Tiêu điểm

Hồ sơ Panama liệu có bị ngành thuế quên lãng?

(VNF) - "Quả bom thông tin" Hồ sơ Panama phát nổ hồi tháng 5/2016 đã gây chấn động trên toàn cầu và cũng gây ra không ít các "thương tích". Mặc dù nhiều tên tuổi doanh nhân và các công ty tại Việt Nam được xướng tên, cơ quan quản lý cũng mạnh mẽ tuyên bố điều tra nhưng đến nay dường như mọi thông tin đang chìm xuống. Có lẽ quả bom này sẽ "tịt ngòi" tại Việt Nam và sẽ dần trôi vào quên lãng?

Hồ sơ Panama liệu có bị ngành thuế quên lãng?

"Quả bom thông tin" Hồ sơ Panama phát nổ hồi tháng 5/2016 đã gây chấn động trên toàn cầu và cũng gây ra không ít các "thương tích". Mặc dù nhiều tên tuổi doanh nhân và các công ty tại Việt Nam được xướng tên, cơ quan quản lý cũng mạnh mẽ tuyên bố điều tra nhưng đến nay dường như mọi thông tin đang chìm xuống. Có lẽ quả bom này sẽ "tịt ngòi" tại Việt Nam và sẽ dần trôi vào quên lãng?

Nhiều hệ lụy cho chính khách quốc tế

Ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của Công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu, các chính trị gia và người nổi tiếng cùng người thân trên thế giới né thuế và trong một số trường hợp để rửa tiền. 

Sau đợt công bố đầu tiên hồi đầu tháng 4, Hồ sơ Panama đã khiến nhiều quan chức, lãnh đạo doanh nghiệp trên thế giới từ chức hoặc đối mặt với nguy cơ từ chức.

Một trong những nạn nhân chính trị đầu tiên của Hồ sơ Panama là Thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, ông từ chức vào ngày 5/4. Cũng tại Iceland, Tổng thống Ólafur Ragnar Grímsson tuyên bố ông sẽ không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa sau khi bị cáo buộc có liên quan đến Hồ sơ Panama. 

Tại Anh, Thủ tướng David Cameron đối mặt với làn sóng biểu tình đòi ông từ chức sau khi vợ chồng ông bị cáo buộc sở hữu cổ phần trong công ty bình phong ở nước ngoài của người cha quá cố. Sau đó, ông Cameron cũng rời khỏi chiếc ghế Thủ tướng Anh nhưng là sau cuộc bỏ phiếu Anh rời EU.

Tại Chile, người đứng đầu của Văn phòng Minh bạch Quốc tế đã từ chức vào ngày 4/4. Giữa tháng 4, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha Jose Manuel Soria cũng phải từ chức khi tên của ông và anh trai được liệt kê là nhà điều hành của công ty có trụ sở tại Bahamas.

Argentina có ba người nổi tiếng được nêu tên trong hồ sơ Panama, gồm cầu thủ bóng đá Lionel Messi, Tổng thống Mauricio Macri, và một thân tín của cựu tổng thống Nestor Kirchner. Tháng 7/2016, tòa án Tây Ban Nha đã chính thức có kết luận về hành vi gian lận thuế của Lionel Messi. Theo đó, quan tòa tuyên án Messi 21 tháng tù giam. Ngoài án phạt tù, Messi còn phải nộp phạt hành chính 2 triệu euro, trong khi cha của anh nộp phạt 1,5 triệu euro.

Nạn nhân phải từ chức do Hồ sơ Panama còn có các tên tuổi lớn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng hay của các tổ chức quốc tế như ông Bert Meestadt, ủy viên hội đồng quản trị ngân hàng ABN Amro, một trong những ngân hàng lớn nhất của Hà Lan và châu Âu; Michael Grahammer - Giám đốc điều hành ngân hàng Hypo Landesbank Vorarlberg của Áo. Ông Juan Pedro Damiani đã từ chức thành viên Ủy ban Đạo đức của Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) sau khi các thông tin trong vụ rò rỉ Hồ sơ Panama cho thấy công ty luật của ông này hoạt động với vai trò trung gian cho một quan chức cấp cao của FIFA.

Sau các nhà lãnh đạo Iceland, Anh và Argentina, từ giữa tháng 4, Thủ tướng Malta và Pakistan đồng loạt bị ép từ chức do có liên quan tới Hồ sơ Panama. 

Hồ sơ Panama tiếp tục gây chấn động thế giới sau 2 lần công bố. Trước khi Hồ sơ Panama phần 2 được công bố, hơn 300 nhà kinh tế đã gây áp lực lên các nhà lãnh đạo thế giới để chấm dứt sự tồn tại của các thiên đường thuế. 

Việc ICIJ công bố danh sách mở rộng các công ty và cá nhân bị nghi ngờ trốn thuế đã khiến nhiều nước tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh chống tham nhũng và trốn thuế.

Ngành thuế có quên lời hứa?

