Diễn đàn VNF

'Hồ sơ Panama': Tại sao lại chọn Panama?

(VNF) - VietnamFinance giới thiệu bài phân tích của Luật sư Nguyễn Duy Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội về lý do các nhà đầu tư lại chọn "thiên đường thuế" như Panama.

'Hồ sơ Panama': Tại sao lại chọn Panama?

Luật sư Nguyễn Duy Hùng.

Dự án đầu tư ra nước ngoài được triển khai như thế nào?

Để được đầu tư đến Panama hay đến bất cứ "thiên đường thuế" nào đó, trước hết tổ chức, cá nhân nhà đầu tư phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình đầu tư ra nước ngoài đã được pháp luật quy định. Điều 51, Luật Đầu tư năm 2014 quy định:

"1. Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm khai thác, phát triển, mở rộng thị trường; tăng khả năng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, thu ngoại tệ; tiếp cận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý và bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

2. Nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư ở nước ngoài phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư, quy định khác của pháp luật có liên quan, pháp luật của quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận đầu tư và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động đầu tư ở nước ngoài".

Đây là quyền luật định để các tổ chức, cá nhân, nhà đầu tư tiến hành thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Để thực hiện được một dự án đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư cần phải tuân thủ các bước sau:

Bước 1: Tổ chức, cá nhân xin Giấy chứng nhận đăng ký Đầu tư ra nước ngoài. Sau khi xem xét tính hợp lệ của hồ sơ, sự phù hợp với lĩnh vực, nhu cầu thu xếp vốn và đặc biệt là xác nhận của cơ quan thuế về việc tổ chức, cá nhân không nợ thuế thì nhà đầu tư sẽ được cấp Giấy chứng nhận Đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Bước 2: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục thành lập pháp nhân nơi quốc gia sở tại dự kiến đầu tư theo quy định của pháp luật quốc gia đó.

Bước 3: Sau khi được cấp phép hoạt động của nước sở tại, trong vòng 60 ngày, nhà đầu tư thông báo đến đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư.

Khi hoàn thành các thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, giấy phép thành lập tại nước sở tại, nhà đầu tư được mở một tài khoản vốn đầu tư tại ngân hàng thương mại Việt Nam trên cơ sở cho phép của Ngân hàng Nhà nước. Mọi hoạt động chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài, từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển lợi nhuận về nước phải thông qua tài khoản này.

Về chế độ báo cáo:  Định kỳ hằng quý, hằng năm, nhà đầu tư gửi báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư. Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày có báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư, nhà đầu tư báo cáo tình hình hoạt động của dự án đầu tư kèm theo báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hoặc văn bản có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của pháp luật nước tiếp nhận đầu tư gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước tiếp nhận đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, nhà đầu tư phải thực hiện báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu liên quan đến công tác quản lý nhà nước hoặc những vấn đề phát sinh liên quan đến dự án đầu tư.

Nhìn vào quy trình này, có thể thấy nhà nước đã thiết lập ra một công cụ hữu hiệu, tạo động lực cho tổ chức, cá nhân tự chủ đầu tư nhưng đồng thời cũng có những có chế kiểm soát đặc biệt để hạn chế các rủi ro mà nhà nước trong phạm vi dự liệu đến. Với quy trình này, vấn đề "trốn thuế" hay "lách thuế" có lẽ không khả thi. Vậy sự thực các tổ chức, cá nhân lách luật như thế nào?

Tại sao lại chọn Panama?

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến tháng 4/2016, các nhà đầu tư đến từ "thiên đường thuế" đầu tư vào Việt Nam một số vốn khủng gần 80 tỷ USD gồm: Singapore (1.600 dự án với 36,28 tỷ USD), Hồng Kông (1.018 dự án với 15 tỷ USD), BVI (644 dự án với 19 tỷ USD), Quần đảo Cayman (70 dự án), Bermuda khoảng 232 triệu USD, Bahamas 108 triệu USD, Panama 51 triệu USD…

Có thể lý giải cho việc các nhà đầu tư chọn "thiên đường thuế" vì các lý do sau:

