanoukville từng là một trong những khu nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng ở vương quốc Campuchia. Cho đến cuối năm 1998, tập đoàn Formosa đưa khoảng 5.000 tấn chất thải, bao gồm khoảng 3.000 tấn nhiễm thủy ngân tới thị trấn này. Chất thải này được trộn với xi măng, sau đó chuyển qua nhân viên hải quan dán nhãn là "khối bê tông" và không hề đề cập đến thủy ngân.

Khối chất thải được đổ trên một khu đất trống gần cảng biển Sihanoukville của Campuchia để tiết kiệm chi phí. Điều đặc biệt, cách bãi rác này chỉ 1 km là một khu dân cư có gần 3.000 người sinh sống. Mỗi ngày, người dân xung quanh đã đổ xô đến nhặt các bao tải nhựa về nhà đựng rác, thậm chí là đựng gạo. Một vài ngày sau đó, những người này gặp nhiều triệu chứng sức khỏe bất thường như sốt cao và tiêu chảy. Đỉnh điểm là một công nhân làm việc tại bến cảng có tham gia vào quá trình tháo dỡ rác phải nhập viện và sau đó đã thiệt mạng.

Nhiều người hoảng sợ rời bỏ nhà cửa đi sơ tán do tin đồn rằng họ có thể đã tiếp xúc với rác thải hạt nhân. Bốn người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông khi trên đường đi sơ tán. Nhiều người cũng bị thương trong những vụ biểu tình bạo lực của người dân Sihanoukville để phản đối việc chính quyền sở tại cho phép Formosa đưa rác thải độc hại đến đây.

Người dân khu vực Sihanoukville đã đến bãi rác để nhặt lấy những túi nilon mà Formosa đã thải ra (ảnh: BAN)

Nghi ngờ bãi rác có thể chứa chất độc, người dân đã tỏ ra vô cùng phẫn nộ và yêu cầu chính quyền địa phương tiến hành điều tra tìm hiểu rõ ngọn ngành. Sau đó các quan chức môi trường ở địa phương đã phải hứa sẽ tiến hành kiểm tra về mức độ độc hại trong các bao nhựa nilon tại bãi rác. 

Quá trình điều tra đã cho thấy khối chất thải mà Formosa bỏ lại ở Sihanoukville có nồng độ thủy ngân vượt qua mức giới hạn an toàn lên đến 20.000 lần. Ngoài ra các chỉ số về dioxin và chất polychlorinated biphenyls (PCB) cũng đều ở mức nguy hiểm. Đáng chú ý, Formosa là nhà sản xuất nhựa Polyvinyl clorua (PVC) lớn nhất thế giới, do vậy thủy ngân trong quá trình sản xuất ra dung môi dùng cho sản phẩm PVC đã được tích lũy trong hàng ngàn tấn rác độc hại.

Tuy nhiên phía Formosa dường như lại muốn "giấu nhẹm" mức độ nguy hiểm của hàng ngàn tấn rác thải đã được âm thầm "tuồn" vào lãnh thổ Campuchia. Người phát ngôn của Formosa cho rằng rác thải gửi theo tàu Chang Shun vào Sihanoukville chỉ nhiễm thủy ngân "hơi vượt mức quy định một chút) (0,2 phần triệu). Tuy nhiên khi các cơ quan chức năng Campuchia đem mẫu đi xét nghiệm ở nước ngoài, tất cả mẫu đều cho kết quả thủy ngân ở mức nguy hiểm (0,284 phần triệu, so với mức an toàn 0,2 phần triệu).

Vụ việc ở Sihanoukville thổi bùng làn sóng phản đối của người dân Campuchia. Một khách sạn của tập đoàn này đã bị đập phá. 

Chính phủ Campuchia sau đó đã vào cuộc để điều tra và xử phạt một công ty của nước này đã ký hợp đồng nhập khẩu số rác thải độc hại trên. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng buộc tội Formosa mua chuộc các nhà chức trách địa phương bằng số tiền "bôi trơn" 3 triệu USD. Trước sức ép từ người dân và các quan chức Campuchia, hai tuần sau khi vụ việc bị phanh phui, Formosa đã phải lên tiếng xin lỗi vì đã "gây mất trật tự" cho người dân Campuchia, đồng thời tiến hành bồi thường và vận chuyển số rác thải này quay trở về Đài Loan. 

Gây ô nhiễm tại chính Đài Loan

"Hồ sơ đen" hủy hoại môi trường của Formosa còn tồn tại ngay tại vùng lãnh thổ mà công ty này được thành lập - Đài Loan. 

Hồi năm 2010, hơn 300 người dân ở Nhân Vũ (thành phố Cao Hùng, Đài Loan) đã biểu tình bên ngoài nhà máy của Formosa để phản đối việc nhà máy này gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của họ. Cuộc biểu tình biến thành xung đột giữa người dân và cảnh sát. Người dân yêu cầu Formosa dừng các hoạt động của nhà máy ở Nhân Vũ và cung cấp cho họ sự thật về mức độ ô nhiễm và ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người.

Năm 2012, một nghiên cứu được Giáo sư Chan Chang-Chuan thuộc Đại học Đài Loan tiến hành đã cho thấy, tỷ lệ mắc ung thư của người dân sống cách nhà máy của Formosa khoảng 10km từ năm 2008 - 2010 cao hơn 4,07 lần so với khoảng thời gian từ năm 1999 - 2001. 