Đối với Việt Nam, dữ liệu của ICIJ cho thấy có 19 công ty được thành lập tại nước ngoài có liên quan tới các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam, trong đó có 7 công ty có mặt trong Hồ sơ Panama. ICIJ cũng đề cập đến 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có mối liên hệ tới các công ty này trong cả hai cơ sở dữ liệu từ Hồ sơ Panama và Offshore Leaks. Trong 189 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam "lọt" vào tài liệu Panama thì phân nửa là những cái tên "thuần Việt", còn lại có tên ngoại quốc.

Trong đó, có những cái tên doanh nhân người Việt nổi tiếng như ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI); bà Đàm Bích Thủy - người từng đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Ngân hàng HDBank, Tổng Giám đốc Vietjet Air; ông Johnathan Hanh Nguyen, Chủ tịch tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP); doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn của Eurowindow; doanh nhân Đoàn Văn An, người vướng lao lý trong vụ án tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam... Thậm chí các doanh nhân nước ngoài khá nổi tiếng như ông Preben Hjortlund hay ông Peter Ryder cũng có tên trong danh sách này. 

Ngoài những cái tên là doanh nhân hoặc nhà đầu tư tự do, trong Hồ sơ Panama cũng xuất hiện cả những cái tên được thể hiện là đang công tác tại các cơ quan, tổ chức thuộc nhà nước.

Một số cá nhân đã lên tiếng cho rằng, việc có tên trong danh sách là điều bình thường, hoàn toàn hợp pháp, hợp lệ. Nhưng đó chỉ là số rất ít, đa số tài sản, giao dịch của các cá nhân, tổ chức, sự di chuyển của dòng tiền vẫn là một bí ẩn.

Trước thông tin này, dư luận lên tiếng bàn tán, có không ít người vội vàng kết tội những người có tên trong danh sách như là hồ sơ đen. Những tiếng nói vội vàng đó ít nhiều làm ảnh hưởng đến cá nhân người bị nêu tên, đồng thời có tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nhân Việt Nam.

Tổng cục Thuế tuyên bố sẽ điều tra các cá nhân, tổ chức người Việt có tên trong Hồ sơ Panama. Ngành thuế vào thời điểm đó cho hay đã thành lập khẩn tiểu ban kiểm tra, điều tra về nghĩa vụ thuế đối với 189 cá nhân, tổ chức có tên trong Hồ sơ Panama. Trên cơ sở kiểm tra dữ liệu nộp thuế cũng như đối chiếu với các quy định của Việt Nam, ngành thuế cho biết sẽ xác định cá nhân, tổ chức có dấu hiệu trốn thuế hay lách thuế...

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết cơ quan này sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khi cần thiết để làm rõ các trường hợp trong Hồ sơ Panama, sẽ rà soát các thông tin được công bố với chính dữ liệu về phòng chống rửa tiền sẵn có.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ nói đối với người Việt có tên trong Hồ sơ Panama, sẽ tăng cường phối hợp với Cục phòng chống rửa tiền, phối hợp với các ngân hàng để phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, vẫn chưa có thêm bất cứ thông tin nào liên quan đến việc điều tra các cá nhân, tổ chức Việt Nam liên quan đến Hồ sơ Panama và những tranh luận xung quanh vấn đề này cũng trở nên im ắng. 

Cuối 2014, một ngân hàng Thụy Sĩ có báo cáo về người siêu giàu trên thế giới với tài sản tối thiểu mỗi người là 30 triệu USD (khoảng 640 tỷ đồng). Việt Nam có 210 đại diện với tổng tài sản trị giá 20 tỷ USD, tăng gần gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với 2011.

Tuy nhiên, cho tới giờ, ngoài khoảng hơn 20 người có tài sản là cổ phiếu niêm yết công khai trên thị trường chứng khoán trị giá trên 640 tỷ đồng thì đa số những cái tên trong danh sách vẫn điều bí ẩn.

Một báo cáo trước đó cũng khẳng định Việt Nam có 2 tỷ phú USD với tài sản khoảng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, báo cáo này không tiết lộ tên tuổi của hai tỷ phú người Việt, ngoài một người đã được công nhận toàn cầu là ông Phạm Nhật Vượng.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng như của Ngân hàng ANZ cũng thừa nhận số lượng người siêu giàu và người trung lưu Việt tăng vọt gấp nhiều lần trong một thập kỷ qua. Báo cáo của Knight Frank, dự đoán trong 10 năm tới, số người siêu giàu Việt Nam sẽ tăng nhanh nhất thế giới, tăng hơn gấp đôi lên con số 300.

Rõ ràng, 189 cái tên và tổ chức trong Hồ sơ Panama vẫn còn quá nhiều ẩn số. Phía sau bản danh sách ấy có bao nhiêu công ty ma, địa chỉ ma, cái tên ma?  Và ai là người đứng đằng sau các công ty ma này? Liệu đây có thực sự là hoạt động trốn thuế, rửa tiền thì chắc vẫn còn phải chờ kết luận từ cơ quan điều tra.

Tin mới lên