Thứ nhất, phần lớn các thiên đường thuế là nơi có chế độ thuế khóa lý tưởng nhất cho nhà đầu tư. Xuất phát từ nhu cầu thực tại và định hướng phát triển kinh tế của chính các quôc gia này, mà vấn đề thuế mà họ không đặt ra, điều đó cũng phù hợp với chính sách quản lý các doanh nghiệp mà họ hướng tới. Điều này được pháp luật quốc tế thừa nhận. Điển hình như tại British Virgin Islands - BVI, Bahamas, Cayman Islands thuế suất bằng 0%, tại Quatar chỉ 10%, Singapore 17% hay Hồng Kong 16,5%,... Đây là lý giải cho việc tại sao một số công ty đa quốc gia, một số tập đoàn kinh tế thế giới đặt chân tới thiên đường thuế.

Thứ hai, sự đơn giản về pháp lý cho sự ra đời một doanh nghiệp và chi phí vận hành doanh nghiệp đó. Đây cũng là một trong lý do thu hút được các nhà đầu tư. Nhiều nơi thiên đường thuế cho phép người nước ngoài mở công ty trong vòng 24 giờ qua các đại lý đăng ký chỉ với vốn…1 USD, không phải thuê nhân viên, văn phòng, hay trụ sở, không tiến hành các hoạt động kinh doanh trước đó (công ty offshore). Từ công ty này, họ có thể tiến hành hoạt động đầu tư hợp pháp đi khắp nơi trên thế giới.

Thứ ba, sự ít can thiệp của Chính phủ vào các công ty ở thiên đường thuế. Phần lớn các Chính phủ ở thiên đường thuế mở rộng tối đa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Quyền về nhân thân của các chủ sở hữu được bảo mật tuyệt đối, các doanh  nghiệp không phải khai báo tổ chức hoạt động, hoạt động báo cáo của doanh nghiệp cho cơ quan công quyền gần như bằng không. Bên cạnh việc tạo ra môi trường thông thoáng cho hoạt động  đầu tư thì điều này tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền, che dấu tài sản, buôn bán vũ khí, tài trợ khủng bố hay tạo ra các ngân hàng mở… mà các quốc gia đang lên án, ngăn cản.

Thứ tư, các doanh nghiệp có thể lợi dụng sự thông thoáng của các quốc gia ở thiên đường thuế để mở các các công ty đầu tư và chuyển giá.

Có nhiều cách lách thuế, trốn thuế nhưng cách lách thuế, trốn thuế kinh điển là khai tăng giá trị hàng hóa đầu vào để giảm doanh thu từ đó giảm thuế phải nộp, lợi dụng sự chênh lệch về thuế suất ở các quốc gia.

Ví dụ: lập công ty sản xuất  tại Việt Nam. Công ty Việt Nam sản xuất một sản phẩm là 100 đồng và cần nguyên liệu là 40 đồng. Như vậy thuế phải nộp là (100 - 40) x 20% = 12 đồng.

Để giảm số thuế phải nộp,  phải dùng một trung gian, ví dụ mở công ty con tại Panama để mua nguyên liệu đầu vào giá 40 đồng rồi tâng giá lên và bán cho công ty Việt Nam, giả dụ 90 đồng. Như vậy số thuế mà công ty Việt Nam phải nộp là (100 - 90) x 20% = 2 đồng. 

Trong khi đó lãi của công ty Panama là 90 - 40 = 50 đồng. Vì thuế ở Panama gần như = 0 nên số lãi 50 đồng này sẽ được báo về công ty mẹ tại Việt Nam. 

Một số công ty thành lập ở thiên đường thuế, sau đó dùng tư cách pháp nhân này đầu tư vào Việt nam. Các công ty ở thiên đường thuế ký kết với các công ty con ở Việt nam những hợp đồng dịch vụ không thể kiểm soát được ví như: hợp đồng quản lý, tư vấn quản trị, thu xếp vốn…để tăng đầu vào cho công ty con, giảm số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp…

Việc kiểm soát được quy trình này để chứng minh được doanh nghiệp đang lách thuế hay trốn thuế là vấn đề không hề đơn giản của cơ quan quản lý.