Cùng năm này, một số nhóm hoạt động vì môi trường đã tập trung trước trụ sở Formosa ở thành phố Đài Bắc để biểu tình việc tập đoàn này mua lại 4 công ty truyền thông Đài Loan thuộc tập đoàn Next Media có trụ sở ở Hồng Kông. Những người tham gia biểu tình nằm la liệt dưới đất, giả vờ bị nhiễm độc để thể hiện rằng, những chỉ trích về Formosa có thể rơi vào thinh không, nếu tập đoàn này kiểm soát một số phương tiện truyền thông.

Người biểu tình nằm la liệt ở trụ sở Formosa tại Đài Bắc vào năm 2012

3 năm sau sự kiện này, năm 2015, người dân ở xã Đài Tây, huyện Vân Lâm (phía tây Đài Loan) đã đâm đơn kiện Formosa, yêu cầu đền bù 70 triệu Tân Đài Tệ (khoảng 2,16 triệu USD) với cáo buộc khu phức hợp sản xuất hóa dầu của tập đoàn này tại xã Mạch Liêu gây ra các mối đe dọa đối với sức khỏe. 74 người dân bị ung thư đã tìm tới một nhóm chuyên gia pháp lý dẫn đầu là luật sư Thomas Chan đại diện cho họ đi đòi công lý. 

Người dân Đài Loan biểu tình phản đối hành vi phá hoại môi trường của Formosa.

Trong khi đó, Liên minh bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa cho biết, mối đe dọa sức khỏe do nhà máy hóa dầu của Formosa không chỉ giới hạn ở Vân Lâm. Cư dân tại xã Đại Thành thuộc huyện này cũng đang có hàm lượng kim loại nặng cao có thể dẫn tới ung thư trong nước tiểu. 

Thư ký của Liên minh bảo vệ môi trường huyện Chương Hóa đã đặt ra câu hỏi, liệu chính quyền huyện Vân Lâm và Chương Hóa có chính sách di dời dân đang ở gần nhà máy của Formosa hay không. Luật sư Thomas Chan đã kêu gọi chính quyền Đài Loan thiết lập một chương trình kiểm soát ô nhiễm chéo tại các vùng miền ở hòn đảo này.

Bị phạt ở Mỹ

Tại Mỹ, Formosa sở hữu và điều hành một cơ sở sản xuất hóa chất tại Point Comfort, bang Texas. Tại đây, Formosa sản xuất nhựa PVC, polyethylene và ethylene. 

Formosa bắt đầu hoạt động vào năm 1980 và mở rộng cơ sở vào năm 1994, 1998 và 2010. Cho đến năm 2010, Formosa đã sở hữu 13 nhà máy khu vực nằm trên khoảng diện tích 6,5 km vuông về phía nam bang Texas. 

Hệ thống nhà máy Formosa tại Texas.

Trong năm 1982, nhà máy xử lý nước thải của Formosa đã thải chất 1,2-dichloroethane (EDC) khu vực lân cận, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn đất và mạch nước ngầm tại đây. EDC là dung môi được dùng phổ biến trong sản xuất nhựa PVC, rất độc hại đặc biệt là khi hít phải do áp suất hơi cao, dễ cháy và gây ung thư. EDC rất dễ hòa tan trong nước, và có thể tồn tại 50 năm trong các tầng chứa nước, gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và cảnh quan thiên nhiên xung quanh. 

Trước động thái gây nguy hiểm môi sinh của Formosa, Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) đã tiến hành điều tra và yêu cầu Formosa khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến năm 1993, các cơ quan chức năng lại ghi nhận thêm một vụ xả chất độc hại từ Formosa khi một bể chứa EDC đã bị vỡ tại nhà máy sản xuất clo-alkali. Tuy nhiên công tác xử lý khắc phục hậu quả từ phía tập đoàn diễn ra hết sức chậm chạp. Cho đến năm 2004, EPA đã yêu cầu Formosa phải tiến hành các hoạt động khắc phục tại khu vực bị ảnh hưởng bởi sự cố vỡ bể chứa EDC vào năm 1993.

Nhà máy Formosa ở bang Texas (Mỹ) đã xả hàng triệu lít nước thải ra vùng vịnh. 

Theo ECA, kể từ năm 2002, khi các nhà khoa học tiến hành khám nghiệm và nghiên cứu đàn gia súc bị bệnh, Formosa đã thải 700 tấn hóa chất độc hại ra môi trường xung quanh. Nhiều hóa chất có chứa chất gây ung thư, bao gồm butadien được sử dụng trong sản xuất cao su, và dichloroethylen, một dung môi công nghiệp.

Vào năm 2000, giới chức bang Texas đã xử phạt Formosa 150.000 USD cho hành vi gây ô nhiễm môi trường không khí. Tòa án đã buộc tội Formosa xả khí thải bao gồm vinyl clorua và hydro clorua vượt quá giới hạn an toàn gấp nhiều lần. 

Năm 2009, Formosa bị EPA xử phạt 2,8 triệu USD, đồng thời phải bỏ ra 10 triệu USD để khắc phục các vấn đề gây ô nhiễm môi trường tại bang Texas. Hồ sơ môi trường của Formosa thậm chí đã trở thành ví dụ minh họa trong bộ sách giáo khoa Luật Môi trường của Barry Hill tại Hoa Kỳ (Environmental Justice, Legal Theory and Practice, Barry Hill, 3rd Edition, 2014).

Tin mới lên