Thứ năm, đầu tư vào các thiên đường thuế các doanh nghiệp có thể tránh được việc đánh thuế hai lần trên một khoản thu. Điều này được thể hiện, các nhà đầu tư thành lập pháp nhân tại các thiên đường thuế, sau đó các pháp nhân này tiền hành đầu tư vào các quốc gia khác, khi có lợi nhuận sẽ được chuyển về thiên đường thuế mà không bị đánh thuế hoặc đánh thuế ở mức thấp nhất.

Trong khi đó, nếu dùng một quốc gia khác chưa ký kết thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần với Việt nam chẳng hạn, đương nhiên khoản lợi nhuận của nhà đầu tư sau khi chuyển về nước sẽ có nguy cơ bị đánh thuế lần hai vì Việt Nam và quốc gia này chưa ký kết thỏa thuận tránh đánh thuế hai lần.

Thứ sáu, lựa chọn Panama là một sự lựa chọn an toàn và khôn ngoan về mặt pháp lý của chủ đầu tư, phòng ngừa nguy cơ về sau. Vấn đề rủi ro trong kinh doanh khi đầu tư luôn phải tính đến và cân nhắc trong bài toán tài chính của doanh nghiệp. Nếu đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài bên cạnh phải chứng minh tính khả thi của dự án, nguồn tiền đầu tư thì còn phải chịu trách nhiệm bằng chính tài sản đó khi dự án đầu tư phá sản, giải thể…Trong khi nếu lập công ty từ Panama và từ Panama đầu tư vào Việt nam thì bài toán rủi ro được loại bỏ vì việc ra đời một công ty, trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu với công ty đó gần như là không có.

Ứng xử như thế nào với hiện tượng thiên đường thuế?

Việc ngăn chặn thiên đường thuế là không khả dĩ, chừng nào các quốc gia thiên đường thuế còn có lợi ích ở trong đó. Vấn đề đặt ra, là các quốc gia cần liên kết chặt chẻ hơn, kêu gọi các chính phủ nơi  có thiên đường thuế cần phải công khai, minh bạch hóa thông tin để hạn chế tình trạng lợi dụng thiên đường thuế cho những mục đích phi pháp như: rửa tiền, che dấu tài sản, buôn bán vũ khí, tài trợ khủng bố, tạo ra các ngân hàng mở…

Dưới góc độ pháp lý của một quốc gia, chúng ta cần hoàn thiện các thể chế, các quy định của pháp luật, xây dựng được một hành lang pháp lý có thể kiểm soát được hoạt động đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư từ nước ngoài vào Việt nam nhưng vẫn tôn trọng được quyền tự do kinh doanh đã được Hiến pháp khẳng định. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới các quy định pháp lý về việc giảm thủ tục pháp lý gia nhập thị trường của doanh nghiệp, trao quyền tự chủ cho hoạt động doanh nghiệp, nhà nước ít can thiệp vào công việc nội bộ của doanh nghiệp, có lộ trình cắt giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp; tăng cường ký kết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia, vùng lãnh thổ…

Bên cạnh đó, để ngặn chặn được tình trạng trốn thuế, lách thuế chúng ta cần xây dựng một đôi ngũ công chức đủ mạnh về trình độ chuyên môn, có thể nhận biết được những "chiêu thức" chuyển giá của doanh nghiệp; đấu tranh chống sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và cơ quan thuế trong vấn đề chuyển giá.

Từ câu chuyện thiên đường thuế, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học bổ ích về chính sách thu hút đầu tư, cái nhìn của Chính phủ và ứng xử của doanh nghiệp. Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong thời đại "thế giới phẳng" là điều không hề đơn giản, đặc biệt là vấn đề được đặt dưới lăng kính quốc tế.

Thiết nghĩ, nếu Chính phủ quyết tâm, doanh nghiệp quyết liệt, hợp tác chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề mối quan hệ Nhà nước – Nhà đầu tư một cách hài hòa, ổn định tạo động lực cho sự phát triển kinh tế đất nước, tạo niềm tin cho nhân dân vào Chính phủ và vào chính các doanh nghiệp.

Tin mới lên